Hoạt động của ngành

Đà Nẵng: Giữ điểm đến văn minh, thân thiện

Cập nhật: 16/08/2019 16:15:51
Số lần đọc: 1210
Đó là mục tiêu lâu dài mà ngành du lịch thành phố luôn hướng đến để thu hút đông hơn nữa khách du lịch đến với Đà Nẵng. Tuy nhiên, tại những điểm đông khách du lịch vẫn xảy ra tình trạng bán hàng rong, chèo kéo khách, gây ảnh hưởng đến điểm đến, môi trường du lịch.

Cứ tầm chiều, tại một số tuyến đường như Hồ Nghinh, Hà Bổng, Hà Chương, Dương Đình Nghệ, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Thoại, Trần Hưng Đạo (khu vực phía đầu cầu Rồng), cầu Tình yêu, Tòa thánh Cao đài, Nhà thờ Chính tòa... mỗi khi có những chiếc xe chở khách số lượng lớn dừng, đỗ trả khách lên, xuống lại xuất hiện một số xe máy chở theo hàng rong, trái cây, mời chào bán cho du khách.

Việc này đã gây ra tâm lý không thoải mái dành cho khách du lịch cũng như tạo ra những hình ảnh chưa đẹp trên địa bàn thành phố. Nhiều vị khách là người nước ngoài liên tục xua tay, lắc đầu khi được chào mời.

Là một trong những địa bàn trọng điểm thu hút đông khách du lịch, các điểm đến tại quận Sơn Trà cũng chính là nơi hoạt động của những người bán hàng rong. Vì thế, chính quyền địa phương liên tục xử lý các trường hợp vi phạm. Theo số liệu của Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận Sơn Trà, tính đến hết tháng 7-2019, UBND quận đã xử lý, nhắc nhở 46 trường hợp bán hàng rong, chèo kéo khách. Trongkhi đó, 6 tháng đầu năm, các quận, huyện đã xử lý 53 trường hợp bán hàng rong, phạt 9,9 triệu đồng; nhắc nhở, cảnh cáo 163 trường hợp chèo kéo, bán hàng rong, lang thang xin ăn biến tướng.

Theo thông tin từ Phòng Quản lý lữ hành (Sở Du lịch), trong các dịp lễ, Tết, các sự kiện lớn hay những khi có những chuyến tàu biển lớn, Sở Du lịch cũng đều có các công văn đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường công tác chống đeo bám, chèo kéo khách du lịch...

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho hay, hiện nay, ngành du lịch thành phố cũng đã có Bộ quy tắc ứng xử du lịch dành cho cả hướng dẫn viên và du khách, vì vậy, sở cũng đã tuyên truyền và chỉ đạo các đơn vị lữ hành, hội hướng dẫn viên và các đơn vị lữ hành đề nghị phối hợp thông tin đến khách du lịch để họ biết được chủ trương của thành phố, thông tin triển khai bộ quy tắc ứng xử trong lĩnh vực du lịch, nhắc nhở khách du lịch. Ngoài ra, Sở Du lịch cũng tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện về xử lý tình trạng nâng giá dịch vụ bất thường đối với khách du lịch tại các chợ, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố.

Trong thời gian tới, ngành du lịch thành phố đề nghị các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện triển khai tận dụng hệ thống camera quan sát thành phố để phục vụ xử lý hành vi đeo bám, chèo kéo khách du lịch; UBND các quận, huyện tăng cường bố trí lực lượng chuyên trách thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm trên các tuyến đường trọng điểm, tuyến đường cấm bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo khách du lịch, nhất là trong các dịp diễn ra lễ hội, đặc biệt là các đối tượng có biểu hiện manh động, đe dọa du khách và lực lượng thi hành nhiệm vụ.

Thành phố cũng đề nghị UBND quận, huyện chỉ đạo lực lượng công an tăng cường công tác chống trộm cắp, móc túi, cướp giật tại khu vực có đông khách du lịch, trên các tuyến đường du lịch...; cần kiên quyết dẹp bỏ hành vi bán hàng rong, chèo kéo khách tại các tuyến đường du lịch, khu điểm du lịch...

“Cùng với các hoạt động kiên quyết dẹp bỏ hàng rong, ngành du lịch thành phố cũng tiếp tục triển khai chiến dịch “Nụ cười Đà Nẵng” đến từng cơ sở để xây dựng hình ảnh thành phố văn minh, thân thiện; phối hợp tuyên truyền nhận thức về vấn đề môi trường du lịch. Môi trường du lịch sẽ được bảo đảm nếu người từ nơi khác đến du lịch cũng nắm được các thông tin, quy định, chủ trương của thành phố”, ông Nguyễn Xuân Bình bày tỏ./.

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Cùng chuyên mục