Hoạt động của ngành

Hà Giang: Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa

Cập nhật: 21/07/2021 08:03:39
Số lần đọc: 713
Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa (DSVH) vật thể và phi vật thể luôn được các cấp, ngành quan tâm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của cộng đồng và góp phần quảng bá, phục vụ hoạt động du lịch.


Lễ hội múa trống của người Giáy, xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc. Ảnh: Nguyễn Quang Chung

Để giữ gìn, phát huy những giá trị DSVH, tỉnh Hà Giang đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đồng thời, chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH của dân tộc mình. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận: Bia đá chùa Sùng Khánh, Chuông chùa Bình Lâm và đôi Trống đồng Lô Lô; 61 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng (31 di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh); 22 DSVH phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số được đưa vào danh mục DSVH phi vật thể cấp quốc gia.

Thi đan lồng gà trong Ngày hội văn hóa dân tộc Pà Thẻn, thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình. Ảnh: Tư liệu

Nhằm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các DSVH vật thể và phi vật thể, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã làm tốt công tác kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn, đánh giá thực trạng về công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích được xếp hạng. Bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, đặc biệt đối với một số di tích có quy mô của tỉnh như: Thác Tiên Đèo Gió (Xín Mần); chùa Nậm Dầu, chùa Sùng Khánh, chùa Bình Lâm (Vị Xuyên); Căng Bắc Mê (Bắc Mê); di tích Tiểu khu Trọng Con (Bắc Quang); Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, Phố cổ Đồng Văn, Nhà Vương (Đồng Văn)... góp phần bảo vệ các di tích trước nguy cơ xuống cấp, mai một.

Ngoài ra, thường xuyên phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) và các địa phương mở các lớp truyền dạy về các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, các nghi lễ truyền thống của các dân tộc như: Dân ca dân tộc Cờ Lao tại xã Sính Lủng (Đồng Văn ) và xã Túng Sán (Hoàng Su Phì); dân ca dân tộc Pu Péo, xã Phố Là (Đồng Văn); lớp truyền dạy hát Then - đàn Tính dân tộc Tày tại huyện Quang Bình; truyền dạy kỹ năng thổi và múa khèn Mông tại các huyện Yên Minh, Đồng Văn, Xín Mần, Quản Bạ… Phối hợp tổ chức xây dựng các mô hình, như: Bảo tồn thêu, dệt thổ cẩm của người Dao đỏ gắn với bảo tồn, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch trong phong trào xây dựng nông thôn mới; bảo tồn trang phục truyền thống tại huyện Quang Bình, Bắc Quang và Vị Xuyên.

Chị Mai Thị Huyền, chuyên viên Phòng DSVH, Sở VHTTDL, cho biết: Các DSVH là nguồn lực cho phát triển bền vững. Việc bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản vào sự nghiệp phát triển KT - XH hôm nay và chuyển giao cho thế hệ sau chính là phát triển bền vững. Với sự nỗ lực của ngành chức năng, bước đầu, các DSVH vật thể và phi vật thể được khai thác, phát huy giá trị, trở thành nguồn lực, sản phẩm phục vụ phát triển du lịch của địa phương.

Thời gian tới, Sở VHTTDL tăng cường công tác tuyên truyền đến các cấp, ngành và cán bộ, nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn DSVH, qua đó nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân trong việc xã hội hóa thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển KT - XH./.

Khánh Huyền

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục