Hoạt động của ngành

Đà Nẵng cho phép một số hoạt động, dịch vụ được hoạt động trở lại từ 0h ngày 09/6

Cập nhật: 09/06/2021 08:49:50
Số lần đọc: 668
(TITC) - Ngày 08/6, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành văn bản số 3522/UBND-KGVX về một số hoạt động, dịch vụ được phép hoạt động trở lại và các biện pháp áp dụng phòng, chống dịch COVID-19.


Bãi biển Mỹ Khê sáng ngày 09/6. (Ảnh: TITC)

Theo đó, kể từ 0 giờ ngày 09/6/2021, các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được bán, phục vụ khách tại chỗ nhưng phải đảm bảo phục vụ tối đa không quá 50% công suất và đóng cửa trước 21 giờ 00 phút hàng ngày. Thực hiện đầy đủ và nghiêm túc hướng dẫn phòng, chống dịch, xét nghiệm SARS-CoV-2 cho chủ nhà hàng, quán ăn và người làm việc tại nhà hàng, quán ăn theo kế hoạch của UBND thành phố. Khuyến khích các nhà hàng, quán ăn ứng dụng khai báo y tế điện tử, sử dụng thiết bị để quét QRCode khai báo y tế.

Đối với chủ nhà hàng, quán ăn; người chế biến, phục vụ thức ăn, đồ uống bắt buộc khai báo y tế hàng ngày (Đối với nhà hàng đủ điều kiện thì sử dụng kiểm tra khai báo điện tử quét mã QRCode của khách hàng); thường xuyên mở ứng dụng Bluezone, Bluetooth trên smartphone trong suốt thời gian làm việc. Bắt buộc đeo khẩu trang, găng tay trong suốt thời gian chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, thực phẩm, phục vụ khách hàng; giữ khoảng cách tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

Đo thân nhiệt của khách hàng trước khi vào nhà hàng, quán ăn; yêu cầu khách đến phải khai báo y tế; sát khuẩn tay hoặc rửa tay tại khu vực đã bố trí sẵn; bố trí biển báo quy định phòng, chống dịch đối với khách hàng; tại khu vực xếp hàng (nếu có) phải kẻ vạch giãn cách giữa các khách hàng.

Bố trí chỗ ngồi cho khách ăn, uống đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu 01 mét (khuyến khích đặt vách ngăn giữa khách hàng, xếp khách hàng ngồi so le). Tiến hành vệ sinh, khử khuẩn bề mặt bàn, ghế ngồi ngay sau khi mỗi lượt khách rời đi.

Tăng cường vệ sinh, thông khí tại các phòng và các khu vực của nhà hàng, quán ăn bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ các phòng của nhà hàng; sử dụng quạt, hạn chế sử dụng phòng kín, điều hoà.

Cấm khách hàng có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở hoặc đang trong thời gian cách ly y tế tại nhà theo quy định đến nhà hàng, quán ăn. Khách hàng bắt buộc phải khai báo y tế khi vào nhà hàng hoặc quét QRCode để kiểm tra khai báo y tế tại các nhà hàng có sử dụng dịch vụ; thường xuyên mở ứng dụng Bluezone, Bluetooth trên smartphone (nếu có). Bắt buộc đeo khẩu trang đúng cách khi đến nhà hàng, quán ăn (trừ khi ăn, uống); giữ khoảng cách tối thiểu theo quy định đối với người xung quanh; tránh tiếp xúc và hạn chế nói chuyện không cần thiết khi ăn, uống.

Các nhà hàng, quán ăn có quyền và trách nhiệm từ chối cung cấp dịch vụ đối với khách hàng chưa thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

Hoạt động tắm biển được hoạt động trở lại nhưng với buổi sáng từ 04 giờ 30 đến không quá 07 giờ 30 phút. Buổi chiều từ 16 giờ 30 đến không quá 18 giờ 30 phút. Chỉ tắm biển tại các khu vực được phép theo quy định và rời đi ngay sau khi tắm biển; không tập trung đông người trên bãi biển; cấm tụ tập vui chơi, chơi thể thao, ăn, uống, bán hàng rong... tại bãi biển; giữ khoảng cách ít nhất 01 mét với người khác; đeo khẩu trang trước và ngay sau khi tắm biển xong. Thành phố chưa cho phép dịch vụ tắm nước ngọt và các dịch vụ khác tại bãi biển và các khu vực công viên, vỉa hè ven biển (trừ dịch vụ trông, giữ xe, đồ đạc của khách theo quy định).

Bên cạnh đó, hoạt động cắt tóc được hoạt động trở lại với điều kiện thực hiện đúng các quy định, khuyến cáo về phòng, chống dịch COVID-19 của các cơ quan có thẩm quyền. Hoạt động thể thao ngoài trời không tiếp xúc trực tiếp như đi bộ, quần vợt,… cũng được hoạt động với các điều kiện phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu một mét.

Các hoạt động lễ hội, sinh hoạt tôn giáo, vũ trường, quán bar, karaoke, dịch vụ massage,... tiếp tục tạm dừng hoạt động chờ thông báo mới. Người dân vẫn phân chia tần suất 3 ngày đi chợ một lần, kiểm soát bằng thẻ.

UBND thành phố Đà Nẵng giao Sở Tư pháp chủ trì, hướng dẫn việc xử phạt đối với hành vi vi phạm biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đề xuất Kế hoạch xét nghiệm định kỳ SARS-CoV-2 để sàng lọc nguy cơ đối với các trường hợp tham gia các hoạt động trở lại./.

Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục