Hành trang lữ khách

Trải nghiệm du lịch miền Tây xứ Thanh

Cập nhật: 24/07/2015 15:56:15
Số lần đọc: 3451
Miền Tây “mê hồn” khách không chỉ bởi thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, những thác nước đẹp, những điệu múa xòe, múa sạp của các cô gái Thái, gái Mông... mà đến đây du khách còn được hòa mình vào cuộc sống của cư dân bản địa với biết bao trải nghiệm kỳ thú...

 Khu vực miền Tây xứ Thanh có 11 huyện miền núi, với diện tích 8.030 km2, chiếm hơn 3/4 diện tích của tỉnh. Đây là vùng có ưu thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng gồm: Tài nguyên rừng, hồ, núi, hang động, thác nước và nhiều cảnh quan, danh thắng khác, là vùng có tiềm năng về văn hóa và dân tộc thiểu số đặc sắc, là điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển đa dạng sản phẩm và các loại hình du lịch hấp dẫn. Cho đến nay, loại hình du lịch phát triển nhất ở khu vực này là du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Điều đặc biệt đó là du khách đến đây phần lớn là khách nước ngoài. Vậy du lịch miền Tây xứ Thanh đem đến cho du khách những trải nghiệm gì để thu hút sự quan tâm của du khách đến vậy?

 

Trước hết hãy cùng chúng ta đi về hướng Tây - Nam và thăm “Hạ Long” giữa lòng Thanh Hóa. Điểm đến này cách TP Thanh Hóa chừng 46 km, thuộc địa phận huyện Như Thanh - Vườn Quốc gia (VQG) Bến En sở hữu một vùng rừng núi, sông hồ rộng trên 16.000 ha, còn mang vẻ hoang sơ với hệ động thực vật đa dạng và phong phú. Cùng với đó, hệ thống hồ nước rộng tới 4.000 ha bao gồm 21 đảo lớn nhỏ khác nhau, bên cạnh là những rừng cây, hoa lá, chim muông, thú rừng đa dạng. Đến nơi đây du khách sẽ đắm chìm trong không gian rộng lớn - hồ Sông Mực. Truyền thuyết kể rằng, trước đây có một con Mực khổng lồ đã đến thăm hồ và bị mắc kẹt tại đây. Sau khi nó chết, các tua của nó biến thành các con sông chảy vào hồ tạo nên dáng hình con Mực như ngày nay, cho nên hồ mới có tên là hồ Sông Mực.

 

Đặc biệt, nơi đây có dãy núi Hải Vân với nhiều hang động đẹp còn giữ được vẻ tự nhiên, chính nét tự nhiên ấy đã tạo nên một cảnh quan thiên nhiên vô cùng hấp dẫn. Cùng với đó, cách VQG Bến En chừng 2 km, di tích lịch sử hang Lò Cao kháng chiến Hải Vân - nơi chế tạo vũ khí đầu tiên của Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược còn được gìn giữ cho đến ngày nay.

 

Vì thế, đến với VQG Bến En là sự lựa chọn hiệu quả nhất để du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên. Bên cạnh du lịch sinh thái, văn hóa, du khách còn có thể tham gia nhiều hoạt động dã ngoại thú vị như: câu cá, bắt cua đá, dựng lều, căng bạt để nghỉ qua đêm trên các đảo hoặc du khách có thể du ngoạn trên khắp lòng hồ bằng thuyền hoặc xuồng máy và tham quan hang động tại dãy núi đá Hải Vân.

 

Ngoài ra, VQG Bến En với 13 thôn nằm trong vùng lõi, cộng đồng nơi đây thuộc 3 dân tộc thiểu số chính là người Thái, Mường và Thổ. Chính vì vậy, du khách có thể tìm hiểu, khám phá và tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng cùng họ. Với tính hiếu khách, cởi mở dân cư bản địa sẽ không ngần ngại trò chuyện và chia sẻ cùng bạn, thâm chí họ sẽ trở thành người hướng dẫn viên “lý tưởng” cho chuyến hành trình của bạn.

 

Sẽ thật thú vị khi tất cả những trải nghiệm thực tế cuộc sống nơi đây mang lại cho du khách niềm vui.

 

Chia tay Bến En, điểm đến thú vị trong chuyến hành trình miền Tây nằm ngay trong lòng bản Mường, với một suối cá thần độc đáo và hệ thống hang động huyền bí - suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy) đang là điểm đến của hàng trăm nghìn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế mỗi năm.

 

Cá nơi đây có thân màu vàng, mang ánh đỏ, sống trong hang núi Bồ Um, hàng ngày vẫn bơi lội quanh cửa hang - nơi có dòng suối nhỏ chảy ra. Cá nơi đây nhiều vô kể với nhiều loại lớn bé khác nhau. Con lớn nặng chừng 30 kg - đó là cá chúa, nhưng cá chúa đến tận mùa lũ mới rời khỏi hang. Hàng ngày đàn cá vẫn thi nhau bơi lội tự nhiên và chào đón du khách. Đến đây du khách có thể vui đùa với cá, cho cá ăn và ngắm nhìn sinh hoạt tự nhiên của giống cá thần. Và nếu như du khách muốn được thư thái, tìm đến cảm giác bình yên thì ngay trong quần thể suối cá còn có đền Ngọc thờ tứ phủ Long Vương, để du khách thắp hương, vãn cảnh. Đi lên phía trên suối cá là dãy núi Trường Sinh có động Cây Đăng với nhiều nhũ đá có hình thù kỳ vĩ, lấp lánh như kim cương, chắc chắn sẽ mang đến cho du khách cảm giác thú vị vô cùng.

 

Chưa dừng lại ở đó, miền Tây còn mang đến nhiều trải nghiệm về thực tế cuộc sống sinh hoạt văn hóa cho du khách khi tham gia loại hình du lịch sinh thái cộng đồng. Trong đó, các khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) sẽ không bao giờ khiến du khách thất vọng.

 

Ngược miền Tây du khách sẽ không thể bỏ qua Khu BTTN Pù Luông, với 17.662 ha rừng tự nhiên, thuộc địa phận 2 huyện Quan Hóa và Bá Thước. Khu BTTN Pù Luông hiện đang lưu giữ trong mình những giá trị cảnh quan thiên nhiên phong phú với sự đa dạng về các loại động - thực vật sinh sống trong rừng.

 

Đoàn chúng tôi đã có chuyến hành trình tuyệt vời khi đến với Khu BTTN Pù Luông tại huyện Bá Thước. Sau khi trải qua quãng đường đầy khó khăn, thử thách chúng tôi mới có thể đặt chân đến bản Kho Mường (xã Thành Sơn). Phải nói thêm rằng, cuộc hành trình chinh phục điểm đến này của đoàn chúng tôi tuy gian nan, vất vả nhưng không hề buồn tẻ một chút nào, bởi dọc chuyến hành trình còn có rất nhiều đoàn khách khác, đa phần là khách nước ngoài. Họ rất thân mật, cởi mở.

 

Buổi sáng hôm đó, sau khi vào đến bản, sắp xếp và thu dọn hành lý vào một ngôi nhà nghỉ du lịch sinh thái, đoàn chúng tôi đã quyết định đi bộ chinh phục Hang Dơi. Và lên được đến Hang Dơi thực sự không phải là chuyện dễ, nhất là đối với “cánh phụ nữ”, khi phải trải qua con đường mòn khá dài, lội qua một con suối nhỏ và len lỏi qua cánh rừng rậm rạp, ẩm ướt. Hang Dơi, quả thật đúng như tên gọi của nó, trước mắt cả đàn dơi bám đen trên vách hang, dưới sâu là những tảng đá xếp thành những hình thù kỳ lạ… tất cả đều khiến cho chúng sẽ cảm thấy hài lòng.

 

Hoàn thành hành trình chinh phục Hang Dơi và quay trở lại điểm dừng chân vào đúng giờ ăn trưa. Trên ngôi nhà sàn của người Thái, chúng ta sẽ được được thưởng thức những món ăn đặc sản của núi rừng miền Tây với cách chế biến và những gia vị khá độc đáo. Trong đó, rượu cần và cơm lam là 2 món đặc trưng của người dân bản địa.

 

Chuyến hành trình của chúng ta sẽ càng trở nên thú vị hơn khi buổi tối được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ cùng các chàng trai, cô gái Thái tại nhà văn hóa bản Kho Mường. Họ rất nồng hậu và không ngần ngại khi mời chúng tôi tham gia cùng.

 

Thêm một thông tin thú vị dành cho du khách là người yêu thích du lịch mạo hiểm, đó là du khách cùng bạn bè hoàn toàn có thể căng bạt và ngủ lại qua đêm trong rừng của Khu BTTN Pù Luông thơ mộng.

 

Cùng với trải nghiệm về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, tìm hiểu phong tục tập quán của cư dân bản địa, nếu bạn là người yêu thích loại hình du lịch thể thao mạo hiểm, vùng miền núi phía tây của tỉnh còn sở hữu nhiều danh thắng, hang động karst (đá vôi bị phong hóa) gắn với các truyền thuyết, di tích lịch sử văn hóa như động Bàn Bù hay còn gọi là Hang Ngán (Ngọc Lặc), động Cây Đăng (Cẩm Thủy), hang Phi hay còn gọi là động Ma (Quan Hóa), hang Con Moong (Thạch Thành), hệ thống hang động Cồ Luồng (Quan Hóa)... đáp ứng đầy đủ nhu cầu tham quan, khám phá của du khách.

 

Có thể nói rằng, miền Tây xứ Thanh với nguồn “vốn” du lịch lớn, đã và đang thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện nay du lịch miền Tây hoạt động chủ yếu dựa vào cộng đồng; công tác đầu tư phát triển du lịch chưa thực sự tương xứng với tiềm năng; hệ thống giao thông còn gặp nhiều khó khăn… Do đó, hoạt động du lịch miền Tây vẫn còn nhiều “lực cản” để có thể vươn lên phát triển mạnh mẽ.

 

Không ồn ào, náo nhiệt như những trung tâm du lịch biển, hơn nữa chi phí cho một chuyến du lịch không lớn và phù hợp với nhiều đối tượng, vì thế, du lịch miền Tây không bao giờ trở nên nhàm chán nếu bạn là người yêu thích khám phá. Khi chỉ với một điểm đến bất kỳ đều mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời./.

Nguồn: thanhhoatourism.gov.vn

Cùng chuyên mục