Non nước Việt Nam

Lai Châu: Gìn giữ vốn văn hóa ít ỏi còn lại của dân tộc La Hủ

Cập nhật: 14/06/2021 10:22:32
Số lần đọc: 882
Dân tộc La Hủ là 1 trong 4 tộc người nằm trong chính sách bảo tồn đặc biệt của Chính phủ cũng là giữ gìn sự phong phú, đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giúp người La Hủ có cuộc sống ấm no hơn trước đây. Dân số tăng lên dường như dễ dàng hơn giữ lại chút vốn văn hóa đã bị mai một, hiện đang rất thiếu và yếu ớt.


Người phụ nữ La Hủ đi cùng con gái ra chợ Mường Tè, Lai Châu và giao tiếp với những người khác trong một dịp rất hiếm hoi (ảnh chụp trước ngày 27-4). Ảnh: TTH

Người La Hủ hiện chỉ có vỏn vẹn khoảng hơn 6.000 người, chủ yếu sống ở 4 xã Pa Vệ Sủ, Pa Ủ, Ka Lăng, Thu Lũm, khu vực biên giới thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. So với các dân tộc khác, người La Hủ hiện nay không có mối liên kết nào với các cộng đồng cùng dân tộc cư trú ở các vùng khác, hoặc ở các quốc gia khác. Họ không có nguồn hậu thuẫn tài chính lớn và sự giao lưu văn hóa với các cộng đồng khác. Nhưng bù lại, với vị trí địa lý vùng dân cư, toàn bộ cộng đồng người La Hủ nằm trong địa bàn biên phòng, được lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) nâng đỡ một cách tận tâm. Những người lính coi đồng bào như ruột thịt, lên phương án định cư, làm nhà, làm vườn, hướng dẫn canh tác... đã nhiều thập kỷ qua.

Tuy nhiên, lật lại việc bảo tồn văn hóa người La Hủ, trong một hội thảo giữa các chuyên gia văn hóa và lãnh đạo địa phương, nhiều ý kiến cho rằng, vốn văn hóa của người La Hủ thiếu và yếu, có chăng cũng đã bị mai một, bị đồng hóa bởi các dân tộc khác khiến họ mãi không thể nổi bật lên bản sắc của chính mình. Kinh tế có thể đi lên, làng bản đã bắt đầu định cư, người dân được chăm lo giáo dục, y tế, tuy nhiên, việc làm bật lên sắc màu văn hóa thì vẫn lúng túng.

Nhiều người hiểu lầm rằng, người La Hủ vốn là một tộc người lưu vong. Họ được gọi bằng cái tên Xá Lá Vàng với hàm ý họ sống bằng săn bắt, hái lượm, làm lều lá trong rừng. Thực chất, người La Hủ có lịch sử, có nguồn gốc, sau nhiều năm loạn lạc họ trở thành nhóm người yếu thế lưu lạc trong rừng sâu, núi cao và bị suy thoái kỹ năng sống, hoàn toàn phụ thuộc vào săn bắt, hái lượm. Trường hợp này cũng giống với các dân tộc khác như người Đan Lai ở phía Tây Nghệ An, người Rục ở Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Người La Hủ hiện nay vẫn giữ nếp sống săn bắt, hái lượm, không canh tác và không có hình thái xã hội. Những cánh rừng già còn sót lại ở đây bao bọc họ và điều giúp họ tồn tại là kỹ năng săn thú và hơi ấm từ lửa, sự chở che của rừng. Mỗi gia đình người La Hủ trước đây lang thang trong rừng, dựng lều lợp bằng lá cây rừng, sau mỗi mùa săn, lá trên nóc lều vàng khô thì lại dời đến khoảnh rừng khác vì thế họ còn được gọi là Xá Lá Vàng vì đặc tính cư trú đó. Khi rừng nghèo kiệt, thú rừng hiếm, họ càng phải lùi sâu vào trong rừng để ẩn trốn đói rét. Chỉ khi BĐBP kiên trì vận động bà con định canh, định cư, dựng nhà, lập bản, cộng đồng người La Hủ sau rất nhiều thế hệ, lần đầu tiên biết sống trong một ngôi nhà có mái che mưa nắng, biết trồng rau ăn và cấy lúa nước.

Về trang phục và tiếng nói, người La Hủ bị đồng hóa bởi một cộng đồng kề cận và mạnh mẽ, đông đúc hơn là người Hà Nhì. Họ vay mượn hoàn toàn trang phục truyền thống và tiếng dân tộc. Những người La Hủ hiểu biết nhất trong bản Tân Biên, Pa Ủ, Mường Tè thường kể câu chuyện truyền thuyết rằng vốn trước đấy, người Hà Nhì và người La Hủ là hai anh em. Họ chẳng may có mâu thuẫn tức thời mà bỏ ra đi. Người anh đi mãi vào rừng sâu và trở thành người La Hủ như ngày nay. Họ thường phân biệt hai dân tộc bằng cách nhìn vào đường khâu đắp vải ở tay áo. Kỳ thực, người Hà Nhì là một dân tộc có bản sắc văn hóa. Họ giữ lại được nhiều nét văn hóa truyền thống và người La Hủ chỉ học theo, bắt chước mà thôi. Tiếng nói của người La Hủ giờ đây cũng mượn tiếng Hà Nhì khá nhiều, trang phục và các kỹ năng sống, cách đi bộ trong rừng, chặt cây, đan lát mây tre thành gùi, lồ đựng... họ đều học được của người Hà Nhì.

Cán bộ BĐBP Lai Châu ở địa bàn các đồn Biên phòng vùng La Hủ chia sẻ, họ bắt gặp rất nhiều người La Hủ biết thổi sáo và sử dụng nhạc cụ đó như một nhạc cụ truyền thống. Họ tìm hiểu và được biết khi ở trong rừng, người La Hủ thường thổi sáo vang vọng những cánh rừng. Phụ nữ La Hủ học thổi sáo từ nhỏ, để bầu bạn, để gọi nhau ở trong rừng và để phóng chiếu những tâm tư sâu kín, bày tỏ tình cảm, tình yêu. Tiếng sáo đơn độc và buồn như tâm hồn người La Hủ lâu dần trở thành hình ảnh của chính họ, đặc trưng cho hoàn cảnh và những khao khát của cả một dân tộc đã mất mát văn hóa sau những cơn tao loạn, ly tán và chìm khuất trong rừng sâu. Văn hóa ẩm thực của họ hầu như không có gì, vì quá trình lịch sử đã qua họ phải sống dựa vào tự nhiên, thức ăn chủ yếu là rau rừng, chuột rừng và mật ong, nước suối. Chính những người lính Biên phòng ban đầu làm nhà cho làng người La Hủ ở Là Si cũng lúng túng vì không biết mẫu nhà truyền thống của người La Hủ như thế nào. Họ không hề thấy người La Hủ trồng cây, chế biến đồ ăn và thờ cúng, tín ngưỡng. Đời sống tinh thần hầu như bị mai một, họ thu hẹp lại, không chia sẻ, dè chừng và thận trọng trước mọi thay đổi, mọi sự giúp đỡ.

Người La Hủ hiện là cộng đồng có số sinh ít hơn số tử. Tuổi thọ của họ rất thấp và chưa thoát khỏi tình thế mai một bởi hôn nhân cận huyết, cuộc sống khắc nghiệt, nghèo đói và u muội. Phương án xen canh, xen cư rất khó thực hiện đối với một vùng dân cư heo hút như vùng biên giới Lai Châu. Người dân phải ở lại với biên cương, không phải vùng nào cũng có thể di cư về nơi đông đúc. Nhiều dự án bảo tồn người La Hủ chú trọng đến phát triển kinh tế vì chỉ có phấn đấu đến mức dồi dào của ăn của để thì người La Hủ mới biết đến “mâm cơm gia đình”, biết đến lễ hội, nhu cầu giải trí, khả năng tiếp cận với thông tin, truyền thông, nâng cao đời sống văn hóa.

Chúng tôi mỗi khi tiếp cận với cộng đồng người La Hủ hầu như đều thất bại vì họ không nói, không hiểu tiếng phổ thông. Họ như những thành trì im lìm trước thời cuộc. Thế mới biết công sức của BĐBP xây dựng làng bản người La Hủ, kéo gần bà con hòa nhập với cộng đồng các dân tộc khác ở biên giới vất vả như thế nào. Trừ một vài cá nhân ưu tú, người La Hủ hiện nay vẫn là một dân tộc chênh vênh, tồn tại được đã là quý, chưa nói đến việc đào sâu, khơi nguồn văn hóa đã mất từ lâu.

Khi các cộng đồng dân tộc thiểu số ở thế yếu đang dần hồi phục như La Hủ, rất cần những phương án kiên trì, thận trọng./.

Thúy Hằng

Nguồn: Báo Biên Phòng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT