Hành trang lữ khách

Khám phá suối Hầm Heo, Thừa Thiên Huế

Cập nhật: 21/07/2020 08:48:18
Số lần đọc: 5006
Suối Hầm Heo ở bản Khe Trăn (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) được đồng bào dân tộc Pa Hy khai thác, đưa vào hoạt động du lịch sinh thái từ giữa năm 2019. Đến nay, lượng khách tăng đột biến đã giúp Hầm Heo trở thành điểm thư giãn lý tưởng trong những ngày hè.

Khung cảnh hoang sơ cùng làn nước trong xanh mát mẻ ở suối Hầm Heo thu hút đông đảo khách ghé thăm

Địa điểm này nằm cách trung tâm TP. Huế khoảng 40km về phía Bắc. Du khách chạy theo tuyến Quốc lộ 1A, đến đường 9 (DT9) ở trung tâm huyện Phong Điền thì rẽ trái, chạy khoảng hơn 10km nữa sẽ đến nơi. Dọc đường đi, du khách sẽ được ngắm nhìn những vườn chuối, vườn cam miên man. Những hàng cau, vườn thanh trà mộc mạc, bình dị. Những tán cây rậm, đồi thông xanh âm u của núi rừng…

Đường đi vào suối khá êm ái, sạch sẽ bởi đã được đổ nhựa, bê tông hóa. Đến hiện tại, điểm du lịch Hầm Heo không thu vé vào cửa, du khách chỉ mất vài nghìn đồng phí để giữ xe.

Mùa này, tán rừng già được tô điểm thêm sắc đỏ, sắc vàng từ những cây đang kỳ thay lá. Hai bên bờ suối, hàng tre rừng, lau sậy đung đưa in bóng hình xuống mặt nước trong vắt. Thi thoảng lại có đàn bướm bay lượn nô đùa, tiếng chim rừng hót lanh lảnh trong veo hòa cùng tiếng suối chảy róc rách. Tất cả đã tạo nên một khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, kỳ bí mà sinh động thu hút giác quan của du khách ghé thăm.

Theo bà Phan Thị Khuyên, một đồng bào Pa Hy đang kinh doanh dịch vụ ở đây kể rằng, xưa kia, vùng rừng núi ở thượng nguồn sông Ô Lâu này heo rừng đông vô kể. Heo đi thành đàn lớn, hung dữ lại tinh quái. Khi những nương ngô, nương lúa trên sườn đồi chuẩn bị đến kỳ thu hoạch thì đàn heo lại bắt đầu rục rịch phá nương rẫy. Heo chọn lúc chập tối hay mờ sáng, thời điểm vắng người để xuống núi kiếm ăn, tàn phá nương rẫy. Đã bao đời, không ít thanh niên, trai tráng Pa Hy quyết tâm đi săn, đặt bẫy nhưng không cải thiện được nhiều. Đến khoảng 60 năm về trước, người Pa Hy ở đây cùng đoàn kết họp bàn, thống nhất đào một con hào lớn từ sườn đồi đến bờ suối.

Như đã bàn bạc, tất cả thanh niên khỏe mạnh trong bản được chia làm 2 nhóm, một nhóm mai phục theo hình vòng cung từ chân lên sườn đồi, vuông góc với khe hào, cách đường di chuyển của đàn heo một khoảng, nhóm còn lại canh ở bờ suối. Chập tối, đàn heo bắt đầu kéo nhau xuống nương. Khi thấy heo đã đủ đàn, trưởng bản đốt đuốc ra tín hiệu, nhóm thanh niên mai phục đồng loạt hò reo, tay cầm đuốc, tay cầm giáo mác đuổi đàn heo về phía hào lớn đã đào sẵn. Hoảng sợ, heo kéo nhau chạy xuống hào theo hướng ra bờ suối. Gặp nước sâu lại có nhóm “thợ săn” đợi sẵn, đàn heo “sa cơ”. Đoạn suối này được người trong vùng gọi là Hầm Heo kể từ đó.

Ở khúc suối lớn nhất là một hồ nước trong xanh. Nước ở hồ không sâu lắm, đáy bằng phẳng nên được người dân bản địa dựng sạp xung quanh để du khách dễ tắm suối, nghỉ ngơi.

Ngoài thú vui hòa mình vào làn nước trong mát, những món ăn đặc trưng của núi rừng cũng đã làm xiêu lòng biết bao du khách. Chỉ với một vài thứ nguyên liệu, đồng bào Pa Hy đã có thể chế biến thành nhiều món ăn vô cùng hấp dẫn như: gà nướng tiêu rừng, bắp chuối rừng, ốc đá, cá xanh, cá xao, cá leo hấp chuối, tương măng, xôi nếp than, môn bóp…

Ông Lâm Ngọc Hải Linh, chuyên viên Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phong Điền cho biết, khu du lịch sinh thái Hầm Heo được người dân ở bản Khe Trăn tự khai thác. Hiện tại chưa có đơn vị đầu tư, nên quy mô chưa được lớn. Tuy chỉ mới đưa vào hoạt động hơn 1 năm, nhưng điểm du lịch này đã thu hút đông đảo du khách. Ban đầu chỉ có khoảng hơn 10 sạp, đến nay đã có 19 hộ đồng bào Pa Hy kinh doanh dịch vụ, sạp lên đến gần 100. Tính bình quân trong những tháng hè vừa qua, ngày bình thường có từ 100-200 khách, riêng ngày thứ 7 và chủ nhật có từ 1.000-1.500 khách.

Bài, ảnh: THANH BÌNH

 

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục