Hành trang lữ khách

Về làng - Tour du lịch mới ở Huế

Cập nhật: 15/12/2008 14:12:55
Số lần đọc: 2422
Đến Huế bây giờ ngoài tham quan quần thể di tích cố đô, thăm những ngôi chùa, các danh lam thắng cảnh, gần đây, đông đảo du khách thích thú với những chuyến lang thang về làng - nơi có một không gian lạ, thanh bình, yên ả...

Thủy Thanh- bình dị mà lôi cuốn

 

Đi chưa hết con đường Trường Chinh đến đoạn không còn nhà phố, rẽ trái, đi theo con đường nhựa hẹp, không bằng phẳng, là đường về xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, nơi có những di tích lịch sử - văn hóa như Cầu Ngói Thanh Toàn, đình làng Vân Thê, phủ thờ Tôn Thất Thuyết, nhiều nhà thờ họ, phái với lối kiến trúc Việt cổ tuyệt đẹp và hấp dẫn hơn nữa là tour du lịch làng quê. Hai bên là ruộng đồng và bờ tre, sông đào và bến nước, mái tranh và giàn mướp, đụn rơm và gà mẹ dắt con kiếm mồi, bầy trẻ trên đồng đào trùn câu cá, bướm vờn trên hoa xuyến chi...

 

Từ khi Huế làm Festival định kỳ vào năm chẵn, làng quê này đã gắn một phần đời sống với “ Chợ quê ngày hội “ và những tour du lịch xanh. Anh Nguyễn Văn Quả, cán bộ Công ty Lữ hành Intrepid Indochina nói rằng: “Du khách thích về nơi này bởi người ta thực sự thiếu một nơi thôn dã thanh bình và yên ả, thích nhìn ngắm người dân với nếp sinh hoạt bình dị, chân chất. không chỉ thích mà khách thật sự mê. Họ nói: Ngưỡng tuyệt vời của âm thanh là sự tĩnh lặng”.

 

Nhà trưng bày nông cụ

 

Khách còn đặc biệt thú vị khi xem những hiện vật ở Nhà trưng bày nông cụ (NTBNC) về nền văn minh lúa nước Việt Nam một thời chưa xa, với ba gian chính là: công cụ sản xuất nông nghiệp; ngư cụ và đồ dùng sinh hoạt gia đình đời thường ở nông thôn Huế.

 

NTBNC sống động hẳn lên khi mệ Ngảnh - người phụ nữ đã 76 tuổi ấy xuất hiện. Miệng nhai trầu và nụ cười vẫn còn chút duyên một thời gái quê. Trình độ văn hóa mệ chỉ “bình dân học vụ”, không biết tiếng Tây, vậy mà khách Tây vẫn hiểu và thích. Khách thăm nói rằng: Mệ Ngảnh thuyết minh “có hồn”. Cùng với hàng trăm hiện vật do xã sưu tầm, mệ Ngảnh đưa thêm những nông cụ xưa cũ của gia đình. Mỗi ngày mệ đi làm rất sớm, mở cửa NTBNC, quét dọn sạch sẽ. Không biết ngoại ngữ nên mệ “diễn” như động thái của diễn viên. Khách đến, mệ đeo cái giỏ cá lên vai, tay cầm cái chẹp hoặc cái nơm đặt xuống ruộng, dũi mấy cái rồi bắt cá bỏ vào giỏ. Leo lên xe đạp nước và đạp điệu nghệ, dùng gầu dai tác nước vào ruộng... Thấy khách đứng tần ngần bên cái cối xay, mệ liền đến bên, bốc mấy nắm lúa bỏ vào cối và xay, khách đăm chiêu nhìn cái cối giả gạo đã cũ, mệ cầm cái chày, vừa giã vừa biểu diễn luôn bài hò giã gạo mà hơi luyến, láy vẫn đầy, khách quá thú vị, vỗ tay rào rào. Mệ chạy tới, chạy lui tươi cười, tận tình hướng dẫn... Công việc ở NTBNC chiếm gần hết một ngày lao động, nhưng nghề kiếm sống chính của mệ là cái tủ bán hàng lưu niệm do chồng mệ, ông Phạm Văn Bút làm ra và một phần là hàng thủ công mỹ nghệ của những người thợ làng thúng mủng Bao La. Những dụng cụ nông nghiệp, đồ dùng gia đình nông thôn Huế xưa...được thu nhỏ xinh xắn, mỗi ngày mệ kiếm được vài ba,chục ngàn, có khi khách” bo” chút xíu vì lối “diễn” chân thật để mệ ăn trầu. Một du khách người Pháp làm rể Việt Nam nói: “Rời Huế về Kontum nhưng rồi nhớ bà Ngảnh và cái cối giã gạo, thế là tôi trở lại Huế”. Cô Rosie, người Anh nói rằng cô thích thú vì làng quê này hiền hòa, khung cảnh sinh hoạt mới lạ, hấp dẫn, nơi đây còn lưu giữ được những giá trị văn hóa đồng quê. Anh Nguyễn Thanh Danh, một Viêt kiều ở Mỹ nói: Được xem những hiện vật thật và qua cách tái hiện của bà Ngảnh, anh thật xúc động như thấy lại bóng dáng mẹ mình...

 

Đôi điều nhắn gửi

 

Trở thành tour du lịch đồng quê qua các kỳ Festival Huế và ngày càng được du khách tìm về, nhiều gia đình người dân đã khai thác khá tốt các dịch vụ, có thêm thu nhập nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Được biết, huyện Hương Thủy đã đề nghị Ngân hàng phát triển Châu Á( ADB) tài trợ cho dự án phát triển du lịch sắp đến theo hướng bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, tạo sản phẩm du lịch mới...Trong hướng đi đó, người viết bài này thấy cần thiết góp thêm với Hương Thủy như thể lời yêu cầu của du khách trong, ngoài nước đôi điều là: Điạ phương cần có qui hoạch xây dựng nhà cửa trong dân bảo đảm hài hòa với cảnh quang; trồng thêm nhiều cây xanh trên bờ kè sông Cầu Ngói; Thủy Thanh cần có một ngôi chợ kiên cố thuận tiện cho việc mua bán, đồng thời cần chuẩn bị sớm và chu đáo một nơi hoạt động đầy đủ ý nghĩa mỗi lần có “Chợ quê ngày hội”, đó không chỉ là chương trình cộng đồng của Festival Huế vào năm chẵn mà còn tổ chức hàng tháng hoặc 2 tháng/lần như kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt chợ quê thì phải là chợ quê chứ không nên làm theo kiểu” nhôm nhựa”, bày bán hàng Trung Quốc, gian bán hàng đặc sản lại xập xình nhạc pop, rock..., chưa phản ánh nổi một màu chợ quê, ngoài ra vệ sinh môi trường cần được quan tâm chăm chút hơn. Nhà trưng bày nông cụ tuy khang trang, đã sưu tập được hằng trăm hiện vật quí, trồng cây lập vườn và giếng nước nhưng ngôi nhà chưa phù hợp với thiết chế bên trong và cần sắp xếp lại có hệ thống hơn. Cần tính đến người thuyết minh ở Bảo tàng nông cụ trong tương lai giỏi ngoại ngữ và “diễn” tốt bởi mệ Ngảnh chỉ là hướng dẫn viên “ bất đắc dĩ” và đã ở tuổi gần đất xa trời. Xã Thủy Thanh và người dân không nên đốn, chặt, đốt cháy rụi những hàng tre ven dòng sông Lợi Nông bởi đây chính là cái hồn quê - một trong những sản phẩm du lịch mà khách yêu thích.

Nguồn: Báo Du lịch

Cùng chuyên mục