Non nước Việt Nam

Hà Nội: Phát huy giá trị Thành cổ Sơn Tây

Cập nhật: 18/03/2022 10:52:54
Số lần đọc: 1227
Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là tòa thành đá ong độc nhất vô nhị ở nước ta. Dù phần lớn tường thành đã bị phá hủy bởi thời gian, nhưng thành cổ vẫn giữ được không gian đẹp, với hệ thống hào nước, cổng thành và một số công trình như điện Kính Thiên, Kỳ đài… Thời gian qua, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây đã có nhiều biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị thành cổ. Sắp tới, thị xã Sơn Tây sẽ triển khai các tuyến phố đi bộ quanh thành cổ, tạo sức hấp dẫn cho du lịch vùng phía tây Thủ đô.


Khu vực hào nước quanh thành cổ Sơn Tây sẽ trở thành phố đi bộ trong thời gian tới.

Năm 2022, tòa thành đá ong nằm ở trung tâm thị xã Sơn Tây tròn 200 tuổi. Thời gian, chiến tranh đã khiến phần lớn bức tường thành bị sụp đổ. Nhưng hiếm tòa thành nào còn giữ được một không gian có tính tổng thể như Thành cổ Sơn Tây. Toàn bộ hào nước bao quanh thành được kè bằng đá ong vẫn còn gần như nguyên vẹn, với tổng chiều dài 1.800 m, rộng 20 m. Nối với những con phố chung quanh là bốn cây cầu, dẫn vào bốn cổng chính, gồm cổng Tiền (hướng nam), cổng Hậu (hướng Bắc) và cổng chính Đông, cổng chính Tây.

Trong bốn chiếc cổng, vẫn còn hai chiếc cổng được bảo tồn nguyên vẹn từ xa xưa. Từ cổng chính đi vào, các công trình quan trọng đều được xây dựng đối xứng trên trục trung tâm Nam-Bắc. Phần lớn các di tích bị phá hủy. Từ năm 2001 đến nay, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây đã nhiều lần tiến hành tu bổ, phục dựng các công trình. Ở khu vực trung tâm, tòa Kỳ đài cao 18 m chiếm vị trí nổi bật nhất, luôn được xem là biểu tượng của Sơn Tây. Tiếp đó là Vọng cung (hay còn gọi là điện Kính Thiên), là nơi vua nghỉ mỗi khi đi tuần thú và là nơi các quan trong trấn hằng năm, xuân thu nhị kỳ, đến tế lễ hoặc “bái vọng” mỗi khi có chiếu chỉ của nhà vua ban xuống. Những công trình khác như nơi làm việc của quan lại xưa giờ không còn, thay vào đó, gần như toàn bộ không gian được bao phủ bởi mầu xanh mát, trong đó có nhiều cây cổ thụ. Không gian Thành cổ Sơn Tây còn được ví như “rừng trong phố”.

Để tiếp tục phát huy giá trị thành cổ Sơn Tây, đồng thời, tạo điểm nhấn về du lịch, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây đang khẩn trương triển khai tuyến phố đi bộ chung quanh khu vực Thành cổ. Tuyến phố đi bộ thí điểm đoạn từ cổng cũ trụ sở Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây (phố Phó Đức Chính) đến cầu Cửa Tiền (tức Cổng Tiền, khu vực ngã ba Quang Trung-Nguyễn Thái Học). Tuyến phố đi bộ sẽ gồm phố Phó Đức Chính, Phan Chu Trinh, đường dạo phía ngoài của Thành cổ. Các khu vực: Vườn hoa trung tâm thị xã; quảng trường khu vực vườn hoa trung tâm... cũng sẽ trở thành phố đi bộ. Thời gian hoạt động tuyến phố đi bộ từ 19 giờ thứ bảy đến 12 giờ chủ nhật hằng tuần.

Để phục vụ cho hoạt động phố đi bộ, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây đang khẩn trương chỉnh trang các hạng mục bên trong Thành cổ. Trong đó, dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây hiện đã thi công được khoảng 80% khối lượng. Hệ thống đường dạo, sân nghỉ… hiện đã hoàn thành. Dự án gia cố, cải tạo các đoạn kè bờ hào bị sạt lở và số hóa hệ thống cây xanh tại di tích Thành cổ Sơn Tây hiện đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật. Ngoài ra, hào nước quanh Thành cổ cũng đang được lấy nước để phục vụ việc tổ chức lễ hội đua thuyền và các sinh hoạt khác. Mặt hào thường xuyên được vớt rác bảo đảm cảnh quan, vệ sinh môi trường. Toàn bộ hệ thống lan-can đá chung quanh bờ hào Thành cổ cũng được vệ sinh sạch sẽ, phát quang cây cỏ.

Song song với các công tác tu bổ, chỉnh trang, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây cũng chuẩn bị kịch bản cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại không gian này. Dự kiến, phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây sẽ có các chương trình biểu diễn nghệ thuật đương đại, ca nhạc đường phố, nhảy dân vũ… Các tổ chức đoàn, hội, các câu lạc bộ nghệ thuật, các trường Trung học phổ thông trên địa bàn sẽ tham gia thực hiện các hoạt động này. Thị xã Sơn Tây cũng tổ chức các dịch vụ ẩm thực; giới thiệu hàng lưu niệm, sản phẩm đặc trưng của vùng đất xứ Đoài… Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh cho biết, đến nay đã có 88 tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh tại phố đi bộ, gồm các mặt hàng ẩm thực, cây cảnh, nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ. Hiện, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây đang khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị để phố đi bộ chính thức khai trương vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay.

Vùng đất Sơn Tây vốn có nhiều địa danh du lịch nổi tiếng như: Làng cổ Đường Lâm, đền Và, chùa Mía… Nhưng lâu nay, khách đến Sơn Tây chủ yếu đi về trong ngày. Với việc Thành cổ Sơn Tây có thêm sản phẩm du lịch, du lịch Sơn Tây được kỳ vọng sẽ giữ chân khách du lịch, khi kết nối liên thông với các địa danh du lịch khác trên địa bàn.

Giang Nam

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn -Ngày đăng 18/3/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT