Non nước Việt Nam

Độc đáo dân ca người Hà Lăng - Kon Tum

Cập nhật: 25/01/2024 14:26:48
Số lần đọc: 467
Dân ca người Hà Lăng (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) ở xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum được sáng tác, lưu truyền trong quá trình lao động, sản xuất và sinh hoạt từ bao đời nay. Ngày nay, đồng bào nơi đây vẫn thường biểu diễn trong các lễ hội truyền thống của làng và xã tổ chức.


Được bà con trong làng Kram giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà bà Y Yênh (63 tuổi) - người am hiểu tường tận về những bài dân ca Hà Lăng. Bà Y Yênh cho biết: “Từ lúc 6 tuổi, tôi nghe người lớn trong nhà hát dân ca rồi hát theo, cứ thế khi lớn tôi thuộc cả chục bài. Tôi hát dân ca khi một tay địu con, tay còn lại làm việc, thích bài nào tôi hát bài ấy cho quên bớt mệt nhọc, thoải mái đầu óc. Khi đi lên rẫy, đi hái rau rừng cùng bà con trong làng, chúng tôi hát đối đáp, động viên nhau chăm chỉ làm việc”.

Sở hữu giọng ca ngọt ngào, bà Y Yênh thường được tham gia biểu diễn hát dân ca trong lễ hội của làng và xã. Ảnh: MV

Theo bà Y Yênh, nội dung các bài dân ca phản ánh cuộc sống thường ngày của đồng bào Hà Lăng như: tình yêu đôi lứa, ca ngợi chàng trai anh dũng, vẻ đẹp thiên nhiên, dặn dò thế hệ sau, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Dân ca Hà Lăng có nhiều thể loại như ru con, đối đáp, giao duyên, kể, khấn thần. Riêng phần âm nhạc thường được đàn ông trong làng thể hiện bằng đàn ting ning.

Sở hữu giọng ca ngọt ngào nên bà Y Yênh thường được tham gia biểu diễn hát dân ca trong các dịp lễ hội của làng và xã. Không chỉ vậy, bà có thể tự sáng tác lời, thêm thắt nhiều đối tượng cụ thể như ngọn núi, con sông ngay tại quê hương, tên những người đi trước trong một số bài dân ca mộc mạc, vần điệu dễ nhớ để dặn dò con cháu, đặc biệt là khi hát đối đáp.

Cũng theo bà Y Yênh, hát đối đáp chủ yếu hát khi đi làm hoặc hát các dịp lễ hội. Tất cả mọi người tham gia được chia thành hai nhóm, hát đối - đáp với nhau. Hát đối đáp có thể có sẵn bài, nhưng trong quá trình hát hầu như mọi người đều phải tự sáng tác lời ca mới, ngẫu hứng thể hiện tâm tư tình cảm của mình. Nội dung hát đối đáp thường nói về cảnh quan thiên nhiên, tình yêu quê hương, lứa đôi.

Ông A Thiu (66 tuổi, ở làng Đăk Đe) là một trong số ít người vừa có thể hát dân ca vừa đàn ting ning. Ông cho biết, ngày xưa hầu như người đàn ông nào trong làng cũng biết đàn ting ting, hát dân ca. Hát thì có thể nghe nhiều là thuộc, còn đàn ting ning ông được học từ cha và phải mất một thời gian rất lâu mới đàn thành thạo. Giờ đây, tuổi đã cao, nhưng mỗi ngày ông đều mang đàn ra chơi và hát dân ca cho con cháu nghe, mong rằng dân ca của dân tộc không bị mai một.

Lúc nông nhàn, bà Y Yênh thường cùng mọi người hát dân ca. Ảnh: MV

Thời gian qua, với sự vận động của địa phương, cộng đồng người Hà Lăng chúng tôi dần quan tâm hơn đến việc bảo tồn văn hóa, đặc biệt các giai điệu dân ca truyền thống. Tuy tại làng có số lượng nghệ nhân am hiểu dân ca rất ít nhưng số lượng em nhỏ đam mê, chịu học để tiếp nối đã ngày một nhiều hơn. Tôi sẽ tích cực dành thời gian để truyền dạy cho thế hệ trẻ học biểu diễn ting ning và hát dân ca”- ông A Thiu chia sẻ.

Chị Y Toen (26 tuổi, làng Đăk Đe) là một nghệ nhân trẻ có niềm đam mê với làn điệu dân ca của dân tộc. Chị nói: “Từ nhỏ, tôi đã được bà và mẹ hát ru, nên niềm đam mê bài dân ca cổ truyền của dân tộc cứ ăn sâu và lớn dần. Khi có con, tôi cũng thường hay hát ru con ngủ. Được chồng con ủng hộ, tôi có thêm động lực để nuôi dưỡng đam mê ca hát, nhất là hát dân ca. Tôi mong rằng, cộng động người Hà Lăng trong làng cũng sẽ tiếp tục hát những làn điệu dân ca dân tộc mình, để nó không bị lãng quên”.

Qua những làn điệu dân ca người Hà Lăng, cuộc sống của đồng bào nơi đây hiện lên thật sinh động, gần gũi. Chỉ là một lời hát dặn dò con cháu đối nhân xử thế hay đối đáp giao duyên cất lên thì đằng sau đó là sự độc đáo, sâu sắc.

Bà Y Chít - Phó Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi cho biết: “Dân ca người Hà Lăng là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong đời sống tinh thần của dân tộc nơi đây. Bên cạnh đó, dân ca còn góp phần kết nối cộng đồng, giáo dục các thế hệ về ý thức cội nguồn dân tộc, bản sắc dân tộc, đạo đức trong gia đình và cộng đồng, tình yêu đôi lứa, trao truyền kinh nghiệm lao động sản xuất để truyền dạy cho thế hệ sau”.

Mai Vàng

Nguồn: Báo Kon Tum - baokontum.com.vn - Đăng ngày 25/01/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT