Hoạt động của ngành

Hà Giang tích cực xúc tiến quảng bá, phục hồi hoạt động du lịch

Cập nhật: 26/05/2022 13:20:35
Số lần đọc: 712
(TITC) - Ngày 25/5, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy dẫn đầu đoàn công tác Bộ VHTTDL đã có buổi làm việc với Sở VHTTDL Hà Giang cùng các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh về tình hình phục hồi du lịch tại địa phương.  


Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy phát biểu tại buổi làm việc

Theo báo cáo của Sở VHTTDL Hà Giang, ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hướng dẫn của Tổng cục Du lịch về việc mở cửa lại toàn bộ hoạt động du lịch, ngành du lịch Hà Giang đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 92/KHUBND ngày 24/3/2022 về tổ chức các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Theo đó, Sở VHTTDL Hà Giang đã phối hợp Sở Công Thương ban hành kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch và thương mại năm 2022. Chủ động ban hành kế hoạch triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch năm 2022; kế hoạch hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh năm 2022; kế hoạch tham gia Tuần Văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội. Tổ chức Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch năm 2022. Phát động Chương trình kích cầu du lịch tỉnh Hà Giang năm 2022 với chủ đề: “Hà Giang – an toàn, bản sắc và thân thiện”. Đồng thời hướng dẫn các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh chủ động phương án tổ chức các hoạt động phục vụ khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán, dịp nghỉ lễ 30/4-01/5.

Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang, Giang Hồng Hải báo cáo tình hình du lịch tại địa phương

Về tình hình du lịch ở Hà Giang hiện nay có 68 doanh nghiệp du lịch, 821 cơ sở lưu trú và 250 nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Trong 5 tháng đầu năm, Hà Giang đón được 948.392 lượt khách, đạt 63,2% kế hoạch năm; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 1.896 tỷ đồng. Trong đó, riêng dịp nghỉ lễ 30/4-01/5 tỉnh Hà Giang đã đón được 66.000 lượt khách, tăng 15% so với năm 2021, công suất buồng/phòng của các cơ sở lưu trú hầu hết đạt 100% trong dịp này. Chỉ tính trong tháng 5, Hà Giang đã đón được 208.305 lượt khách, trong đó có 2.246 lượt khách quốc tế, khách nội địa là 206.059 lượt người, tổng thu từ khách du lịch đạt 417 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, địa phương còn tiến hành hỗ trợ các doanh nghiệp, hướng dẫn viên gặp khó khăn do COVID-19 và triển khai kế hoạch bồi dưỡng cho gần 400 nhân lực du lịch trong năm 2022.

Về công tác tuyên truyền quảng bá du lịch, địa phương đã thông qua nhiều hình thức để thu hút khách du lịch đến với Hà Giang. Viết và đưa các tin bài về các lễ hội chào mừng năm mới của các dân tộc diễn ra trên địa bàn tỉnh, cập nhật trên website của ngành quản lý, cung cấp thông tin cho du khách khi đến tham quan Hà Giang. Phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp du lịch thực hiện giới thiệu tour du lịch trực tuyến nhằm quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Giang. Tổ chức kết nối giới thiệu trực tuyến giữa Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn (Việt Nam) và công viên địa chất Toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Mine - Yokiyoshidai (Nhật Bản) trên nền tảng công nghệ số. Vào tháng 7 năm 2022, Hà Giang sẽ đăng cai tổ chức Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” tại Hà Giang với vai trò là trưởng nhóm liên kết phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc mở rộng.

Đoàn công tác của Bộ VHTTDL đi kiểm tra các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch tại Nậm Đăm

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy đánh giá cao nỗ lực của ngành du lịch Hà Giang trong phục hồi và phát triển du lịch, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh mà địa phương vẫn có cách làm sáng tạo để thu hút khách. Tích cực đổi mới sản phẩm, áp dụng công nghệ trong hoạt động tuyên truyền quảng bá du lịch. Tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.

Để đảm bảo phát triển du lịch bền vững hơn, Phó Tổng cục trưởng đề nghị Hà Giang cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, di sản và bảo vệ môi trường. Chú trọng phát triển du lịch gắn với “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu” và các sản phẩm (OCOP) của địa phương. Thu hút các nhà đầu tư đủ năng lực để xây dựng các khu du lịch cao cấp, khu du lịch phức hợp, điểm vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú du lịch chất lượng cao trên địa bàn. Đồng thời tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.

Trong chương trình làm việc, đoàn công tác của Bộ VHTTDL còn xuống địa bàn thôn Nậm Đăm kiểm tra một số cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch./.

Trung tâm Thông tin du lịch/Vụ Lữ hành

Cùng chuyên mục