Hoạt động của ngành

Bắc Kạn tập trung đầu tư phát triển 02 lĩnh vực lợi thế

Cập nhật: 27/11/2020 08:28:58
Số lần đọc: 647
Với mong muốn phát huy tiềm năng, thế mạnh; tiếp tục tạo đòn bẩy, bước đột phá mới trong phát triển kinh tế cho địa phương, tỉnh Bắc Kạn đã và đang đẩy mạnh đầu tư phát triển 02 ngành mũi nhọn là nông nghiệp và du lịch.

Nông nghiệp hình thành vùng sản xuất hàng hóa, du lịch khởi sắc

Xác định sản xuất nông nghiệp làm gốc, là tiền đề cho sự phát triển, tại các buổi làm việc với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương, Bắc Kạn đều khẳng định lựa chọn sản xuất nông - lâm nghiệp hàng hóa là khâu đột phá, là hướng đi phù hợp, là lợi thế để tỉnh bứt phá. Vì vậy, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Ảnh: Thu hoạch lúa nếp Tài, xã Yến Dương, huyện Ba Bể

Nhờ đó, những năm trở lại đây, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh hằng năm tăng bình quân 2,4%. Không chỉ bảo đảm an ninh lương thực mà trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung như: Duy trì 3.200 ha vùng sản xuất cam, quýt; 2.100 ha vùng chè; vùng dong riềng khoảng 1.000 ha; cây rau có khoảng 2.000 ha. Đặc biệt, giai đoạn 2015-2020, Bắc Kạn đã trồng mới đạt 26.600 ha rừng, trong đó diện tích cây gỗ lớn 3 năm đạt trên 13.000 ha ở tất các huyện, thành phố, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh hiện đạt 72,9%, tạo động lực quan trọng để Bắc Kạn phát triển nền kinh tế xanh.

Đối với lĩnh vực du lịch, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển du lịch với các loại hình có lợi thế như: Du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, lịch sử, văn hóa, lễ hội, tâm linh... Trong nhiệm kỳ qua, Bắc Kạn đã đẩy mạnh quảng bá, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nhờ đó, ngành du lịch của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Lượng khách du lịch đến Bắc Kạn bình quân tăng 7,9%/năm; doanh thu ngành du lịch tăng 76% so với giai đoạn 2011-2015. Hệ thống đường giao thông đến các khu du lịch từng bước được xây dựng, nâng cấp, tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, điển hình như: Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường 258 đoạn từ km42 đến km48 (đường vào khu du lịch Ba Bể); Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 254 được đưa vào sử dụng đã tạo mạng lưới giao thông liên hoàn Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn, kết nối hoàn chỉnh đường du lịch ATK Ðịnh Hóa (Thái Nguyên) - hồ Ba Bể (Bắc Kạn)…

Trên địa bàn tỉnh, nhiều dự án đầu tư vào du lịch đã được triển khai, điển hình là: Dự án khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Ba Bể của Công ty Cổ phần Sài Gòn - Ba Bể; Dự án đầu tư khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Ba Bể Ecologde của Công ty TNHH MTV Lê Hùng… Đặc biệt, một số tập đoàn lớn cũng bắt đầu đến tìm hiểu và đề xuất đầu tư vào lĩnh vực du lịch của địa phương. Trong đó, có Tập đoàn FLC đã được tỉnh Bắc Kạn chấp thuận chủ trương cho phép khảo sát, nghiên cứu, lập quy hoạch và đề xuất đầu tư 02 dự án: Khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí và đô thị sinh thái Quảng Khê (Ba Bể); Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí và đô thị sinh thái xã Khang Ninh (Ba Bể). Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Greencanal Việt Nam thực hiện Dự án đầu tư khai thác dịch vụ tuyến, điểm du lịch tại Vườn Quốc gia Ba Bể và Khu du lịch sinh thái Nature and Fresh; Dự án khai thác tuyến xe điện; Dự án bến xuồng tại Buốc Lốm, bờ Bắc hồ Ba Bể và chuyển đổi xuồng chở khách tại Khu du lịch hồ Ba Bể…

Tập trung đầu tư 02 lĩnh vực lợi thế

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh sẵn có và những thành quả đã đạt được, giai đoạn 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn khóa XII xác định: Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch, trọng tâm là du lịch hồ Ba Bể…

Ảnh: Du lịch trên hồ Ba Bể

Cụ thể, đối với lĩnh vực nông nghiệp, Bắc Kạn tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, ngô kém hiệu quả, đất canh tác một vụ sang các cây trồng có thế mạnh; phát triển một số cây ăn quả có múi, hồng không hạt, cây mơ theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc quy trình VietGAP tiêu chuẩn hữu cơ. Tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng; thực hiện tốt công tác quy hoạch để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất theo chuỗi, được chứng nhận an toàn thực phẩm hoặc VietGAP theo lợi thế của từng vùng. Tăng cường công tác quản lý để giữ được chất lượng và thương hiệu các sản phẩm đã được công nhận như Gạo nếp Khẩu Nua Lếch, Quýt Bắc Kạn, Miến dong, Hồng không hạt, Gạo Bao thai và các sản phẩm OCOP. Hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp nông thôn gắn với xây dựng làng nghề; triển khai xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa tại thành phố Bắc Kạn, các huyện Bạch Thông, Chợ Mới để tạo động lực và thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong chăn nuôi, tập trung chỉ đạo phát triển đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh theo hướng chăn nuôi tập trung tại các gia trại, trang trại; chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh... Trồng rừng đảm bảo về chất lượng, hiệu quả, trong đó chú trọng công tác trồng lại rừng sau khai thác; tập trung trồng rừng gỗ lớn, cây đa mục đích có giá trị kinh tế cao và trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Khuyến khích các mô hình liên doanh, liên kết giữa các chủ rừng với các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo chu trình khép kín từ khâu trồng rừng đến khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; trồng rừng phải gắn với công nghiệp chế biến lâm sản.

Ngoài những giải pháp trên, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách để thu hút, hỗ trợ các tổ chức và cá nhân đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung với số lượng lớn và sản xuất theo chuỗi giá trị; có cơ chế, chính sách cụ thể cho người trồng rừng gỗ lớn, người bảo vệ rừng là rừng tự nhiên.

Trong phát triển du lịch, Bắc Kạn tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển du lịch hồ Ba Bể gắn với các tour, tuyến liên kết với các điểm du lịch văn hóa - lịch sử khác trên địa bàn tỉnh. Tập trung giữ gìn cảnh quan hồ Ba Bể, khai thác, phát triển thêm các điểm du lịch hang động, du lịch mạo hiểm, sản phẩm lưu niệm và du lịch gắn với văn hóa cộng đồng dân cư địa phương. Phối hợp với tỉnh Tuyên Quang, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản Ba Bể - Na Hang là di sản thiên nhiên thế giới. Quản lý tốt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, bảo đảm cảnh quan và bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch. Quan tâm đầu tư quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch để thu hút các nhà đầu tư, đồng thời có chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, hệ thống khách sạn, nhà hàng, các khu nghỉ dưỡng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương…

Trước mắt, tỉnh tập trung dành nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, trọng tâm là hệ thống giao thông. Theo đó, ngay đầu tháng 11/2020, tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Bắc Kạn đã thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng giao thông khu vực xung quanh hồ Ba Bể và Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường Quảng Khê - Khang Ninh, huyện Ba Bể. Các tuyến đường quanh hồ Ba Bể và tuyến đường Quảng Khê - Khang Ninh sẽ bắt đầu được triển khai thực hiện từ năm 2021. Hiện nay, Dự án xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn đến hồ Ba Bể có tổng chiều dài tuyến khoảng 39 km, với tổng mức đầu tư trên 2.337 tỷ đồng được HĐND tỉnh thông qua chủ trương tại Kỳ họp thứ 14 hồi tháng 10/2020 cũng đang khẩn trương triển khai thực hiện… Các công trình giao thông mới kể trên được đầu tư thực hiện sẽ cơ sở vững chắc, tạo đà để Bắc Kạn tiếp tục thu hút đầu tư phát triển Khu du lịch Ba Bể nói riêng và du lịch của tỉnh nói chung./.

Thu Cúc

 

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Bắc Kạn

Cùng chuyên mục