Hoạt động của ngành

Hà Giang: Đánh thức Nậm An

Cập nhật: 24/09/2021 09:26:16
Số lần đọc: 819
Ngồi trên xe đi chừng 30 phút tôi đã thấy mặt hồ thủy điện Nậm An (Tân Thành - Bắc Quang) trước mặt. Hồ treo trên núi mờ ảo trong làn sương Thu làm gợi nhớ về những điều đã qua. Chuyện kể: Mặt hồ thủy điện Nậm An là nơi con Rồng núi Phìn Hồ khi xưa vẫn thường xuống tắm. Bây giờ, hồ nước là “vàng trắng” góp phần dựng xây đất nước.



Bản Dao Nậm An lúa Mùa bắt đầu đỏ đuôi mời gọi du khách về thăm.

Đón tôi ở đầu bản Nậm An là anh Triệu Quang Vinh và Triệu Tràn Loàng. "Hôm nay đưa nhà báo lên khám phá Nậm An. Người Dao xưa, nay vẫn lấy rừng là nhà, lấy cây trong rừng làm kế sinh nhai. Kế sinh nhai từ núi rừng ở bản Dao đang được đánh thức. Nguồn nước, cỏ cây trên rừng đều đã thức giấc sau cả ngàn năm ngủ yên”... Nói rồi anh Loàng kéo tôi lên xe mục sở thị làng Dao của các anh.


Trang trại nuôi cá Tầm của anh Triệu Tràn Loàng đang nuôi trên 6.000 con.

Chiếc xe bán tải đưa tôi đi qua mặt đập hồ thủy điện Nậm An trong một cảm giác rất lạ. Phía trên là mặt nước hồ Nậm An xanh ngắt; phía dưới con đập là một suối đá rộng hàng chục mét dốc ngược nhìn đến chóng mặt. Anh Loàng kể: Hồ Nậm An khi xưa là vũng Rồng. Truyền rằng: Có con Rồng núi, sống trong lòng suối lớn chảy từ đỉnh Tây Côn Lĩnh vắt ngang sang phần phía Đông của bản Phìn Hồ 1, 2, 3 chảy xuống lòng khe Nậm An. Mỗi lần con Rồng xuống khe tắm là một lần nó vùng vẫy bơi lội tạo thành một hồ nước lớn. Hồ nước mỗi ngày một rộng ra, một đầy lên chứa đầy tôm, cá. Loài cá quý nhất sống trong lòng hồ Nậm An ngày nay vẫn còn là cá Dầm xanh, Anh vũ... Kể từ khi con người chinh phục Nậm An, Phìn Hồ đắp thành một con đập lớn lấy nước chạy máy thủy điện cũng là lúc loài cá Dầm xanh, Anh vũ thả sức sinh sôi. Người Nậm An bây giờ xem hồ nước là nguồn “vàng trắng”. Còn mặt nước trong hồ bây giờ là nguồn sinh kế bền vững, giàu có cung cấp thủy sản cho cả bản Dao Nậm An ngày nay. Anh Loàng cho biết: Để có nguồn nước tốt, cả làng Nậm An đã bảo vệ chặt chẽ gần 1.000 ha rừng nguyên sinh. Cũng nhờ rừng, mỗi năm người Nậm An cũng thu về nhiều tỷ đồng nhờ vào việc lấy lá Giang ở rừng về bán cho khách Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc)... Bây giờ, trên mặt hồ Nậm An, người dân trong làng còn làm lồng, bè chăn nuôi cá.

Đi qua chiếc đập lớn chừng gần trăm mét, chiếc xe bán tải của anh Loàng gầm lên vượt con dốc quanh, dốc tức đến nghẹt thở tiến vào sâu trong bản Nậm An. Trên rừng xanh lá, dưới ruộng bậc thang như giăng mình trên những triền núi, lúa mùa đã đỏ đuôi. Anh Triệu Quang Vinh cho biết: Mình làm Trưởng thôn, chuyên “cõng” việc bản. Bản Nậm An có 42 hộ, trên 200 nhân khẩu. Người Nậm An sống bám núi, bám bản, bám lấy rừng làm kế mưu sinh. Nguồn tài nguyên lớn nhất của Nậm An là rừng. Giữ được rừng, người trong bản có nước để làm ruộng (22 ha), nguồn lá Giang để bán quanh năm cho khách nước ngoài. Vào tháng 8, tháng 9 hàng năm, mỗi ngày, mỗi người đi hái lá Giang cũng thu được trên 500 ngàn đồng/công lao động. Giá bán lá Giang bây giờ cũng được 35 – 40 ngàn đồng/kg. Cả Nậm An hiện có trên 750 ha rừng được khoanh nuôi, bảo vệ để lấy nước chạy máy phát thủy điện. Trên ngần ấy ha rừng là cả trăm tấn lá Giang/vụ, mang về cho Nậm An sự no ấm. Hơn thế nữa, người Nậm An giữ rừng, nhà máy thủy điện thuộc Công ty Thủy điện Nậm An trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho dân bảo vệ cũng được kha khá. Bảo vệ được rừng, người Nậm An còn trồng thêm cây Thảo quả, chè và có cảnh quan đẹp đón khách du lịch về thăm. Người Nậm An bây giờ sướng nhiều rồi vì đã có cuộc sống no ấm từng ngày.

Trong lúc vui chuyện, anh Triệu Quang Vinh bật mí, Nậm An bây giờ núi, rừng thức giấc cả rồi. Trên rừng, người Nậm An đang vào mùa thu Thảo quả. Năm nay, Thảo quả được mùa, mỗi cân Thảo quả tươi đang được bán từ 25 – 30 ngàn đồng. Tuy là dịch Covid -19 làm ảnh hưởng lưu thông hàng hoá, nhưng 175 ha Thảo quả của bản đang cho thu hoạch, vẫn có nhiều khách khắp nơi đặt mua. Cả bản, Thảo quả hái được đến đâu bán hết đến đó. Còn nữa, trong rừng Nâm An còn có cây chè Shan tuyết. Chè Shan tuyết hữu cơ được công nhận năm 2020 ở Nậm An là 94 ha. Giá bán chè búp tươi hiện nay tại bản là 30 – 35 ngàn đồng/cân. Chỉ riêng với cây chè, người dân Nậm An đã có một nguồn thu ổn định trong gần 1 năm. Anh Loàng khoe với tôi: Nậm An có nhãn hiệu chè Xanh Vinh Sính vừa được công nhận chỉ dẫn địa lý vùng chè hữu cơ đầu năm. Chè Xanh Vinh Sính đang vươn ra thị trường đánh thức người thưởng trà khắp nơi. Kéo tôi vào trong lán nơi dựng trang trại nuôi cá Tầm, anh Loàng vui vẻ: Mình mới đầu tư nuôi cá Tầm trên Nậm An được gần năm nay. Trang trại hiện có 3 bể nuôi cá Tầm với trên 6.000 con. Sau gần 1 năm nuôi, cá Tầm cho trọng lượng bình quân từ 2,5 – 3,5 kg/con. Lợi thế nuôi cá Tầm trên núi đang được mở rộng lên khoảng 6 – 10 bể nuôi. Mình sẽ nuôi cá Tầm, cá Hồi ở Nậm An bán cho người tiêu dùng cả nước trong năm tới này. Hy vọng, cuối năm nay sẽ có cá Tầm Nậm An chen chân vào mặt hàng đặc sản của Hà Giang.

Thưởng thức trà xanh hữu cơ Vinh Sính trong lán nuôi cá Tầm ven con suối lớn của anh Loàng làm tôi chợt nhớ câu nói người xưa: Phú quý - Sơn lâm hữu khách tầm (ý câu nói là, trên núi, trên rừng nếu có của quý, của hiếm thì ai ai cũng tìm đến, tìm về).

Bài, ảnh: Nhật Hồng

 

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục