Hoạt động của ngành

Huyện Phước Long(Bạc Liêu): Xây dựng sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 31/08/2020 07:57:16
Số lần đọc: 960
Với lợi thế là huyện nông thôn mới, Phước Long đang xây dựng chương trình hành động du lịch năm 2020 gắn với sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, 6 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cũng là điểm cộng để huyện này phát huy thế mạnh về du lịch.

Bà Trương Thị Lãnh (ấp Phước Hòa Tiền, TT. Phước Long) đóng gói sản phẩm OCOP. Ảnh: N.T

OCOP là chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đang được các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Phước Long nói riêng tích cực triển khai thực hiện. Đây không chỉ được xem là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển, tạo ra ít nhất tại mỗi xã một hoặc nhiều sản phẩm chủ lực, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mà còn góp phần xây dựng và phát triển dịch vụ du lịch.

Từ những lợi ích thiết thực đó, các sản phẩm OCOP đã “lọt vào tầm ngắm” trong chương trình hành động du lịch năm 2020 của Phước Long. Theo đó, cùng với việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện các điểm tham quan du lịch, huyện sẽ tăng cường đầu tư mới các sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng, khai thác có hiệu quả những sản phẩm được thị trường chấp nhận, cũng như những sản phẩm được đưa vào OCOP của tỉnh. Qua đó từng bước hoàn thiện nâng cao chất lượng một số sản phẩm như: bánh phồng tôm, bánh tráng sữa, bánh tráng chuối, rau cần nước, chả cá thát lát, cá thát lát rút xương... Trong số 6 sản phẩm đã được tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP của huyện, sản phẩm bánh phồng tôm, bánh tráng sữa của bà Tạ Tuyết Thu (ấp 1A, xã Phong Thạnh Tây A) và sản phẩm chả cá thát lát của bà Trương Thị Lãnh (ấp Phước Hòa Tiền, TT. Phước Long) là những sản phẩm OCOP có hướng gắn với phát triển du lịch khá hiệu quả.

Huyện Phước Long có thế mạnh về sản xuất lúa gạo và cá tôm, cùng nhiều loại nông sản khác. Từ nguồn nguyên liệu sẵn có, người dân đã nghiên cứu và cho ra đời nhiều loại sản phẩm phong phú về khẩu vị. Những sản phẩm đạt chuẩn OCOP có nguồn gốc từ đây. Sản phẩm chả cá thát lát của bà Trương Thị Lãnh là một minh chứng. Bà Lãnh chia sẻ: “Con trai tôi làm nghề ép cá giống. Tôi thấy lượng cá đực bỏ đi khá phí sau khi quá trình ép giống hoàn thành, nên đã gom về cạo lấy thịt làm chả cho sấp nhỏ trong nhà ăn, cho hàng xóm. Hàng xóm thấy vừa miệng nên đặt tôi làm phục vụ đám tiệc. Rồi “tiếng lành đồn xa”, không chỉ có khách trong huyện, trong tỉnh, mà khách hàng ở các tỉnh khác cũng đặt mua chả cá của tôi rất nhiều. Chính vì vậy, địa phương đã vận động tôi tham gia chương trình OCOP để đăng ký thương hiệu, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch cho huyện. Tôi cũng thấy tự hào vì được góp chút sức mình cho sự phát triển của quê hương”. Sau khi đưa vào OCOP, chả cá thát lát của bà Trương Thị Lãnh được “nâng cấp” thêm một bước, trải qua quy trình sản xuất khép kín, hút chân không và đóng gói đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ tiêu chuẩn để làm quà khi du khách có nhu cầu. 

Cũng giống như sản phẩm chả cá thát lát, cá thát lát rút xương, sản phẩm OCOP bánh phồng tôm, bánh phồng sữa, bánh tráng chuối của bà Thu cũng đủ điều kiện để giúp Phước Long phát triển du lịch. Bánh phồng tôm hiện đang được tiêu thụ mạnh tại các tỉnh trong nước, phục vụ ăn nhanh cho khách hàng, đặc biệt thích hợp làm quà tặng cho du khách. Được biết, cơ sở Nông sản Việt của bà Thu sản xuất ra bánh phồng tôm cũng đã nhiều lần đại diện cho Phước Long tham gia các hội chợ giới thiệu hàng tiêu dùng nhằm quảng bá hình ảnh Bạc Liêu, kích cầu du lịch.

Mục tiêu đặt ra của huyện Phước Long là thu hút 15.000 lượt khách/năm, tổng doanh thu du lịch đạt 200 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 1.200 lao động nông thôn. Và để đạt được mục tiêu này, việc nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm OCOP là một trong những động thái mà Phước Long đang tích cực thực hiện.

Ngọc Trân

Nguồn: Báo Bạc Liêu

Cùng chuyên mục