Xúc tiến đầu tư du lịch Quảng Bình: Động lực phát triển ngành kinh tế mũi nhọn
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Báo Công Thương)
Hội thảo có sự tham gia của khoảng 400 đại biểu gồm lãnh đạo các cấp bộ, ban, ngành cùng các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Mạnh Hùng nhấn mạnh, tỉnh Quảng Bình có lợi thế nổi bật, giàu tài nguyên để phát triển du lịch hàng đầu ở Việt Nam với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Với lợi thế cạnh tranh về tài nguyên và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tỉnh Quảng Bình xác định tập trung đầu tư để phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định được thương hiệu du lịch Quảng Bình trên bản đồ du lịch của khu vực và quốc tế, coi đây là khâu đột phá để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Thời gian qua, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực, đa dạng các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Từ năm 2021 đến nay, có 20 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư trên địa bàn với tổng nguồn vốn khoảng 2.000 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Mạnh Hùng phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Báo Công Thương)
Tuy nhiên, du lịch Quảng Bình vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng; sản phẩm du lịch còn ít, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, cơ sở lưu trú cao cấp còn thiếu. Do đó, để phát triển du lịch Quảng Bình tương xứng với tiềm năng, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh tập trung huy động sức mạnh tổng hợp từ các doanh nghiệp cũng như toàn thể xã hội với các chính sách kiến tạo của các cấp chính quyền.
Phó Chủ tịch tỉnh khẳng định, chính quyền tỉnh Quảng Bình cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, coi hiệu quả các dự án của nhà đầu tư là “thước đo” năng lực của chính quyền địa phương.
Các đại biểu dự hội thảo (Ảnh: Báo Công Thương)
Đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy cho biết, sau 2 năm bị chững lại do đại dịch Covid-19, năm 2022, du lịch Việt Nam đã tăng trưởng tích cực trở lại sau khi Chính phủ cho phép mở cửa hoàn toàn để đón khách quốc tế từ ngày 15/3. 11 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón được hơn 2,7 triệu lượt khách quốc tế, du lịch nội địa tăng trưởng ấn tượng, đạt 96,3 triệu lượt khách, cao hơn năm 2019 trên 10 triệu lượt.
Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh, sau dịch bệnh, xu hướng du lịch có nhiều thay đổi theo hướng du lịch xanh, du lịch trải nghiệm, du lịch sức khỏe - nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, khách du lịch có xu hướng thích đi tự túc, đi theo nhóm nhỏ là gia đình, bạn bè và tự đặt dịch vụ. Yêu cầu về tăng tính trải nghiệm cá nhân hóa, nhu cầu trải nghiệm “một điểm đến đa dịch vụ” tăng cao.
Sự tăng trưởng của lượng khách và xu hướng du lịch thay đổi theo sau đó là nhu cầu đầu tư du lịch cũng trở nên bức thiết. Bên cạnh nguồn vốn nhà nước để đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng dùng chung, rất cần có những nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đầu tư những dự án du lịch để đáp ứng phục vụ nhu cầu của khách du lịch ngày một tăng cao. Và muốn có các dự án đầu tư du lịch càng cần phải đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư cả trong nước và nước ngoài.
Quảng Bình có tiềm năng du lịch to lớn và được xác định nằm trong khu vực động lực phát triển du lịch Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Do đó, Quảng Bình cần phải phát huy tối ưu tiềm năng cho phát triển du lịch xứng đáng trở thành một trong những địa bàn động lực phát triển du lịch của cả nước thời gian tới.
Để thu hút đầu tư du lịch hiệu quả, theo Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy, du lịch Quảng Bình cần tập trung vào một số giải pháp như: xây dựng, sớm ban hành những cơ chế ưu đãi khuyến khích hơn dành cho các dự án đầu tư du lịch, đặc biệt là những dự án du lịch quy mô lớn, khu điểm du lịch đa dịch vụ - đa trải nghiêm, dự án khu lưu trú hạng sang, hay các khu vui chơi giải trí - trung tâm thương mại...; đồng thời có cơ chế hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để nâng cao sinh kế và chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, ban hành các chính sách thu hút đầu tư để nhà đầu tư dễ dàng tìm hiểu, xúc tiến đầu tư. Tỉnh cần dành nguồn lực ngân sách tỉnh và đề xuất nguồn ngân sách từ Trung ương để nâng cấp, hoàn thiện kết nối hạ tầng đường bộ, đường biển, đường không và hạ tầng kết nối các khu, điểm du lịch nội tỉnh và với các tỉnh khác trong vùng; tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch tỉnh Quảng Bình thông qua các chương trình kết nối, các chuyến công tác của lãnh đạo tỉnh đến các địa phương khác trong nước và quốc tế, gặp gỡ và xúc tiến giới thiệu cơ hội đầu tư tại tỉnh Quảng Bình.
Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Báo Công Thương)
Tại hội thảo có 5 chủ đề tham luận chính do các đại biểu, chuyên gia phân tích, trình bày gồm: Thực trạng và Tầm nhìn phát triển du lịch Quảng Bình thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quy hoạch đầu tư hạ tầng du lịch Quảng Bình: Cần nhìn xa, trông rộng, hiểu sâu; Phát triển kinh tế từ đầu tư hạ tầng du lịch: Kinh nghiệm thực tiễn, gợi ý cho Quảng Bình; Hạ tầng du lịch Quảng Bình: Đẩy mạnh triển khai các mô hình dịch vụ lưu trú đẳng cấp, sức hút điểm đến và kết nối đa năng các dịch vụ...; Xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng du lịch Quảng Bình và Định hướng chính sách, Cơ chế thu hút nhà đầu tư. Đồng thời, cập nhật các thông tin về chính sách thu hút đầu tư tỉnh Quảng Bình nói chung, thu hút đầu tư du lịch nói riêng; định hướng chiến lược phát triển du lịch.
Trong khuôn khổ hội thảo cũng đã diễn ra lễ ký kết hợp tác, quảng bá, phát triển du lịch Quảng Bình giữa Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch Quảng Bình với các đơn vị, nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
Trung tâm Thông tin du lịch