Non nước Việt Nam

Đất quê: Thấm đẩm tình người

Cập nhật: 09/07/2009 13:50:49
Số lần đọc: 1956
Đất quê bắt đầu khởi nghiệp từ ven sông Hồng, bắt đầu từ nền văn minh lúa nước của tổ tiên, ông cha ta mà có. Ở mỗi miền quê trên đất nước Việt Nam hình chữ S này, người ta rất quý đất quê. Tuổi thơ của ai đó đã từng biết có những người sinh ra ở quê, lớn lên cũng ở quê, nhưng không hề có đất quê, hay nói cách khác: không có tấc đất cắm dùi. Đó là những người nghèo, rất nghèo của làng quê miền Trung nắng gió. Quanh năm họ làm ruộng thuê, ở nhờ đất của người ta lay lắt cho qua ngày đoạn tháng bằng cuộc sống khốn khó.

Họ chỉ thật sự có đất ruộng, có đất làm nhà khi giải phóng hoàn toàn miền Nam. Từ người nông dân trắng tay nay được chia ruộng, chia đất cất nhà nên họ quý đất quê còn hơn những người đã từng máu thịt với đất quê. Một mảnh vườn cỏn con bốn mùa cho hoa trái, một rẻo đất ven sông quanh năm trồng khoai lang, khoai hạ, những mảnh ruộng được cấp sổ đỏ... đó là tài sản vô cùng quý giá đối với nhà nông.

Người ta có thể bỏ quê đi đâu thì đi, nhưng không bao giờ quên mảnh đất đã nuôi sống mình từ thưở lọt lòng mẹ; mảnh đất cưu mang, gắn bó với biết bao kỷ niệm buồn vui một đời người. Đất quê là niềm ước vọng của những người con xa quê muốn trở về quê hương (lá rụng về cội), nơi chôn rau cắt rốn của mình để sống những ngày cuối đời yên ả, thấm đẫm tình làng nghĩa xóm trước lúc nhắm mắt xuôi tay.

Đất quê có những cánh cò chao nghiêng trong chiều muộn, có tiếng sáo ngọt ngào, du dương trên cánh đồng ngày hạ, có cánh diều vi vu, lộng gió tắm mát tâm hồn tuổi thơ để ta biết làm người có nhân nghĩa ở đời. Đất quê có khói lam chiều nhè nhẹ bay lên sau những mái bếp rực hồng của sự sống và hạnh phúc đằm thắm, nơi mẹ ta một đời truân chuyên vì chồng, vì con mà không một lời than vãn.

Người ta sống ở phố hoa lệ, rộn ràng, nhưng có khi lòng lại gửi về một miền quê xa ngái mà hoài niệm về tuổi thơ. Những cơn mưa đông dài rả rích khiến cho con người ta man mát buồn vì nhớ quê da diết. Bởi đất quê luôn thấm đẫm kỷ niệm, nghĩa tình, nơi sinh ra những con người chân chất, quý trọng tình làng, nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Có những người mang đất quê, hình ảnh của quê vào phố để kinh doanh, buôn bán. Mượn cái đẹp phóng khoáng, dịu dàng, chung thủy của quê để chinh phục tình cảm mọi người mà quên rằng: Đất quê chỉ dành cho những người thật sự yêu quê, sống hết mình với quê, chứ không pha tạp sự ồn ã, xô bồ.

Đất quê thời kinh tế thị trường là loại hàng bất động sản có giá trị cao. Người ta có thể mở những khu công nghiệp, những khu du lịch sinh thái ở miền quê để thu hút vốn đầu tư, thu hút khách du lịch. Nhưng, người miền quê thì muôn đời vẫn giữ nguyên cái chất quê đáng yêu: thuần túy thật thà, tình nghĩa, duy trì nề nếp gia phong, bảo tồn văn hóa. Nói cách khác, hồn quê không bao giờ mất trước sự tiến hóa của cơ chế thị trường.

Nguồn: website báo Yên Bái

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT