Tin tức - Sự kiện

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Tăng cường kết nối với các địa phương, bộ ngành để triển khai mạnh mẽ hoạt động xúc tiến quảng bá

Cập nhật: 10/05/2023 10:24:46
Số lần đọc: 366
(TITC) - Sáng ngày 9/5, tại trụ sở Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đã có buổi báo cáo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về tình hình hoạt động du lịch 4 tháng đầu năm 2023, kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 - 1/5 và các đề xuất đẩy nhanh phục hồi thị trường khách quốc tế. Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, lãnh đạo Văn phòng Bộ, Cục Hợp tác quốc tế, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: TITC)

Tình hình hoạt động du lịch khởi sắc những tháng đầu năm

Báo cáo Bộ trưởng về tình hình hoạt động du lịch, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đón gần 3,7 triệu lượt khách quốc tế, vượt con số cả năm 2022, đạt gần 50% mục tiêu kế hoạch năm 2023; phục vụ 38,2 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 196,6 nghìn tỷ đồng.

Về quy mô thị trường gửi khách, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 4 tháng đầu năm 2023, cán mốc 1 triệu lượt (chiếm 29%), tiếp theo là Mỹ (263 nghìn lượt); Trung Quốc ở vị trí thứ 3 (252 nghìn lượt).

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh báo cáo Bộ trưởng tình hình phát triển du lịch 4 tháng đầu năm (Ảnh: TITC)

Trong tốp 10 thị trường hàng đầu, Đông Bắc Á có 4 thị trường: Hàn Quốc (1.070 nghìn lượt), Trung Quốc (252 nghìn lượt), Đài Loan (194 nghìn lượt), Nhật Bản (160 nghìn lượt). Đông Nam Á có 3 thị trường: Thái Lan (200 nghìn lượt); Malaysia (150 nghìn lượt); Campuchia (136 nghìn lượt). Úc xếp ở vị trí thứ 8 (131 nghìn lượt), Ấn Độ xếp ở vị trí thứ 10 (112 nghìn lượt).

Khu vực Châu Âu, Anh (95 nghìn lượt), Pháp (78 nghìn lượt) và Đức (77 nghìn lượt) là các thị trường gửi khách lớn nhất.

Lượng tìm kiếm quốc tế về lưu trú du lịch Việt Nam tăng tốp đầu thế giới

Về xu hướng thị trường, theo dữ liệu từ Google, lượng tìm kiếm quốc tế về lưu trú du lịch Việt Nam đang tăng nhanh, xếp thứ 11 trên thế giới, nằm trong nhóm có mức tăng từ 10% đến 25%. Tốp đầu còn có các quốc gia: Italia, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Croatia, Mỹ, Pháp, Canada, Hà Lan, Philippines. Chỉ có Việt Nam và Philippines là quốc gia ở Đông Nam Á nằm trong nhóm đầu thế giới. Các quốc gia khác trong khu vực xếp sau khá xa: Thái Lan (24), Singapore (33), Indonesia (44), Malaysia (45).

Các thị trường nước ngoài tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam gồm có: Mỹ, Nhật, Úc, Singapore, Ấn Độ, Thái Lan, Pháp, Đức, Anh, Hàn Quốc.

Dịp nghỉ lễ các địa phương đón trên 7 triệu khách du lịch

Về tình hình du lịch trong dịp nghỉ lễ vừa qua, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Tổng cục Du lịch đã có công văn số 620/TCDL-KS ngày 20/4/2023 gửi các Sở quản lý du lịch các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt việc đảm bảo an ninh, an toàn và nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch trong dịp nghỉ lễ; tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch và phương tiện phục vụ du khách.

Từ ngày 29/4 - 3/5, cả nước ước tính đã đón được hơn 300.000 khách quốc tế, phục vụ khoảng 7 triệu lượt khách nội địa (tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó 3,2 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 24.000 tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ).

Một số địa bàn du lịch trên cả nước đã ghi nhận những tín hiệu tích cực, với lượng khách tăng đáng kể như: Phú Thọ phục vụ khoảng 5.400.000 lượt khách; Thanh Hóa (1.195.000 lượt); Cần Thơ (982.000 lượt); TP. Hồ Chí Minh (950.000 lượt); Nghệ An (780.000 lượt)…

“Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động du lịch tiếp tục duy trì được đà phục hồi và đã vượt qua khó khăn sau giai đoạn dịch bệnh. Tín hiệu khách quốc tế tăng cũng chứng tỏ hướng đi đúng đắn, kịp thời của du lịch Việt Nam trong cơ cấu lại thị trường khách, chủ động làm mới sản phẩm của mình và chủ động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam hiệu quả”, Tổng cục trưởng nhận định.

Thị trường du lịch quốc tế còn nhiều dư địa tăng trưởng trong năm 2023

Nhận định về xu hướng thị trường khách du lịch quốc tế, Tổng cục trưởng đánh giá còn nhiều dư địa để tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, nhất là mùa cao điểm cuối năm.

Trong số các thị trường hàng đầu, Hàn Quốc vẫn sẽ là thị trường gửi khách lớn nhất của du lịch Việt Nam. Trong bối cảnh hai nước đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Tổng cục Du lịch hai nước đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2023-2024, lượng khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Trung Quốc đang ở vị trí thứ 3, sẽ hồi phục với tốc độ nhanh hơn các thị trường khác do có quy mô thị trường lớn, nhu cầu sẽ ngày càng gia tăng, có chung đường biên giới với Việt Nam. Thị trường khách Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi nhanh hơn từ mùa hè 2023 và tăng mạnh vào dịp tháng 10 (Tuần lễ vàng dịp nghỉ lễ Quốc khánh dài ngày) và những tháng cuối năm nay.

Thị trường Úc, Ấn Độ đang có cơ hội gia tăng lượng khách đến Việt Nam với việc Vietnam Airlines và Vietjet vừa mở các đường bay thẳng kết nối các thành phố lớn giữa hai bên. Ở Đông Nam Á, thị trường Thái Lan, Campuchia đang phục hồi tốt, tương đương với thời điểm trước dịch Covid-19, dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với lợi thế là thị trường gần Việt Nam.

Để thúc đẩy phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề xuất cần đẩy nhanh các chính sách tạo thuận lợi về thị thực và xuất nhập cảnh cho du khách vào Việt Nam. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng du lịch tại các trung tâm du lịch. Chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn cao cấp như du thuyền, du lịch MICE, du lịch golf… Triển khai các chương trình truyền thông, quảng bá tiếp thị quốc tế với quy mô lớn, đa dạng, tận dụng các kênh truyền thông số, mạng xã hội có tính lan tỏa cao. Tăng cường các đường bay kết nối Việt Nam với các thị trường trọng điểm…

Nhân dịp này Tổng cục trưởng cũng đề xuất Lãnh đạo Bộ xem xét chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ cùng phối hợp với Tổng cục Du lịch đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến văn hóa, thể thao gắn với quảng bá, xúc tiến du lịch, tạo sức mạnh tổng hợp để nâng cao hiệu quả, bảo đảm sự phục hồi du lịch nhanh và bền vững trong tình hình mới; chỉ đạo Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch khẩn trương hoàn thiện và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2023 để tạo điều kiện tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: TITC)

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng, cần phải nâng cao nhận thức về hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá, đồng thời chú trọng truyền thông quảng bá trên tất cả các phương diện, đặc biệt cần xác định những thị trường tiềm năng và truyền thống của du lịch Việt Nam để tập trung công tác xúc tiến quảng bá hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng cần rà soát, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành du lịch.

Đẩy mạnh truyền thông chính sách, tăng cường quản lý nhà nước, kết nối các địa phương, bộ ngành để triển khai hoạt động xúc tiến quảng bá

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo (Ảnh: TITC)

Sau khi lắng nghe ý kiến của Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, Lãnh đạo Tổng cục Du lịch và các đơn vị dự họp, phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao ngành du lịch đã tích cực triển khai những hoạt động trong thời gian qua. Bộ trưởng nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong 4 tháng đầu năm ngành du lịch đã tập trung tháo gỡ, khắc phục những “điểm nghẽn” và đạt được các kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng chỉ rõ một số hạn chế của ngành du lịch thời gian qua như công tác xúc tiến quảng bá, dự báo thị trường…

Bộ trưởng yêu cầu, trong thời gian tới, ngành du lịch tập trung đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, phổ biến, hướng dẫn các địa phương nghiên cứu thực hiện Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; phân tích, dự báo thị trường cho các địa phương, doanh nghiệp để nắm bắt và triển khai hoạt động xúc tiến, quảng bá cho “đúng” và “trúng”.

Về công tác truyền thông, cần đẩy mạnh truyền thông chính sách, nhất là các chính sách mở cửa, tạo thuận lợi về thị thực và xuất nhập cảnh của Việt Nam đến các thị trường, đối tác quốc tế, đồng thời kết nối chặt chẽ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để tích cực đẩy mạnh hoạt động truyền thông, đưa thông tin Việt Nam được phổ biến rộng rãi đến bạn bè quốc tế. Nghiên cứu làm việc với các mạng xã hội như Facebook, TikTok để xây dựng và quảng bá các clip truyền thông ngắn về du lịch Việt Nam.

(Ảnh: TITC)

Về công tác xúc tiến, quảng bá thị trường quốc tế, Bộ trưởng đề nghị ngành cần tập trung vào một số hội chợ lớn từ nay đến cuối năm ở Trung Quốc, Nhật Bản, kết nối với các bộ, ngành, địa phương để cùng tham gia, đồng thời gắn với các hoạt động văn hóa để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tại các thị trường trọng điểm như Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, New Zealand...

Về hoạt động du lịch trong nước, các địa phương cần tăng cường quản lý điểm đến, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, quảng bá thông điệp “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch”. Đồng thời, phải xử lý nghiêm những vi phạm, tình trạng chặt chém du khách. Tập trung kích cầu thị trường nội địa, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội để thu hút du khách đến tham gia, trải nghiệm.

Cùng với đó các địa phương cần tăng cường quan tâm, đôn đốc, kiểm tra, coi phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng, nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; tham mưu cho Chính phủ xem xét ưu tiên nguồn lực cho phát triển du lịch, huy động sức mạnh xã hội, đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL để tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 09/5/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT