Tin tức - Sự kiện

60 năm Du lịch Việt Nam: Tốc độ tăng trưởng khách cao, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hộ

Cập nhật: 09/07/2020 16:39:33
Số lần đọc: 2836
(TITC) - Trong giai đoạn chiến tranh và trước khi mở cửa nền kinh tế, ngành Du lịch Việt Nam chủ yếu đón tiếp các đoàn khách nước ngoài, phục vụ công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Từ khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế, hội nhập quốc tế, ngành Du lịch đã có những bước phát triển rất nhanh chóng cả về lượng khách và nguồn thu từ du lịch. Du lịch đóng góp ngày càng lớn vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thể hiện vai trò là một ngành kinh tế quan trọng.

Duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh trong nhiều năm

Về khách du lịch quốc tế, nếu như năm 1990 mới chỉ có 250 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam thì chỉ 5 năm sau đã tăng hơn 4 lần, đạt trên 1,3 triệu lượt; đạt mốc 5 triệu lượt vào năm 2010 và hơn 18 triệu lượt vào năm 2019 – tăng 72 lần so với năm 1990. Tốc độ tăng trưởng hàng năm thường đạt mức 2 con số, đặc biệt là giai đoạn 2015-2019 đạt 22,7% mỗi năm - được Tổ chức Du lịch thế giới xếp vào hàng cao nhất trên thế giới.

Lễ đón vị khách quốc tế thứ 15 triệu đến Việt Nam (tháng 12/2018)

Đến nay, Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn trong con mắt cộng đồng quốc tế, được các tổ chức, báo chí quốc tế uy tín tôn vinh bằng những giải thưởng danh giá tầm khu vực và thế giới.

Khách du lịch nội địa tăng 85 lần từ 1 triệu lượt vào năm 1990 lên 85 triệu lượt vào năm 2019. Cùng với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế, đời sống người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện, nhu cầu và khả năng đi du lịch ngày càng cao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và thúc đẩy hoạt động kinh tế trong nước.

Biểu đồ 1: Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, giai đoạn 1990-2019 (nghìn lượt)

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu Tổng cục Thống kê

Cùng với lượng khách du lịch quốc tế và nội địa ngày càng nhiều, du lịch mang lại nguồn thu ngày một lớn cho nền kinh tế. Hoạt động du lịch thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế và mọi tầng lớp nhân dân, mang lại nguồn thu không chỉ cho những đối tượng trực tiếp kinh doanh du lịch mà gián tiếp đối với các ngành liên quan, xuất khẩu tại chỗ và tạo thu nhập cho các cộng đồng dân cư địa phương.

Biểu đồ 2: Khách du lịch nội địa, giai đoạn 1990-2019 (nghìn lượt)

Nguồn: Tổng cục Du lịch

Năm 1990, tổng thu từ du lịch mới đạt 1.340 tỷ đồng thì đến năm 2019, con số đó là 755.000 tỷ đồng (tương đương 32,8 tỷ USD), trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 421.000 tỷ đồng (18,3 tỷ USD), tổng thu từ khách du lịch nội địa đạt 334.000 tỷ đồng (14,5 tỷ USD).

Biểu đồ 3: Tổng thu từ khách du lịch, giai đoạn 1990-2019 (tỷ đồng)

Nguồn: Tổng cục Du lịch

Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP cũng ngày càng tăng. Năm 2015 đạt 6,3%; năm 2016: 6,9%; năm 2017: 7,9%; năm 2018: 8,3% và năm 2019: 9,2%. Du lịch đang từng bước hướng tới trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn theo mục tiêu Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.

Biểu đồ 4: Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch trong GDP (%)

Nguồn: Tổng cục Du lịch

Du lịch phát triển góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy giao lưu văn hóa

Du lịch phát triển đã góp phần tăng tỷ trọng của ngành du lịch trong khu vực dịch vụ. Ở đâu du lịch phát triển, ở đó diện mạo đô thị, nông thôn được chỉnh trang, sạch đẹp hơn, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt như Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Huế (Thừa Thiên-Huế), Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Né (Phan Thiết), khu vực đồng bằng sông Cửu Long và nhiều địa phương khác.

Hoạt động du lịch phát triển làm gia tăng khả năng tiêu thụ tại chỗ cho hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy các ngành khác phát triển; khôi phục nhiều lễ hội và nghề thủ công truyền thống; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước và từng địa phương, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu, tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp cho nhiều tầng lớp dân cư, đặc biệt là thành niên mới lập nghiệp và phụ nữ; mở rộng giao lưu giữa các vùng, miền trong nước và với nước ngoài.

Thông qua du lịch, các ngành kinh tế - xã hội khác cũng phát triển; mở thêm thị trường tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ cho các ngành khác, thúc đẩy hoạt động thương mại và mang lại hiệu quả cao với hình thức xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch. Các ngành thương mại, nông nghiệp, thuỷ sản, giao thông, xây dựng, viễn thông... nhờ phát triển du lịch mà những năm qua đã có thêm động lực phát triển, góp phần thay đổi diện mạo của nền kinh tế - xã hội.

Hoạt động du lịch đã tạo thêm nguồn thu để tôn tạo, trùng tu các di tích, di sản và nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn, phát triển di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; khôi phục lễ hội, làng nghề truyền thống, truyền tải giá trị văn hoá đến các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế... tạo thêm sức hấp dẫn thu hút khách du lịch. Hoạt động du lịch phát triển đã kéo theo sự mở rộng giao lưu kinh tế văn hoá giữa các vùng, miền và với quốc tế, góp phần giáo dục truyền thống, đào tạo kiến thức và rèn luyện, bồi dưỡng thể chất, tinh thần cho mọi tầng lớp dân cư./.

Trung tâm Thông tin du lịch (TCDL)

 

 

 

 

 

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT