Hoạt động của ngành

Dịch vụ kém hấp dẫn kìm đà phát triển của du lịch Đắk Lắk

Cập nhật: 02/08/2023 11:41:21
Số lần đọc: 549
Cơ quan chức năng, doanh nghiệp Đắk Lắk còn nhiều việc phải làm để xây dựng thương hiệu "Thành phố cà phê của thế giới" và đưa ngành du lịch địa phương phát triển đúng tiềm năng.


Du khách đến tham quan một khu du lịch ở huyện Buôn Đôn. Ảnh: Bảo Trung

Ngành du lịch trên địa bàn Đắk Lắk vẫn chưa phát triển đúng như kỳ vọng, bởi còn rất nhiều vấn đề cần xử lý. 

Dịch vụ chưa hấp dẫn du khách

Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã đón hơn 650.000 lượt khách, tăng hơn 21% so cùng kỳ 2022 và đạt 61,9% so kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ ngành du lịch toàn tỉnh ước đạt 515,3 tỉ đồng, tăng hơn 30% so cùng kỳ 2022 và đạt gần 60,62% so với kế hoạch năm 2023, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk.

Ông Nguyễn Đăng Phong - chủ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghỉ dưỡng tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) - nêu quan điểm: "Lượng khách đến địa phương nhiều chưa chắc đã là chuyện tốt. Chúng ta phải làm sao để họ muốn, mong được quay trở lại Đắk Lắk trong thời gian sớm nhất".

Ông Phong gợi ý chất lượng dịch vụ du lịch phải cần cải thiện hơn nữa. Địa phương cần chấm dứt nạn chặt chém du khách, cơ sở lưu trú, tham quan phải đạt chất lượng cao... "Tất nhiên, làm du lịch phải có bản sắc riêng đó là gắn liền với văn hoá lịch sử, địa lý tạo cảm giác mới lạ, tò mò cho du khách, như vậy mới thành công được", ông nói.

Ngành du lịch Đắk Lắk vẫn còn nhiều điều cần làm... Ảnh: Bảo Trung

Ông Lê Hoàng Cơ - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch - Thương mại Đam San tại TP Buôn Ma Thuột, chia sẻ: "Lâu nay sản phẩm, dịch vụ du lịch của địa phương quá đơn điệu. Hiện xuất hiện các hội nhóm lữ hành phát sinh, hoạt không bài bản làm ảnh hưởng đến chất lượng du lịch của tỉnh và cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý trước khi quá muộn".

Theo ông, Hội Doanh nhân TP Buôn Ma Thuột đã tổ chức chương trình Cà Phê Sáng Trao đổi hợp tác phát triển Du Lịch và Đầu tư (sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình Famtrip Buôn Ma Thuột - Điểm đến cà phê thế giới") vào cuối tháng 7. 

Đại diện doanh nghiệp này khẳng định cộng đồng các doanh nghiệp đang tập trung tạo nên những sản phẩm mới gắn liền bản sắc văn hóa của địa phương, đặc biệt là các homestay. 

Còn nhiều việc phải làm

Ông Vũ Văn Hưng - Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột - cho rằng địa phương có những đặc trưng riêng như buôn trong phố với những homestay đậm màu sắc văn hóa đồng bào Ê Đê, nhiều cộng đồng dân tộc cùng sinh sống tạo ra bản sắc riêng khó nơi nào có được.

Địa phương còn có "rừng trong phố" với mật độ cây xanh trên đầu người cao nhất cả nước. Trong đó, có nhiều cây cổ thụ hàng chục, thậm chí hàng trăm năm tuổi.

TP Buôn Ma Thuột đã có nghị quyết, đề án riêng để phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái gắn liền với du lịch. Chính quyền địa phương sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, các hộ gia đình phát triển các homestay phù hợp với cảnh quan thành phố nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan nghỉ dưỡng.

Theo ông Hưng, sắp tới thành phố sẽ hướng tới trở thành "Thành phố cà phê thế giới". Ngoài sự hỗ trợ từ các Bộ, ngành trung ương, chính quyền thành phố cũng mong những doanh nghiệp cùng đồng hành để đạt được mục tiêu lớn lao này.

"Tất nhiên, UBND thành phố vẫn sẽ chủ động tiến hành các hoạt động du lịch đã lên kế hoạch như phố đi bộ, phiên chợ nông sản theo phong cách ở các đô thị Châu Âu với những sản phẩm, mẫu mã mang tính đặc thù của địa phương...", ông cho hay.

Ông Nguyễn Đình Trung - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk trao đổi, chia sẻ với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch lữ hành trong và ngoài địa bàn tỉnh. Ảnh: Bảo Trung

Ông Nguyễn Đình Trung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk - nhận định: "Địa phương có quá nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Ngoài việc là trung tâm vùng Tây Nguyên, tỉnh còn có khí hậu, hạ tầng giao thông, bản sắc văn hóa đa sắc màu trên một thể thống nhất...".

Theo ông, phát triển du lịch là một trong 6 nhiệm vụ trong tâm mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra. Dù tỉnh đã có những cơ chế, chính sách để phát triển du lịch nhưng với sự phát triển không ngừng về phương thức kinh doanh, dịch vụ, sản phẩm... vẫn cần phải thay đổi để đáp ứng với những yêu cầu đặt ra của tình hình mới.

Sau những sự cố không mong muốn trong tháng 6, tỉnh Đắk Lắk vẫn là một điểm đến an toàn của du khách trong và ngoài nước. "Cơ quan chức năng tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch lữ hành hoạt động và phát triển tốt", ông Trung khẳng định.

Trước đó, tháng 06/2022, tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Báo Lao Động phối hợp với Viện Du lịch Nông nghiệp Việt Nam và Hội doanh nhân TP. Buôn Ma Thuột chủ trì, tổ chức buổi tọa đàm “Tạo sức bật cho du lịch Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk trong tình hình mới”.

Tại đây, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch lữ hành tại địa phương đã thẳng thắn nêu lên hàng loạt những vấn đề còn tồn đọng cần giải quyết triệt để nhằm phát triển ngành du lịch tại thủ phủ Tây Nguyên.

Một năm qua, nhiều điểm, khu du lịch tại tỉnh đã hoạt động một cách bài bản, chất lượng tốt hơn nhưng lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Bảo Trung

Nguồn: Báo Lao Động - dulich.laodong.vn - Đăng ngày 30/07/2023

Cùng chuyên mục