Hành trang lữ khách

Khám phá xuyên rừng đước ngập mặn đất mũi Cà Mau

Cập nhật: 10/01/2020 15:32:13
Số lần đọc: 1264
Đến với xã đất mũi huyện Ngọc Hiển, ngoài ý nghĩa thiêng liêng của việc ghé thăm biểu tượng cực nam Tổ quốc Mũi Cà Mau, du khách sẽ được trải nghiệm khám phá khu rừng đước ngập mặn thuộc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Đây cũng là một trong những khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới với hệ sinh thái đa dạng độc đáo.

Có diện tích lên đến hơn 63.000ha, rừng ngập mặn Cà Mau hiện chỉ xếp sau "lá phổi" Amazon của Nam Mỹ trong danh sách những khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới.

Theo nghiên cứu công bố, thảm thực vật trong rừng ngập mặn Cà Mau rất đa dạng với 22 loài chịu phèn, chịu mặn tốt như tràm, mắm, vẹt, bần, chà là... Trong số đó phổ biến nhất, diện tích lớn nhất, hiệu quả kinh tế lớn nhất chính là cây đước nên rừng ngập mặn Cà Mau còn được gọi bằng tên rừng đước Cà Mau hay rừng sác như cách gọi của người bản địa.

Cây đước có tên khoa học là Rhizophora apiculata Blume thuộc họ Rhizophoraceae. Đước là thực vật thân gỗ mọc thẳng, tròn với đường kính 30-45cm, màu nâu xám, chiều cao trung bình của đước từ 20-35m. Cây đước tập trung phân bổ ở vùng ven biển, đồng bằng ngập mặn, nơi có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Cây đước trồng thích hợp nhất trên đất bùn mịn, vùng nước mặn, nước lợ gần các cửa sông, cửa biển nơi có thủy triều lên xuống đều đặn. Đước ưa khí hậu nóng ẩm nên rất phù hợp với thời tiết nóng ẩm của nước ta, phân bổ dọc từ miền trung đến đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt nhiều ở đất mũi Cà Mau.

Sống trên bùn phèn ngập mặn nên bộ rễ của cây đước cũng rất đặc biệt để thích nghi với hoàn cảnh. Bộ rễ nhìn bề ngoài khá khổng lồ so với thân, chia làm hai phần là rễ cọc và rễ phụ. Rễ cọc chỉ có một, khá nhỏ, cắm thẳng xuống bùn. Ngược lại rễ phụ lại phát triển thành chùm, mọc từ phần thân gần gốc và bám chặt xuống chung quanh giữ cây vững chắc. Ngoài chức năng chống đỡ, rễ phụ còn có nhiệm vụ hút nước và chất dinh dưỡng trong đất.

Đước một khi đã mọc thành rừng thì không có một loại cây nào có thể trồng xen kẽ vào được. Được ví như vệ sĩ bảo vệ bờ biển, cây đước là loài thực vật quan trọng trong việc phòng hộ, phục hồi các rừng ven biển ở Cà Mau, bảo vệ vùng bờ biển khỏi tình trạng xâm thực mặn, đồng thời chắn gió bão.

Mỗi năm rừng đước, rừng ngập mặn cùng phù sa đã giúp bồi đắp lấn biển thêm 50-80m cho nước ta. Rừng đước còn là nơi ở của các thủy sản có giá trị kinh tế cao như cua, tôm, vọp, ba khía, cá thòi lòi. Gỗ đước đóng bàn ghế, giường tủ, dựng nhà, lát sàn, làm cầu khỉ. Than đước tỏa ra nhiệt lượng rất cao, là mặt hàng xuất khẩu rất có giá trị. Thậm chí vỏ của thân cây đước còn được sử dụng để thuộc da, nhuộm vải, in ấn,...

Ngày nay, rừng đước Cà Mau trải dài trên địa giới sáu huyện, từ Đầm Dơi, Phú Tân, Trần Văn Thời, U Minh, Ngọc Hiển và Năm Căn. Trong đó tập trung chủ yếu ở hai huyện gần với điểm cực nam nhất là huyện Năm Căn và huyện Ngọc Hiển.

Phần lớn đều nằm trong "Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau". Còn nếu chỉ tính riêng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau thì diện tích lên đến 15.000ha.

Từ năm 2016 khánh thành cầu Năm Căn, đường về đất mũi Cà Mau rất thuận tiện cả đường thủy lẫn đường bộ. Đi theo đường nào cũng đều có thể ngắm nhìn hệ sinh thái rừng đước nguyên sinh kéo dài dọc đường đi, từ thị trấn Năm Căn về tận điểm cuối cùng cực nam đất nước.

Nhưng hấp dẫn nhất và đúng chất miền Tây nhất vẫn là phương án đi cũ, theo lối bến tàu Năm Căn, bắt cao tốc, ca-nô hay vỏ lãi chạy gần hai tiếng trên sông Cửa Lớn, len lỏi giữa những cánh rừng đước xanh mướt tiến ra biển, nơi đất mũi Cà Mau.

 

Mấy năm gần đây Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã đầu tư xây dựng, quy hoạch hệ thống cầu đường bộ thành những lối đi trong rừng, tạo điều kiện cho du khách được thuận tiện đi bộ khám phá cảnh quan khu rừng đước nguyên sinh.

Rừng đước Cà Mau là điểm đến lý tưởng cho giới khoa học nghiên cứu, đặc biệt sở hữu tiềm năng du lịch sinh thái lớn nhất miền Tây. Hiện đã có bốn tuyến du lịch sinh thái được Vườn quốc gia đưa vào khai thác, bao gồm: Tuyến 1: tham quan rừng ngập mặn, bãi bồi; Tuyến 2: khám phá giếng trời, rừng nguyên sinh; Tuyến 3: tham quan diễn thể rừng tự nhiên, cồn Ông Trang; Tuyến 4: tham quan bãi bồi ven Biển Đông, rừng ngập mặn, bãi bồi ven Biển Tây./.

Nguồn: nhandan.com.vn

Cùng chuyên mục