Non nước Việt Nam

Bản sắc văn hóa các nhóm tộc người M’nông

Cập nhật: 08/09/2020 09:52:34
Số lần đọc: 953
Dân tộc M’nông cư trú tại nhiều tỉnh như Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng, bao gồm nhiều nhóm tộc người hay còn gọi là nhóm địa phương khác nhau.


Trang phục nữ của đồng bào M'nông Rlăm giống với trang phục Êđê.

Tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông là địa bàn cư trú tập trung của dân tộc M’nông. Những nhóm địa phương đều có chung ngôn ngữ thống nhất nhưng có vài nét khác nhau về bản sắc, thể hiện qua phong tục, tập quán, đặc biệt về lối phục sức. Sắc thái văn hóa của từng nhóm tộc người cũng là yếu tố làm nên nét đặc sắc, đa dạng của văn hóa tộc người M’nông.

Từ lâu, các nhóm tộc người M’nông tự nhận tộc danh chung của dân tộc mình là Bu Nong. Tên nhóm địa phương được ghép vào sau tên tộc danh chung để phân biệt các nhóm tộc người như: Bu Nong Nong, Bu Nong Preh, Bu Nong Biăt, Bu Nong R'Ong, Bu Nong Prâng, Bu Nong Đip, Bu Nong Bih, Bu Nong Kuănh, Bu Nong Mạ...

Ngày xưa, khi chưa phân chia theo địa giới hành chính, các nhóm tộc người M’nông cũng như các tộc người khác ở Tây Nguyên sống ở các địa bàn khác nhau được xác định, phân định địa vực theo từng con sông, ngọn núi. Điều khá thú vị là người M’nông từ xa xưa đã ứng khẩu, sáng tác ra khá nhiều câu vần để nói về địa vực cư trú và bản sắc văn hóa của các nhóm tộc người: “Bu Nong Preh gu mper Dak Ksong/Bu Nong Biăt mper Dak R’lai/R’Ong Bu Srai mper Nâm Brah/Bu Đip Bong Ja mper Dak Dơng/Prâng Bu Nong gu jâng Nâm Nung/Prâng Bu Nong gu jâng Nâm Njang/Bu Nong Mạ jâng yôk Nâm Klang” (Dịch nghĩa: Bu Nong Preh ở giáp Dak Ksong/Bu Nong Biăt giáp Dak R'lai/Bu Nong R’Ong giáp núi Nâm Brah/Bu Nong Đip giáp sông Dak Dơng/Bu Nong Prâng ở chân núi Nâm Nung/Bu Nong Nong ở chân núi Nâm Njang/Bu Nong Mạ ở chân núi Nâm Klang). Điều đặc biệt, các địa danh này được nhắc đến khá nhiều trong truyện cổ, sử thi, chuyện thần thoại của dân tộc M’nông. Một số địa danh tên núi, tên sông xưa cũng đã được đặt tên cho các đơn vị hành chính ở các tỉnh, hàm chứa biểu tượng cội nguồn và di sản văn hóa tộc người sinh sống trên vùng Tây Nguyên.

Ngoài nhóm người Bu Nong Bih, Bu Nong Kuănh, Bu Nong R’lăm cư trú gần dân tộc Êđê nên ngôn ngữ và văn hóa có sự giao lưu, tiếp nhận, ảnh hưởng đậm nét bản sắc Êđê, các nhóm khác đều có sắc thái riêng biệt. Có thể thấy dấu ấn khác biệt của các nhóm tộc người qua lối trang sức, trang phục của họ. Trong khi người Bu Nong Bih, Bu Nong Kuănh, Bu Nong R'lăm ở Krông Nô, Lắk, Krông Bông... cả nam giới và nữ giới đều mặc trang phục không khác dân tộc Êđê, ở nhà sàn giống người Êđê, thì các nhóm khác giữ gìn bản sắc, phong cách độc đáo riêng không thể lẫn lộn. Người Êđê gọi người M’nông là “người tai sề” vì tập tục “cà răng căng tai”. Dái tai của người M'nông được căng ra để đeo khuyên tai, nhưng chất liệu làm khuyên tai của các nhóm tộc người lại khác nhau. Người Bu Nong Preh và Bu Nong Biăt đeo bông tai bằng ngà voi. Vì đây là những tộc người có thuần dưỡng, nuôi voi nhà. Người Bu Nong Đip đeo bông tai bằng ống tre, phụ nữ đeo vòng ống bằng đồng trên cổ tay, ống chân, nam giới đeo vòng trên cổ tay. Người Bu Nong Nong đeo bông tai bằng gỗ tạp. Đàn ông Bu Nong Prâng đeo bông tai bằng tre nứa, đàn bà nhóm dân tộc này đeo bông tai bằng vòng chì. Trong khi đàn ông nhóm dân tộc Bu Nong Prâng, Bu Nong Nong quấn khố hoa thì nhóm dân tộc Bu Nong Biăt, Bu Nong Preh, Bu Nong Đip và Bu Nong R’Ong quấn khố teh, khố brônh. Nữ giới Bu Nong Đip, Bu Nong Nong, Bu Nong Prâng mặc váy hoa.

Các nhóm M’nông còn có sự khác nhau về nghệ thuật diễn xướng, lễ hội và phong tục. Người M’nông ở gần dân tộc Êđê ngoài trang phục giống nhau họ còn diễn tấu nhạc cụ và cồng chiêng như nhau. Các nhóm khác thì có đôi nét khác lạ trong nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng. Trong khi người Bu Nong Preh gõ chiêng vào lòng, bên trong chiếc chiêng thì người Bu Nong Prâng, Bu Nong Nong, Bu Nong Đip, Bu Nong Biăt, Bu Nong R’Ong đánh chiêng bên ngoài, trên mu của chiếc chiêng.

Bên cạnh nét thống nhất về văn hóa, các nhóm tộc người M'nông có những sắc thái khác nhau, thể hiện rõ nhất ở trang phục, trang sức. Đây là điều thú vị làm nên sự đa dạng, phong phú văn hóa truyền thống của tộc người. Nếu trước kia, do địa bàn cư trú cách biệt, các nhóm dân tộc giữ sắc màu địa phương thì ngày nay, sự kết nối và giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ trong nội bộ tộc người đã dần dần thay đổi, mờ nhạt bản sắc. Do đó, cần nghiên cứu giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa của các nhóm tộc người, làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa của dân tộc M'nông trong vườn hoa đa sắc cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nguồn: Báo Đắk Lắk

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT