Non nước Việt Nam

Danh thắng Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng

Cập nhật: 28/06/2024 11:27:59
Số lần đọc: 285
Trong các điểm du lịch tâm linh ở Đà Nẵng, di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm đến đặc sắc, điểm hội tụ tinh hoa văn hóa Phật giáo phía nam đèo Hải Vân. Trải qua dặm dài lịch sử, Ngũ Hành Sơn luôn bồi đắp, củng cố và khẳng định vị trí đặc biệt của Phật giáo trong đời sống văn hóa, lấy đó làm động lực phát triển bền vững kinh tế-xã hội địa phương.


Người dân, du khách chiêm bái tượng mẹ Quan Âm Nam Hải tại động Quan Âm.

Xuất hiện từ ngàn xưa, những mái chùa cùng tiếng chuông tự bao giờ đã hòa làm một với quần thể núi đá, đi vào thơ ca và lời ăn tiếng nói của người dân bản địa.

Ngũ Hành Sơn với cảnh trí hùng vĩ, non nước hữu tình, còn rất nhiều điều kỳ bí và huyền diệu, chỉ có đối diện trước cảnh vật mới soi dần những hình bóng vang vọng của đạo Phật.

Từ buổi ban đầu, nơi đây đã được bao phủ bởi một lớp màn huyền ảo của tâm thức dân gian về tín ngưỡng. Quá trình khai quật khảo cổ học tại vùng đất này đã phát hiện nhiều dấu tích lịch sử Chăm Pa cổ, cho thấy Ngũ Hành Sơn từng là một trung tâm tôn giáo của người Chăm.

Tại động Tàng Chơn thuộc hòn Thủy Sơn (Ngũ Hành Sơn), giới khảo cổ đã phát hiện tượng thờ Linga-Yoni bằng đá đặt trong hang tối, bên ngoài có hai tượng hộ pháp ở hai bên lối vào, ngoài ra còn có đài thờ Đồng Dương mang kiến trúc và nét điêu khắc của văn hóa Chăm Pa, hay như tượng nữ thần Po Inư Nagar của người Chăm tại động Huyền Không.

Ngũ Hành Sơn là một trung tâm Phật giáo quan trọng trên vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng cũ. Hai văn bia cổ Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc (nằm tại động Vân Thông) và Phổ Đà Sơn linh trung Phật (nằm tại động Hoa Nghiêm) đã nói về việc nhà sư Huệ Đạo Minh cùng phật tử khu vực Ngũ Hành Sơn dựng chùa chiền, tạc tượng Phật, độ chúng sinh.

Thông qua bài văn pháp nguyện và nội dung trong bia Phổ Đà Sơn linh trung Phật được dịch lại có thể thấy, tư tưởng Tịnh độ trong Phật giáo Đại Thừa đã được truyền bá sâu rộng tại Ngũ Hành Sơn và xứ Quảng với một tinh thần rất sốt sắng của các nhà sư giữa thế kỷ XVII; đồng thời cho thấy, trước năm Canh Thìn 1640, nơi đây đã có di tích Phật giáo là chùa Bình An.

Hơn nữa, văn bia Phổ Đà Sơn linh trung Phật còn khắc ghi danh tính người dân thập phương cúng dường để phụng sự Phật pháp tại đây. Trong đó, bên cạnh số người Việt có quê quán ở những làng xã khá xa so với Ngũ Hành Sơn như một số vùng thuộc địa bàn các huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng), Điện Bàn và thành phố Hội An (Quảng Nam) ngày nay, còn có những thương nhân Nhật Bản và Trung Hoa đã phụng cúng hàng nghìn quan tiền, hàng chục lạng bạc nén và hàng trăm cân đồng để xây dựng chùa chiền.

Trong thế kỷ XVII, Ngũ Hành Sơn là nơi Phật giáo phát triển hưng thịnh bậc nhất ở Đàng trong, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống văn hóa xã hội lúc bấy giờ, thu hút không chỉ người Việt mà còn cả các thương nhân từ quốc gia khác đến. Những giá trị đó còn được nâng đỡ bởi các chúa Nguyễn, những thiền sư danh tiếng đã hành đạo rồi viên tịch tại đây, làm cho mạch nguồn văn hóa Phật giáo chảy xuyên suốt dòng lịch sử. Qua đó cũng có thể thấy, đặc điểm lớn nhất của văn hóa Ngũ Hành Sơn là sự tồn tại và ảnh hưởng ngày càng bền chặt, sâu rộng của Phật giáo.

Ngày nay, văn hóa Phật giáo tại Ngũ Hành Sơn đã trở thành những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là sự phát triển của loại hình du lịch tâm linh. Những di sản đó ngày nay không phải là một lực lượng thần bí hay siêu hình, mà là những giá trị còn lại của lịch sử Phật giáo hàng nghìn năm đang được lưu giữ bởi những con người và hành động cụ thể.

Cuối tháng 3 vừa qua, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2024 đã thu hút hàng nghìn du khách, tín đồ phật giáo đến tham dự, chiêm bái. Đây là lễ hội được tổ chức quy mô cấp thành phố và là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Xuyên suốt lễ hội, các chùa đã tổ chức thuyết giảng Đạo pháp, tổ chức các khóa tu tập, rước tượng, diễu hành và thực hiện các nghi lễ trang nghiêm theo nghi thức Phật giáo, nhằm hướng du khách và phật tử đến các giá trị “chân, thiện, mỹ” cao đẹp.

Phật tử Huỳnh Tấn Lợi chia sẻ: “Tôi nhớ nhất là cảm giác được chứng kiến tượng mẹ Quan Âm Nam Hải cưỡi rồng do thiên nhiên tạo ra tại động Quan Âm. Vừa chứng kiến, vừa nghe câu chuyện về bức tượng làm cho mình càng thêm kính trọng vùng đất này”.

Người dân, du khách đến Ngũ Hành Sơn không chỉ để cầu phúc, cầu lộc mà còn để thưởng ngoạn một không gian văn hóa Phật giáo đậm đặc, có tính thiêng xen lẫn trong từng kẽ đá, hang sâu. Chính vì vậy, những biểu hiện phong phú, đa dạng về tâm thức cũng như hoạt động du lịch tâm linh của người dân và du khách đã, đang góp phần đáng kể tạo nên nền tảng sâu dày cho văn hóa Phật giáo của danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Tạ Tự Bình cho biết, thời gian qua, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã tập trung tổ chức các hoạt động bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phục hồi, khai thác và sử dụng các di sản, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn quận gắn với phát triển du lịch.

Trong đó, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được đánh giá là một trong những lễ hội tôn giáo được tổ chức quy mô, trang trọng và được nhiều tăng, ni, phật tử, du khách, nhân dân trong và ngoài nước về dự, để lại dấu ấn tốt đẹp.

Bài và ảnh: Công Vinh

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 24/3/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT