Hoạt động của ngành

Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030

Cập nhật: 06/11/2020 13:28:33
Số lần đọc: 1982
Thực hiện Quyết định số 147/QĐ-TTg, ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030 trên địa bàn nhằm khai thác có hiệu quả các lợi thế của du lịch tỉnh nhà trong thời gian tới, phấn đấu đưa du lịch Vĩnh Long trở thành ngành kinh tế quan trọng, hướng đến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Phát triển du lịch của tỉnh theo hướng bền vững gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và tăng cường liên kết phát triển.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo đó, tỉnh sẽ huy động nguồn lực ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ phục vụ phát triển du lịch; từng bước nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch, xây dựng sản phẩm đa dạng, đặc thù của địa phương; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, quảng bá, xúc tiến, giới thiệu các sản phẩm du lịch. Đặc biệt, tỉnh sẽ tạo môi trường đầu tư phát triển du lịch theo hướng minh bạch, thuận lợi và hiệu quả để thu hút các nhà đầu tư lĩnh vực du lịch. Phấn đấu thu hút lượng khách du lịch giai đoạn 2021 – 2025 tăng trung bình 10%/năm, doanh thu tăng bình quân 25%/năm; đến năm 2030 tiếp tục duy trì lượng khách tăng trung bình 10%/năm và doanh thu tăng bình quân là 30%/năm.

Theo Kế hoạch, trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung thực hiện 08 nhiệm vụ, giải pháp như Tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch của tỉnh; Xây dựng tài liệu tuyên truyền hàng năm và tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức (hội họp, hội nghị, hội thảo, trang web, cổng thông tin du lịch, tranh thủ mặt tích cực của các trang mạng xã hội, cổ động trực quan,…) để nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế địa phương; đồng thời giúp nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong xây dựng hình ảnh, môi trường du lịch văn minh, thân thiện; Đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật, danh mục dự án đầu tư liên quan lĩnh vực du lịch; Tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết 173/2019/NQ-HĐND, ngày 31/5/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đến năm 2030. Đến năm 2030, các cơ sở lưu trú du lịch, điểm, khu du lịch phục vụ tốt cho các sự kiện lớn và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Tập trung xây dựng và thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án lĩnh vực du lịch như: Đề án Cơ cấu lại ngành du lịch đến năm 2025, Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, Đề án tổ chức một số mô hình du lịch cộng đồng ở Vĩnh Long, Đề án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ phát triển du lịch, Đề án Phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái, Đề án giới thiệu, trưng bày mua bán sản phẩm hàng tiểu thủ công nghiệp phục vụ phát triển du lịch,….

Đồng thời, tỉnh tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch từ ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương và các nguồn xã hội hóa để đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thiết chế văn hoá, thể thao, tôn tạo các di tích, các làng nghề, các dự án phục vụ phát triển du lịch; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư hoạt động kinh doanh, với các đề án, dự án trọng tâm như: Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long; Di sản đương đại Mang Thít; Đầu tư, tôn tạo điểm du lịch quốc gia Văn Thánh Miếu; Bến tàu du lịch - Khu phố hàng lưu niệm - Bãi đỗ xe du lịch; Nạo vét kênh Mương lộ và sông Cái Muối và nhiều dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng mời gọi đầu tư trên địa bàn. Xây dựng sản phẩm du lịch và phát triển các vùng dịch vụ, du lịch trọng điểm

Tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch: Du lịch sinh thái sông nước miệt vườn (với sản phẩm Vĩnh Long - Đệ Nhất Homestay liên kết vào tuyến du lịch các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và TPHCM); Du lịch văn hoá, tâm linh, tham quan làng nghề (tập trung các tour, tuyến kết nối các khu, điểm du lịch, điểm di tích cấp quốc gia, một số lễ hội tiêu biểu, kết hợp quảng bá sản phẩm hàng hóa tiểu thủ công nghiệp, hàng hoá lưu niệm và ẩm thực trên địa bàn. Tập trung kêu gọi xã hội hóa, đầu tư cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ du lịch như: xây dựng các trạm dừng chân, các cửa hàng bán sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, hàng lưu niệm, các sản phẩm ẩm thực đặc trưng của địa phương tại các vị trí thuận lợi, hiệu quả phục vụ du khách.

Phát triển các vùng dịch vụ, du lịch trọng điểm; Tăng cường công tác quản lý Nhà nước; hoàn thiện chính sách phát triển du lịch của tỉnh; tiếp tục rà soát, tham mưu ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cụ thể trong lĩnh vực du lịch. Nghiên cứu các quy định của pháp luật để ban hành các chính sách, cơ chế phù hợp, tạo môi trường thông thoáng về thủ tục đầu tư nhất là đất đai, thuế, tín dụng,... để huy động được mọi nguồn lực và tạo động lực phát triển du lịch; Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ theo quy định về việc tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch phát triển. Tổ chức khảo sát và xây dựng các đề án, dự án phát triển sản phẩm du lịch ở các địa phương trong tỉnh; nâng cao năng lực giám sát các dự án đầu tư nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy tài nguyên thiên nhiên, truyền thống và văn hoá của tỉnh Vĩnh Long phục vụ phát triển du lịch.

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch; tăng cường quảng bá du lịch Vĩnh Long tại những thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế; phối hợp liên kết phát triển du lịch Cụm phía Đông ĐBSCL; tập trung xây dựng và quảng bá sản phẩm du lịch tiêu biểu của tỉnh “Vĩnh Long – đệ nhất homestay” tạo điểm nhấn trong chương trình liên kết phát triển du lịch 13 tỉnh ĐBSCL và TP. HCM; phối hợp tổ chức các đoàn Famtrip để quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch của tỉnh; hoàn thiện cổng thông tin du lịch và đẩy mạnh quảng bá du lịch qua các trang mạng xã hội,…

Chuẩn hoá và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch; Giữ vững ổn định an ninh, trật tự phát triển du lịch tại địa phương; Ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường đối với ngành du lịch của tỉnh…

Kế hoạch phân công cụ thể nhiệm vụ của các sở, ngành có liên quan theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng đề án, kế hoạch được giao; tổ chức sơ kết, tổng kết hàng năm, kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, Kế hoạch cũng lưu ý đối với UBND huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, tham mưu đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, khu chợ đêm, phố đi bộ,…gắn với đề án phát triển đô thị của tỉnh định hướng đến 2025-2030; chủ động mời gọi các doanh nghiệp đầu tư các dự án du lịch theo quy hoạch nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch, hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Ngọc Lan

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Vĩnh Long

Cùng chuyên mục