Non nước Việt Nam

Một nghệ nhân dành trọn cuộc đời cho hát Xoan

Cập nhật: 09/07/2009 15:07:19
Số lần đọc: 1897
Từ khi nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch được cha giảng giải cho ý nghĩa sâu xa của 14 quả cách thì tình yêu và niềm đam mê hát Xoan của bà trở nên mãnh liệt.  

Nhà bà Nguyễn Thị Lịch, thôn An Thái, xã Phượng Lâu (TP Việt Trì, Phú Thọ). Bà Lịch sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống hát Xoan. Có ông nội là trùm hát Xoan nổi tiếng thời kỳ trước cách mạng và cha là cụ Nguyễn Tất Thắng, một người có công rất lớn trong việc khôi phục lại nghiệp hát Xoan thời kỳ sau chiến tranh và thành lập được câu lạc bộ hát Xoan. Ngay từ năm 13 tuổi, bà Lịch đã được cha truyền dạy các làn điệu hát Xoan.

Lúc đầu mới học hát, do lời hát là chữ Hán và bước đi, lối lại rất khó học nên bà cảm thấy không có hứng thú với nghiệp hát Xoan. Nhưng từ khi bà được cha giảng giải cho ý nghĩa sâu xa của 14 quả cách thì tình yêu và niềm đam mê hát Xoan của bà trở nên mãnh liệt.

Mặc dù gia đình bà Lịch không giàu, thu nhập của gia đình chủ yếu trông vào đồng lương hưu của chồng cộng thêm lợi nhuận thu được từ hơn 1000 m2 và 4 sào ruộng. Nhưng nhờ có sự ủng hộ, giúp đỡ của chồng và các con, bà Lịch đã quyết định dồn hết tâm huyết của mình để phát triển phường Xoan. Bà Lịch tâm sự: “Dường như Xoan đã là cái nghiệp ăn sâu vào trong tiềm thức của tôi. Tôi muốn truyền lại nghiệp hát Xoan cho con cháu, cho thế hệ sau. Thực ra, tôi làm như vậy cũng vì niềm đam mê, vì tâm nguyện của cha, vì truyền thống của gia đình và điều quan trọng nhất là tôi không muốn nghệ thuật hát Xoan truyền thống của quê hương Đất Tổ Vua Hùng bị mai một”.

Chính từ những suy nghĩ ấy mà bà Lịch đã không quản ngại khó khăn, vất vả để gây dựng và phát triển phường Xoan. Đến nay, bà Lịch đã đào tạo được 4 lớp học hát Xoan với gần 40 người biết hát. Trong đó, người nhiều tuổi nhất là 86 tuổi, người trẻ tuổi nhất là 10 tuổi. Cả 3 người con của bà Lịch là anh Cấn Xuân Tuấn, Cấn Xuân Tiến, Cấn Thị Thuý An đều theo nghiệp hát Xoan của mẹ. Đặc biệt các cháu nội, cháu ngoại cũng say mê những điệu hát Xoan của bà. Cháu Cấn Thị Hồng Nhung (cháu nội) có giọng hát hay, mượt mà, truyền cảm đã được phường chọn đi hát, biểu diễn trong và ngoài tỉnh.

Tính đến thời điểm này, gia đình bà Lịch đã có truyền thống hát Xoan suốt 5 đời liên tiếp, được công nhận là gia đình văn hóa cấp tỉnh suốt 6 năm liền. Bản thân bà Nguyễn Thị Lịch được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng Kỷ niệm chương và công nhận là Nghệ nhân dân gian (năm 2005), được tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp tiến bộ của phụ nữ và đặc biệt bà còn được nhận danh hiệu phụ nữ xuất sắc toàn quốc trong phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” (giai đoạn 2002-2007).

Tuy đã bước sang tuổi 60 nhưng bà Lịch vẫn giữ được nét duyên mặn mà, đằm thắm như những làn điệu Xoan.

Hát Xoan là một di sản văn hoá phi vật thể quý giá của vùng Đất Tổ Vua Hùng. Các làn điệu hát Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước. Hát Xoan là tiếng hát cửa đình thể hiện những lễ tục diễn xướng tế thần linh và được tổ chức vào mùa xuân với ý nghĩa: Cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt…

 

 

 

Nguồn: Website báo Nông Nghiệp Việt Nam

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT