Non nước Việt Nam

Giữ nếp truyền thống người Tày

Cập nhật: 03/09/2020 08:55:59
Số lần đọc: 912
Rằm tháng Bảy hằng năm được người Tày xem trọng bởi theo tín ngưỡng thì đây là ngày lễ báo đáp, cảm tạ công ơn tổ tiên đã sinh thành, bảo vệ cho con cháu mạnh khỏe, học hành tấn tới, sản xuất, kinh doanh hiệu quả.


Phụ nữ Tày khéo léo gói bánh truyền thống.

Những ngày này, khắp các bản, làng người Tày sinh sống, đồng bào chuẩn bị nguyên liệu cần thiết để chế biến thành các vật phẩm dâng cúng tổ tiên. Trong đó, không thể thiếu món bánh truyền thống như: bánh gai, bánh rợm và bánh chuối. Nhiều gia đình người Tày thường cúng Rằm tháng Bảy vào ngày 14 âm lịch, do quan niệm: Cúng sớm để tổ tiên có thể về nhà sớm hơn, có thời gian thảnh thơi thăm nom gia đình, con cháu.

Trước chính lễ, phụ nữ Tày đã lựa chọn gạo nếp ngon, đỗ xanh, lạc, quả chuối, lá gai, lá chuối để sơ chế, chuẩn bị làm bánh. Gạo nếp sau khi rửa sạch, xay nhuyễn, để cho ráo nước trở thành bột nếp mềm, mịn. Lá cây gai phơi khô, luộc kỹ, vò nát, nhào với bột nếp để làm vỏ bánh gai. Quả chuối sấy khô được chế biến qua nhiều công đoạn, nhào lẫn với bột nếp thành nguyên liệu cho vỏ bánh chuối. Bánh rợm ít cầu kỳ hơn khi vỏ bánh chỉ là bột nếp thông thường. Tùy theo sở thích mỗi người, mỗi nhà, nhân bánh được làm từ đậu xanh hay đỗ lạc nấu chín, thêm đường hoặc muối. Qua đôi bàn tay khéo léo, đảm đang của các bà, các mẹ người Tày, những chiếc bánh nhỏ, xinh dần lên khuôn, được gói cẩn thận qua các lớp lá chuối khô. Bánh gói xong sẽ được đưa lên bếp hấp chín trong khoảng 30 phút.

Cùng với các món ăn truyền thống khác như: xôi màu, thịt gà, cá nướng… bánh rợm, bánh chuối, bánh gai được đồng bào Tày xếp ngay ngắn trên mâm cỗ để dâng cúng tổ tiên trong dịp Rằm tháng Bảy.

Ngày nay, dù bị ảnh hưởng nhiều bởi vòng xoay cuộc sống hiện đại, nhưng phần lớn gia đình người Tày vẫn giữ nếp gói bánh truyền thống để tỏ lòng thành kính với tổ tiên cũng như giữ gìn nét ẩm thực truyền thống của dân tộc.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT