Hoạt động của ngành

Lâm Bình (Tuyên Quang) giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Tày

Cập nhật: 05/07/2019 10:53:49
Số lần đọc: 1098
Huyện Lâm Bình có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Tày chiếm 60% dân số. Cùng với các dân tộc anh em khác, đồng bào Tày đã tích cực giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua sinh hoạt các câu lạc bộ, gìn giữ nghề truyền thống...


Nghề dệt của dân tộc Tày huyện Lâm Bình vẫn được gìn giữ

Nói đến dân tộc Tày, ai cũng nhắc ngay đến hát Then, đàn Tính, bởi đó là “hồn cốt” của người Tày. Chính vì vậy, những năm qua, các tổ, đội văn nghệ, CLB hát Then, đàn Tính ở các địa phương của huyện rất phát triển. Đến nay, toàn huyện đã thành lập và duy trì được 5 CLB hát Then; 3 đội văn nghệ homestay phục vụ khách du lịch; gần 100 đội văn nghệ ở các thôn, bản, trường học. Nhờ vậy, hát Then, đàn Tính ngày càng được nhiều người dân ở mọi lứa tuổi tham gia tập luyện, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày trên địa bàn.

Chị Ma Thị Soa, Chủ nhiệm CLB hát Then, đàn Tính thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can chia sẻ, hiện nay, trên địa bàn xã có 3 câu lạc bộ (CLB) hát Then, đàn Tính với sự tham gia của trên 40 thành viên. Từ khi CLB hát Then, đàn Tính của thôn được thành lập đã vận động được những người cao tuổi, người trung niên, thanh niên trên địa bàn tham gia tập luyện. CLB sinh hoạt 1 buổi/tuần và thường xuyên phục vụ khách du lịch khi đến tham quan. Với mục đích duy trì, bảo tồn những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc của địa phương, CLB chính là cầu nối mang hát Then, đàn Tính đến với đông đảo tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, việc gìn giữ trang phục truyền thống luôn được đồng bào Tày trên địa bàn huyện quan tâm. Nghề dệt vải của người dân tộc Tày đã được hình thành từ rất lâu và được truyền lại qua nhiều thế hệ. Những người phụ nữ Tày nơi đây đến tuổi trưởng thành ai cũng biết se lanh thành sợi để dệt vải, phục vụ cho cuộc sống hằng ngày. Tự hào với trang phục truyền thống của mình nên đi bất cứ đâu, làm việc gì, đặc biệt là trong dịp lễ, Tết, đám cưới người phụ nữ Tày vẫn trưng diện những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất. Chị Ma Thị Chấp, thôn Nà Trang, xã Khuôn Hà cho biết, trang phục truyền thống của người Tày khá đơn giản. Đó là những tấm vải thô nhuộm chàm đen bóng rồi cắt may thành quần áo, không thêu thùa nhiều hoa văn, ngoài viền áo màu đỏ và đôi đai xanh, tím được thắt ở lưng. Hiện nay, khi kinh tế đã dần ổn định, bà con ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc may trang phục truyền thống để mặc trong những dịp lễ hội.

Ngày nay, những nếp nhà sàn của đồng bào Tày đang được bà con gìn giữ và phát triển với hình thức du lịch homestay, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và trải nghiệm. Từ đó, tạo nên nét độc đáo trong phát triển du lịch ở địa phương. Anh Nguyễn Viết Lương, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, một khách du lịch bày tỏ, anh rất ấn tượng khi đến tham quan du lịch tại huyện. Ngoài được trải nghiệm cảnh đẹp thiên nhiên, đi du lịch lòng hồ thủy điện, anh còn rất ấn tượng khi được ở homestay, nhất là được xem đội văn nghệ biểu diễn hát Then, đánh đàn Tính. Đây là những nét riêng, rất đặc trưng và ấn tượng, nhất định lần sau anh sẽ rủ bạn bè cùng lên đây du lịch.

Với những nét riêng, độc đáo, đặc biệt là ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng bào Tày nơi đây đã góp phần tạo nên bức tranh đa sắc màu của các dân tộc trên địa bàn huyện. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục