Tin tức - Sự kiện

Thưởng thức văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên qua video clip “Tây Nguyên - Thanh âm đại ngàn”

Cập nhật: 14/12/2023 14:16:12
Số lần đọc: 943
(TITC) - Nằm trong Chương trình trưng bày Di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đã ra mắt video clip “Tây Nguyên - Thanh âm đại ngàn” với chủ đề chính là Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO ghi danh.

Video clip “Tây Nguyên - Thanh âm đại ngàn” nhằm quảng bá hình ảnh vùng đất Tây Nguyên huyền thoại, nổi bật lên là vẻ đẹp hài hòa giữa thiên nhiên và con người với điểm nhấn chính là Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - Kiệt tác di sản văn hóa nơi hồn thiêng đại ngàn.

Khám phá Tây Nguyên qua “màn ảnh nhỏ” là hành trình rong ruổi chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn cảnh sắc 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Từ những khu du lịch sinh thái, vườn quốc gia rộng lớn đến mênh mông biển nước in bóng mây trời, những dãy núi bao la kỳ vĩ phủ màu xanh mướt của cây cỏ, những thác nước sừng sững giữa rừng già xanh thẳm… Hình ảnh thiên nhiên nơi cao nguyên hiện lên vừa hoang sơ, huyền bí mà cũng vừa tráng lệ, lãng mạn.

Sắc xanh của núi rừng phủ kín cao nguyên

Vùng đất thiêng nơi đại ngàn không chỉ sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên trù phú, mà nét đặc sắc trong văn hóa bản địa của của đồng bào các dân tộc Bana, Giarai, Êđê, Xơđăng, Mnông, Cơho… cũng chính là yếu tố đưa du khách đến gần hơn với cộng đồng. Những công trình kiến trúc đặc trưng nổi bật, phong tục tập quán địa phương độc đáo, nền ẩm thực mang âm hưởng núi rừng, và đặc biệt là âm nhạc dân gian truyền thống thể hiện qua Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã tạo nên sự hòa hợp, gắn kết thiêng liêng giữa mỗi con người nơi đây, gìn giữ hồn cốt và bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc.

Vẻ đẹp mơ màng tựa thiên đường của những thác nước giữa thiên nhiên ngoạn mục

Hiện lên trước mắt du khách là một xứ sở “màu xanh”, đó là sắc xanh của những cánh rừng già, của cỏ cây, của trời mây, non nước hòa quyện với màu của đất đai màu mỡ, điểm xuyết là hình ảnh làng bản, con người nhỏ bé. Ẩn mình giữa thiên nhiên hùng vĩ là những thác nước ngoạn mục đẹp ngỡ ngàng tựa chốn bồng lai tiên cảnh. Dòng nước đổ trắng xóa như làn tóc bồng bềnh của “nàng thơ” nơi rừng già, tiếng suối chảy róc rách hòa cùng tiếng chim líu lo trong trẻo đã tạo nên một bản tình ca của núi rừng đầy lãng mạn, thơ mộng.

Những cung ruộng nổi bật điểm xuyết giữa núi rừng Tây Nguyên kỳ vĩ

Không quá lời khi nói mảnh đất Tây Nguyên chan hòa hội tụ đầy đủ sắc màu thiên nhiên khi không chỉ nổi bật bởi những cánh rừng nguyên sinh phủ khắp các sườn đồi, mà nơi đây còn sở hữu những cung ruộng bậc thang trải dài ngút ngàn. Không rộng lớn như Tây Bắc, thế nhưng những thửa ruộng ở Tây Nguyên vẫn quyến rũ du khách bởi nét đẹp có phần hoang dã lạ kỳ, những vạt ruộng trùng điệp uốn lượn uyển chuyển theo địa hình núi đồi, len lỏi qua thung lũng. Sự chuyển mình nhịp nhàng theo mùa của những cánh đồng, sắc xanh sắc vàng lung linh dưới nền trời tươi sáng như tô điểm cho bức tranh thiên nhiên rực rỡ mà ở đó mỗi người người nông dân là một nghệ sĩ tạo nên từng đường nét, nét vẽ uyển chuyển, mượt mà.

Nhà rông Tây Nguyên - Nơi lưu giữ nét đẹp cùng hơi thở văn hóa cộng đồng làng bản

Nét đẹp huyền ảo, linh thiêng của nơi cao nguyên miền Trung còn đặc biệt hiện hữu qua bề dày lịch sử, những công trình kiến trúc cổ kính, những nếp nhà truyền thống và hơn hết là dấu ấn văn hóa đặc trưng khác biệt. Vùng đất đại ngàn là vùng đất gắn liền với nắng và gió, với hình ảnh những mái nhà rông rất đỗi quen thuộc, gần gũi. Nhà rông ở Tây Nguyên được biết đến là nhà cộng đồng, là nơi sinh hoạt chung của người dân bản địa. Mỗi “ngôi nhà chung” ở mỗi địa phương, mỗi dân tộc đều mang ý nghĩa biểu trưng cho văn hóa cộng đồng, là sợi dây kết nối tâm linh và truyền tải những nét đẹp làng bản, những giá trị văn hóa truyền thống đến với mỗi thế hệ.

Âm nhạc cồng chiêng - Sợi dây kết nối lịch sử, tâm linh, gắn kết con người

Bên cạnh bản sắc dân tộc độc đáo thể hiện qua phong tục tập quán, nếp sinh hoạt thường ngày, trang phục truyền thống hay lễ hội dân gian, điều làm nên nét riêng có và nổi bật nhất của Tây Nguyên huyền thoại có lẽ chính là văn hóa cồng chiêng đã đi vào đời sống sinh hoạt thường nhật, thổi hồn vào cuộc sống làng bản, trở thành biểu tượng văn hóa  thiêng liêng, áng sử thi hùng tráng, là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc nơi đây. Là nhạc cụ mang sức mạnh linh thiêng, mang hơi thở của núi rừng, cồng chiêng Tây Nguyên thường được sử dụng trong những nghi lễ quan trọng, trong sinh hoạt văn hóa gia đình, cộng đồng. Tiếng cồng chiêng trầm hùng, bay bổng, vang vọng khắp đất trời như để gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của con người đến với thần linh, đến với vùng đất thiêng nơi đại ngàn. 

Đặc biệt, năm 2005, UNESCO ghi danh Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Năm 2008, di sản này được chuyển sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Qua đó đánh dấu bước ngoặt mới, sự chuyển mình mạnh mẽ, và hơn hết là khẳng định những giá trị văn hóa đặc trưng cốt lõi của một loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu ở Việt Nam.

Những nguyên liệu mộc mạc, độc đáo của núi rừng thổi hồn vào văn hóa ẩm thực Tây Nguyên

Nếu như nói âm nhạc là “món ăn tinh thần” không thể thiếu đối với người dân Tây Nguyên, thì ẩm thực chính là hồn cốt, là linh hồn trong văn hóa nơi cao nguyên đại ngàn. Mỗi nguyên liệu, cách chế biến, cách trang trí và cả hương vị của món ăn nơi đây đều mang theo âm hưởng, hương vị đặc trưng của núi rừng. Thưởng thức một bữa cơm của đồng bào các dân tộc, du khách sẽ không khỏi bất ngờ với những loại cây rau rừng, gia vị đặc biệt, tên gọi của mỗi món ăn, hay hương vị có phần lạ miệng, thế nhưng để lại những ấn tượng đặc biệt, khiến thực khách lưu luyến nhớ mãi không quên. Đó là gỏi lá Kon Tum với hương vị thanh mát của cây lá hòa quyện với vị ngọt béo của thịt cùng hương thơm nồng của gia vị, là thương hiệu phở khô ngon nức tiếng của Gia Lai, là gà nướng Bản Đôn (Đắk Lắk) chắc thịt thơm lừng ăn cùng cơm lam mềm dẻo, lẩu cá lăng sông Sêrêpôk (Đắk Nông) đầy ấn tượng, hay bánh ướt lòng gà nhâm nhi trong tiết trời se lạnh của Đà Lạt (Lâm Đồng) …

Trong thời lượng hơn 3 phút, video clip “Tây Nguyên - Thanh âm đại ngàn” đã mang đến cho du khách những thước phim chân thật cùng cảm xúc trọn vẹn về một miền đất nơi cao nguyên vừa huyền bí vừa lãng mạn. Ẩn chứa trong đó là những giá trị về tinh hoa văn hóa làng bản thể hiện qua Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - biểu tượng thiêng liêng của cộng đồng, là nhân tố gắn kết quá khứ, hiện tại và tương lai, đồng thời cũng thể hiện sự kết nối mạnh mẽ giữa mỗi thế hệ, mỗi địa phương, mỗi dân tộc.

Cùng khám phá thiên nhiên, văn hóa và con người Tây Nguyên qua video clip “Tây Nguyên - Thanh âm đại ngàn”:

Cồng chiêng hiện hữu trong những nghi lễ quan trọng của cộng dồng

Dệt thổ cẩm - Nét đẹp văn hóa mang màu sắc Tây Nguyên

Tây Nguyên - Xứ sở cà phê

Bức tranh thiên nhiên rực rỡ tráng lệ

Làn nước xanh trong tựa “đôi mắt biếc”

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 14/12/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT