Hoạt động của ngành

Du lịch Bạc Liêu tiếp nối những chặng đường phát triển

Cập nhật: 06/07/2020 09:30:38
Số lần đọc: 1282
Với hai vùng ngọt, mặn rõ ràng, lại có bờ biển đẹp, rừng ngập mặn xanh tươi, được thiên nhiên ưu đãi mưa thuận gió hòa, sự kết hợp hài hòa, phong phú về bản sắc văn hóa của ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer, Bạc Liêu đang nỗ lực để trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua nằm trong tour, tuyến du lịch Đồng bằng sông Cửu long “Một điểm đến, bốn địa phương”.

 Trung tâm triển lãm văn học nghệ thuật – Nhà hát Cao Văn Lầu (Nhà ba nón lá) là những điểm nổi bật thu hút khách du lịch đến với Bạc Liêu. 
 
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 08/NQ – TW của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn”, ngành công nghiệp không khói của tỉnh Bạc Liêu như được chắp thêm đôi cánh để hiện thực hóa mục tiêu đề ra và thực tế đã có những bước tiến rất quan trọng, từng bước đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Kể từ đó, diện mạo du lịch Bạc Liêu đã có nhiều đổi thay đáng kể, với nhiều sản phẩm du lịch tạo được thương hiệu trong khu vực và cả nước.
 
Trong những năm qua, du lịch của Bạc Liêu đã có bước phát triển khá và bền vững. Công tác triển khai các quy hoạch, dự án được quan tâm và khẩn trương thực hiện; hạ tầng du lịch được cải thiện đáng kể, công tác xúc tiến du lịch được đẩy mạnh và ngày càng mang tính chuyên nghiệp hơn, công tác quản lý nhà nước được tăng cường, các dịch vụ du lịch phong phú, đa dạng và có chất lượng hơn, các chỉ tiêu về du lịch có bước tăng trưởng cao, đội ngũ lao động du lịch từng bước được nâng cao trình độ chuyên môn và khả năng giao tiếp phục vụ khách du lịch. Sản phẩm du lịch của Bạc Liêu đã có những nét đặc thù riêng và vị thế của du lịch Bạc Liêu tiếp tục được khẳng định trong khu vực.
 
Các dự án đầu tư về du lịch được triển khai đã làm thay đổi diện mạo của du lịch Bạc Liêu: Dự án đầu tư khu du lịch Nhà Mát – biển nhân tạo; khu Quán âm Phật đài; khu du lịch sinh thái Hồ Nam cùng các công trình văn hóa, các di tích: Đền thờ Bác Hồ ở Châu Thới, Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu, quảng trường Hùng Vương, di tích Nọc Nạng...Việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch cũng đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, có chất lượng và mang tính đặc thù có sức thu hút khách du lịch cao.
 
Năm 2019, du lịch Bạc Liêu có tốc độ tăng trưởng khá cả về lượt khách và doanh thu, trên địa bàn tỉnh đón và phục vụ 2.542.700 lượt khách (đạt 110,55%), tăng 38,95% so với năm 2018. Trong đó, khách sử dụng dịch vụ lưu trú có 980.514 lượt khách (đạt 121,8%) và tăng 41,08% so với năm 2018. Khách quốc tế có 73.500 lượt khách (đạt 111,4%) và tăng  43,78% so với năm 2018. Tổng doanh thu ngành du lịch được 2.308 tỷ đồng (đạt 104,9%) tăng 42,46% so với năm 2018. Để đạt được kết quả trên, năm 2019, ngành du lịch Bạc Liêu đã tổ chức tốt các hoạt động giao lưu và quảng bá, xúc tiến du lịch du lịch tại các sự kiện du lịch, hội chợ: Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam (VITM)  Hà Nội; Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ tại Cần Thơ; Tuần Văn hóa Du lịch tỉnh Đồng Tháp, Diễn đàn kết nối du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành ĐBSCL, Hội chợ du lịch Quốc tế TP. Hồ Chí Minh ….và tổ chức thành công Tuần Văn hóa – Du lịch Bạc Liêu 2019 gắn với 100 năm ra đời Bản Dạ cổ hoài lang, 100 năm hình thành kiến trúc nghệ thuật Nhà Công tử Bạc Liêu, với sự tham gia của hơn 20 tỉnh, thành phố tham dự các hoạt động, sự kiện, 200 doanh nghiệp, hơn 50 doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và các tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khởi công nhiều dự án quan trọng...
 
Năm 2020, tỉnh Bạc Liêu triển khai các kế hoạch, giải pháp nhằm đạt mục tiêu doanh thu du lịch – dịch vụ đạt hơn 3.000 tỷ đồng (tăng từ 18 – 30% so với năm 2019), trong đó doanh thu nhà hàng –khách sạn đạt hơn 1.200 tỷ đồng (tăng từ 18 –  30% so với năm 2019); thu hút 3 triệu lượt khách du lịch (tăng hơn 10% so với năm 2019). Theo Sở Văn hóa, Thể thao, thông tin, thể thao và du lịch Bạc Liêu, trong 6 tháng vừa qua, doanh thu dịch vụ du lịch của tỉnh chỉ đạt 29%, lượng khách đạt 36% kế hoạch năm (đón 1,1 triệu lượt khách, cùng kỳ năm 2019 là 1,6 triệu lượt khách). Tình trạng du khách hủy tua vì dịch bệnh lên đến khoảng 80%, riêng tháng 4 là thời điểm thực hiện lệnh giãn cách xã hội nên tăng trưởng du lịch gần như bằng không.
 

Điểm tham quan quảng Trường Hùng Vương. 
 
Từ những con số trên có thể thấy, lĩnh vực du lịch Bạc Liêu đang đối mặt với không ít khó khăn và thử thách nếu muốn hoàn thành những chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra cho năm 2020. Tỉnh Bạc Liêu đang thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong thực hiện các giải pháp để phục hồi những tổn thất do dịch bệnh, cũng như sớm lấy lại đà phát triển.
 
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Cao Xuân Thu Vân: Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, cụ thể là trong tháng 6, Sở Văn hóa – Thể thao–Thông tin&Du lịch bắt tay triển khai kế hoạch kích cầu du lịch gắn với phát động chương trình “Người Việt Nam ưu tiên đi du lịch Việt Nam”. Theo đó, kêu gọi các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh áp dụng chính sách khuyến mại, giảm giá nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn phòng chống dịch. Đến nay đã vận động hơn 20 doanh nghiệp, các khu, điểm du lịch lớn thực hiện các chương trình kích cầu du lịch.
 
“Đặc biệt, Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh sẽ phát động những tháng cao điểm khuyến mãi để thu hút khách đến Bạc Liêu, dự kiến chọn các tháng có ngày lễ lớn trong quý 3 và 4/2020. Tỉnh cũng nhắm đến một số thị trường trọng điểm, quen thuộc để tổ chức hoạt động xúc tiến, giới thiệu các chương trình kích cầu du lịch. Đồng thời tích cực tham gia các sự kiện lớn về du lịch: Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam tại Hà Nội…nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Bạc Liêu” – bà Vân thông tin thêm.
 
Bên cạnh đó, Sở Sở Văn hóa – Thể thao–Thông tin&Du lịch còn khẩn trương triển khai các giải pháp nâng cấp, làm mới cho các sản phẩm du lịch để tăng sức hấp dẫn cho du lịch Bạc Liêu. Cụ thể là năng suất biểu diễn của Nhà hát Cao Văn Lầu từ 1 lên 2 suất/tuần; tiếp tục hoàn thiện sản phẩm du lịch đối với chùa Xiêm Cán, Vườn chim Bạc Liêu để trình hồ sơ công nhận là điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL. Đồng thời, xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng, tỉnh Bạc Liêu coi trọng phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống, phát huy lợi thế các sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với các hoạt động du lịch khu vực nông thôn, bảo đảm tính liên kết, không trùng lặp với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long tạo sản phẩm đặc trưng riêng của tỉnh, thu hút khách du lịch; Bạc Liêu từng bước xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện cho du khách, nhất là vào các dịp lễ, hội, mùa cao điểm du lịch…
 
Có thể nói, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu cùng với cơ chế, chính sách thu hút đầu tư ngày một thông thoáng hơn; sự quyết tâm nỗ lực của các sở, ngành, các địa phương trong phối hợp thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo đúng trình tự thủ tục về đầu tư theo quy định…Bạc Liêu sẽ tạo ra sức hút đủ mạnh để các nhà đầu tư đến với vùng đất này với số lượng và quy mô các dự án ngày càng tăng, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư phát triển mà tỉnh Bạc Liêu có nhiều tiềm năng và lợi thế./.                                   
 
Phương Nghi
 
Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục