Non nước Việt Nam

Những lễ hội đặc sắc ở đất Thánh Tây Ninh

Cập nhật: 08/09/2020 08:27:13
Số lần đọc: 788
Tây Ninh không chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp vừa hùng vĩ, nguyên sơ, vừa hoang hoải, mộc mạc của miền biên viễn mà còn “hút hồn” du khách bởi những lớp trầm tích văn hóa độc đáo được bồi tụ theo chiều dài năm tháng.  

Tôn nghiêm Đại lễ vía Đức Chí Tôn

Vốn là mảnh đất khởi sinh ra đạo Cao Đài, Tây Ninh từ lâu đã trở thành thánh địa của hàng vạn tín đồ trên cả nước. Vào ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, Đại lễ vía Đức Chí Tôn lại được tổ chức tại nội ô Tòa thánh Tây Ninh (xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành) thu hút rất đông người tham gia. Đây cũng là một trong những nghi lễ quan trọng bậc nhất trong tín ngưỡng bản địa.

Đại lễ vía Đức Chí Tôn là dịp để ôn lại truyền thống, nhắc nhở các tín đồ đạo Cao Đài về công ơn của đấng sinh thành và cùng cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Sau phần lễ là phần hội rực rỡ sắc màu với những màn thi đấu võ thuật dân tộc, trò chơi dân gian, điệu múa dân tộc… tạo nên không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng sôi động, ấn tượng.

Đặc biệt, ngoài trải nghiệm lễ hội, chuyến hành hương về “đất thánh” còn là dịp để du khách khám phá Tòa thánh Cao Đài - một công trình kiến trúc tôn giáo nguy nga, độc đáo bậc nhất ở Nam Bộ. Công trình Tòa thánh Cao Đài có sự giao thoa của nhiều trường phái kiến trúc Á - Âu nhưng vẫn toát lên vẻ huyền bí phương Đông với những dấu ấn khác biệt đặc trưng. Tòa thánh được xây dựng bằng bê tông cốt tre với khoảng 100 hạng mục lớn nhỏ. Bên trong tòa thánh, phần trần được chia thành 9 khuông xanh lơ với những đám mây trắng nhẹ bay, tượng trưng cho 9 tầng trời trong đạo Phật. Trong khi đó, họa tiết rồng quen thuộc cũng xuất hiện nhưng không bay lên trời như thường thấy, mà từ trên cao hạ mình xuống thấp, ngự trên tòa sen để phù độ chúng sinh.

Tòa thánh Cao Đài do chính người dân và chức sắc Cao Đài tạo nên, không dựa trên bản vẽ có sẵn mà họ vừa xây đắp, vừa mường tượng về không gian tiếp theo.

Rộn rã hội xuân núi Bà Đen

Du khách đến với Tây Ninh không thể bỏ qua những lễ hội đặc sắc trên núi Bà Đen (phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh). Với nhiều huyền tích kỳ bí, Khu di tích danh thắng Núi Bà đã trở thành điểm du lịch tâm linh thú vị. Mỗi dịp xuân về, khi tiết trời mát mẻ, trong lành, cảnh vật căng tràn nhựa sống, du khách tấp nập trẩy hội núi Bà.

Mặc dù hội xuân núi Bà Đen chính thức diễn ra đêm 18 và kéo dài hết ngày 19 tháng Giêng âm lịch nhưng trong suốt hai tháng đầu năm, núi Bà rộn rã đón khách thập phương. Không chỉ hành lễ, chiêm bái, du khách đến núi Bà còn để hòa mình vào thiên nhiên rạng rỡ, khám phá bản thân và vượt qua giới hạn, chinh phục nóc nhà Nam Bộ.

Hội xuân núi Bà Đen có sự kết hợp giữa những nghi thức trang nghiêm của Phật giáo và các hoạt động văn hóa dân gian tươi vui, đặc sắc. Mỗi năm, hội xuân núi Bà Đen được tổ chức quy mô hơn với nhiều điểm mới lạ để du khách được trải nghiệm không khí xuân ba miền. Yếu tố hiện đại và truyền thống đan xen, đưa lữ khánh vào một hành trình văn hóa tâm linh diệu kỳ.

Linh thiêng Lễ vía Bà

Đây là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm, mang đậm sắc màu văn hóa bản địa của vùng đất phương Nam trù phú. Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 4 - 6 tháng Năm âm lịch hàng năm tại Linh Sơn Tiên Thạch Tự, tọa lạc giữa lưng chừng núi. Nơi đây quần tụ những ngôi chùa cổ nhất Tây Ninh như chùa Bà, chùa Hang, chùa Trung…

Lễ hội gắn với những huyền tích kỳ bí về vị Linh Sơn Thánh Mẫu trên non thiêng Bà Đen, thể hiện rõ những đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu nơi miền Đông Nam Bộ. Sự kết hợp hài hòa giữa những nghi thức Phật giáo truyền thống và tín ngưỡng, nghi lễ dân gian mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.

Nếu chưa từng thưởng thức hát bóng rỗi chầu mời, hát chặp bóng tuồng hài địa nàng, múa dâng bông…, bạn hãy đến núi Bà vào mùng 4 tháng Năm âm lịch. Sau đó, mùng 5 tháng Năm là ngày lễ vía chính thức. Ni trưởng, các ni sư và Phật tử thập phương hoan hỉ thực hiện những nghi thức truyền thống lễ tắm Bà và thay áo mão, lễ hưng tác cung thỉnh Thành hoàng Bổn Cảnh, lễ niệm hương, lễ nghinh Thần, lễ vía… Lễ vật dâng Bà thường gồm hương, đèn, hoa trái, bánh, trà, rượu… Việc cúng cô hồn được thực hiện trong ngày cuối cùng - mùng 6 tháng Năm âm lịch.

Cùng với đó, nhiều hoạt động trống hội, múa sen... đặc sắc cũng được tổ chức tại khu vực ga đi cáp treo Bà Đen và khu vực đỉnh, mang đến cho du khách chuyến hành hương nhiều cảm xúc.

Với những giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc biệt, riêng có, năm 2018, Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngoài ra, Núi Bà Đen tại Tây Ninh còn là điểm hẹn của đông đảo du khách, Phật tử bốn phương vào các mùng một, 15 âm lịch. Rằm trung thu năm nay, Núi Bà Đen hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn với cảnh quan mới mẻ, căng tràn nhựa sống và không khí Trung thu tưng bừng.

Đặc biệt, Sun World BaDen Mountain đưa ra gói combo rất hấp dẫn để du khách thỏa sức khám phá Núi Bà những ngày này. Theo đó, từ nay tới 30/9/2020, thay vì mua vé cho 2 tuyến cáp treo riêng, du khách có thể mua trọn gói gồm 1 vé khứ hồi lên đỉnh Bà Đen và 1 vé khứ hồi lên Chùa Bà với mức giá giảm 25% so với giá mua lẻ. Giá vé trọn gói cho người lớn và trẻ cao từ 1,4m là 300.000 đồng/vé khứ hồi, vé cho trẻ từ 1 - 1,4m là 150.000 đồng/vé khứ hồi, miễn phí cho trẻ em dưới 1m.

T.T

 

 

Nguồn: Tạp chí Du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT