Non nước Việt Nam

Độc đáo trang phục dân tộc Bố Y (Hà Giang)

Cập nhật: 01/08/2019 09:51:59
Số lần đọc: 1091
Với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh, mỗi dân tộc đều có một trang phục mang màu sắc, đậm chất riêng và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Trong đó, trang phục của dân tộc Bố Y luôn được mọi người ca ngợi về sự đặc sắc, duyên dáng và thanh lịch; nhưng ít ai biết được, để có bộ trang phục đặc biệt như vậy, người phụ nữ đã phải khéo léo kết hợp từng chi tiết để tạo nên hình ảnh rất riêng của người Bố Y.

Trong khi trang phục truyền thống của một số dân tộc khác đang bị cải tiến, mai một; thì trong cộng đồng dân tộc Bố Y ở Quản Bạ vẫn giữ được trang phục truyền thống đặc sắc và ngày càng được phát triển theo hướng du lịch cộng đồng. Trang phục của đàn ông Bố Y đơn giản với áo cổ viền, tứ thân, cúc cài, quần ống rộng; còn trang phục của phụ nữ thì lại cầu kỳ và đẹp hơn. Bộ trang phục nữ gồm:  áo, váy, khăn đội đầu và giày tự thêu. Chiếc áo của phụ nữ Bố Y gồm áo trong và áo ngoài. Áo trong là kiểu áo tứ thân, có 2 túi ở hai bên để phụ nữ đựng đồ quan trọng; còn áo ngoài có phần cổ và tay được thêu họa tiết cầu kỳ. Đặc biệt, ở tay áo có những họa tiết đặc sắc như hoa, hình đôi bướm đối xứng… Bộ trang phục của phụ nữ Bố Y còn có chiếc tạp dề được làm tỉ mỉ, trang trí những họa tiết thêu hoa mẫu đơn với sắc hồng nổi bật. Váy của người phụ nữ Bố Y là váy xếp nếp xòe có hoa trắng, đen. Họ dùng vải trắng chấm sáp ong rồi mới nhuộm chàm. Để hoàn thành một bộ trang phục cho mình, người phụ nữ Bố Y phải thật khéo léo, tâm huyết, kiên trì và chịu khó thì mới làm được... Chị Tẩn Thị Phương, thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến chia sẻ: Để thể hiện sự tự hào, chân quý những bộ trang phục, bản sắc dân tộc của mình; người Bố Y chỉ mặc trang phục dân tộc của mình trong những dịp quan trọng và hạn chế mặc đi lên nương...

Bộ trang phục của phụ nữ Bố Y còn độc đáo bởi chiếc khăn đội đầu được thêu họa tiết cầu kỳ, để đội khăn đúng kiểu, vuông vắn; phụ nữ phải vấn tóc lên gọn gàng rồi mới quấn khăn. Sau khi quấn khăn, gương mặt họ được lộ rõ, thanh thoát hơn. Phụ nữ Bố Y khi đi hoặc ngồi nói chuyện thường đưa hai tay giấu trong vạt áo, thể hiện sự nữ tính, đoan trang. Ngoài ra, để tô thêm sắc đẹp trên trang phục của mình, người phụ nữ Bố Y ưa dùng những trang sức bằng bạc như:  khuyên tai, vòng tay, vòng cổ, nhẫn..., chủ yếu chị em đeo trang sức vào những dịp lễ, hội, vui Xuân, lễ cưới hay chợ phiên... Thường những lứa tuổi hay đeo nhiều trang sức nhất là các thiếu nữ chưa có gia đình, họ khoác trên mình với bộ áo váy rực rỡ, cùng những bộ trang sức đẹp nhất để đi chợ phiên, hát giao duyên tìm bạn tình... Nghệ nhân dân gian Lộc Thị Liên, người giữ gìn nghề làm trang phục truyền thống và phục vụ du lịch tại xã Quyết Tiến cho biết: Để hoàn thiện một bộ áo váy hoàn chỉnh với nhiều họa tiết thêu tay, thì phải 1 đến 2 tuần mới xong; bộ trang phục được gắn những chiếc cúc bạc, vòng bạc làm trang sức…, nên trung bình một bộ trang phục của người phụ nữ Bố Y khoảng 5 đến 6 triệu đồng.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Giang, người dân tộc Bố Y chỉ có khoảng 1 nghìn người và tập trung sinh sống ở xã Quyết Tiến, Tùng Vài và thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ. Tuy nhiên, những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Bố Y vẫn luôn được lưu giữ và truyền từ đời này sang đời khác; đặc biệt là trang phục của họ. Người Bố Y không chỉ lưu giữ để làm đẹp mà đến nay còn là nét đặc trưng góp phần vào phát triển du lịch văn hóa cộng đồng dân tộc Bố Y nói riêng và tiềm năng phát triển du lịch của huyện Quản Bạ nói chung./.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT