Tin tức - Sự kiện

Lan tỏa giá trị quý giá của Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và Nghệ thuật Xòe Thái thúc đẩy phát triển du lịch

Cập nhật: 02/12/2023 10:59:20
Số lần đọc: 304
(TITC) - Chiều ngày 01/12, tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tổ chức lễ khai mạc “Chương trình giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát biểu khai mạc. Ảnh: TITC

Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có sự hiện diện của ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa; ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; ông Phan Thanh Nam - Phó Tổng biên tập Báo Văn hóa; lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Về phía các địa phương có ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội; bà Vũ Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ; ông Nguyễn Lê Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái; ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám; ông Bùi Văn Dũng - Phó Chủ tịch thường trực Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam.

Lễ khai mạc cũng có sự tham dự của GS.TS Bùi Quang Thanh, Ủy viên Hội đồng khoa học, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, cùng nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế trong các lĩnh vực văn hóa, di sản, bảo tàng, giáo dục, du lịch, các doanh nghiệp lữ hành. Đặc biệt, chương trình có sự xuất hiện của Đoàn nghệ nhân dân gian người Thái đến từ thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái và Đoàn nghệ nhân dân gian người Bana đến từ huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.

Chương trình giới thiệu và trưng bày 02 di sản văn hóa phi vật thể là Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và Nghệ thuật Xòe Thái. Qua đó, truyền tải tới công chúng câu chuyện về hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận hiện nay đang được cộng đồng thực hành ra sao ở địa phương và mong muốn bảo tồn, phát huy các giá trị di sản như thế nào thông qua tiếng nói của chính những nghệ nhân đang thực hành di sản.

Đồng thời, chương trình mong muốn truyền tải thông điệp tới các du khách: Hãy cùng “Lên Tây Bắc - Về Tây Nguyên, cùng cộng đồng đưa di sản đến với du lịch”, mỗi du khách đến đây gặp gỡ các cộng đồng trực tiếp giao lưu và nghe chia sẻ từ cộng đồng sẽ thêm hiểu, yêu mến và trân quý các di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ và chung tay cùng cộng đồng phát huy giá trị di sản văn hoá của Việt Nam.

Đoàn nghệ nhân dân gian người Bana đến từ huyện Kbang, tỉnh Gia Lai biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: TITC

Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc cho biết, Du lịch văn hóa được xác định là một trong những dòng sản phẩm chủ đạo trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” và là một thành phần quan trọng trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong ba năm 2019, 2020, 2022, Việt Nam đã vinh dự được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) trao tặng danh hiệu “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” cho thấy những giá trị nổi bật toàn cầu và sức hấp dẫn của di sản văn hóa Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc khẳng định chương trình trưng bày là hoạt động có ý nghĩa thiết thực đẩy mạnh quảng bá các giá trị độc đáo của di sản góp phần phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: TITC

“Chương trình trưng bày là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm đẩy mạnh quảng bá các giá trị độc đáo của di sản góp phần phát triển du lịch các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thông qua chương trình này, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam mong muốn các địa phương, điểm đến, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch cùng cộng đồng sẽ tiếp tục chung tay đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, tăng cường thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm các giá trị quý giá của di sản văn hóa đất nước ta”, Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh.

Đoàn nghệ nhân dân gian người Thái đến từ thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái biểu diễn Nghệ thuật Xòe Thái. Ảnh: TITC

Theo ông Hoàng Quốc Hòa, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) - đơn vị được giao chủ trì tổ chức chương trình cho biết: “Để tổ chức chương trình này, chúng tôi đã có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị liên quan, nhất là các chuyên gia, nghệ nhân đến từ các lĩnh vực văn hóa, di sản, giáo dục, du lịch… với mong muốn truyền tải một cách tốt nhất những giá trị nổi bật của Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và Nghệ thuật Xòe Thái đến với công chúng. Nhân dịp này Trung tâm Thông tin du lịch cũng xây dựng và cho ra mắt các video clip quảng bá về các di sản này với mong muốn góp phần đưa di sản đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước”.

Chia sẻ tại chương trình, theo GS.TS Bùi Quang Thanh, Ủy viên Hội đồng khoa học, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, khi đến với vùng đất Tây Nguyên, hai di sản có giá trị nhất là sử thi và cồng chiêng. Khi đến với Tây Nguyên, ngoài phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, điều để lại những ấn tượng nhất với du khách đó chính là cồng chiêng Tây Nguyên. Âm vang này để lại những dư âm rất sâu sắc. Về Xoè Thái, điệu múa này thường xuất hiện trong các nghi lễ quan trọng của người Thái, trở thành linh hồn trong giá trị văn hoá của dân tộc Thái. Người Thái đã sáng tạo ra nhiều điệu múa xoè vô cùng sinh động, chứa đựng nhiều biểu tượng ý nghĩa, sâu sắc.

GS.TS Bùi Quang Thanh đánh giá cao ý nghĩa nhân văn của chương trình trưng bày di sản. Ảnh: TITC

Đánh giá cao ý nghĩa nhân văn của chương trình trưng bày, GS.TS Bùi Quang Thanh mong rằng sẽ có nhiều chương trình như vậy để lan toả rộng rãi hơn nữa những giá trị văn hoá phi vật thể đến nhân dân, du khách và đặc biệt là thế hệ trẻ, góp phần vào hoạt động bảo tồn các giá trị văn hoá quý giá của dân tộc.

Vui mừng khi lần đầu tiên được mang văn hoá truyền thống của dân tộc đến với Thủ đô, đại diện Đoàn nghệ nhân dân gian người Thái đến từ thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cho biết, “Chúng tôi đã được học múa xoè từ khi còn bé, dưới sự hướng dẫn, dìu dắt của các thế hệ đi trước, chúng tôi ngày càng trưởng thành và múa hát nhuần nhuyễn hơn, tạo lập câu lạc bộ để quảng bá nét đẹp văn hoá này. Chúng tôi mong muốn Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ ngày càng quan tâm sâu hơn về nét đẹp văn hoá múa xoè, qua đó thúc đẩy quảng bá rộng rãi hơn nữa”.

Đồng tình với ý kiến trên, nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng dân tộc Ba Na cho biết, “Mỗi lần chúng tôi biểu diễn, nghe tiếng cồng chiêng da diết, sôi nổi, hào hùng vang lên lại thấy rất tự hào. Việc biểu diễn cồng chiêng đã trở thành đam mê nhiệt huyết trong mỗi chúng tôi. Đến với Thủ đô lần này, chúng tôi mong muốn các cấp lãnh đạo sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa để truyền đạt giá trị văn hoá quý giá này cho các thế hệ mai sau”.

Các nghệ nhân dân gian - những người trực tiếp thực hành di sản, mong muốn di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và Nghệ thuật Xòe Thái được bảo tồn, phát huy và truyền đạt lại đến các thế hệ mai sau. Ảnh: TITC

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu tham dự đã xem những thước phim đặc sắc về hai di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và Nghệ thuật Xòe Thái. Đặc biệt là tận mắt chiêm ngưỡng những màn biểu diễn độc đáo của đoàn nghệ nhân dân gian người Thái đến từ thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái và đoàn nghệ nhân dân gian người Bana đến từ huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.

Tại không gian trưng bày, các đại biểu đã nghe TS. An Thu Trà, giám tuyển trưng bày, giới thiệu về các hiện vật di sản, các câu chuyện về nỗ lực bảo tồn di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và Nghệ thuật Xòe Thái. Các đại biểu cũng đã có các hoạt động giao lưu sôi nổi với các nghệ nhân, trải nghiệm ẩm thực đặc sắc của địa phương…

Tại không gian trưng bày, các đại biểu đã nghe giới thiệu về các hiện vật di sản, các câu chuyện về nỗ lực bảo tồn di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và Nghệ thuật Xòe Thái. Ảnh: TITC

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 02/12/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT