Non nước Việt Nam

Làng gốm Bát Tràng thời chuyển đổi số

Cập nhật: 16/02/2024 10:57:13
Số lần đọc: 834
Là làng gốm lớn và nổi tiếng bậc nhất Việt Nam, Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) được biết đến với đa dạng các sản phẩm từ đồ dùng gia dụng, đồ chơi đến cả các loại gốm trang trí và đồ thờ... Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, đây là địa chỉ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước tham quan, mua sắm.


Điểm du lịch hấp dẫn dịp Tết của Thủ đô

Tết đến Xuân về cũng là thời điểm làng gốm Bát Tràng vào vụ

Nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm, Bát Tràng là làng gốm lâu đời và nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Khu làng cổ Bát Tràng rộng 5,2ha có hàng trăm năm tuổi với 23 nhà cổ, 16 nhà thờ họ được xây dựng bằng gạch Bát Tràng cổ. Bát Tràng cũng được biết đến là vùng địa linh, có 9 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc có giá trị như: Chùa Tiêu Giao, đình Giang Cao, miếu Bản, đình Bát Tràng, đền Mẫu, chùa Kim Trúc, văn chỉ Bát Tràng.

Hiện nay, xã Bát Tràng có hơn 11 thôn với trên 8.500 nhân khẩu và hơn 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ; Có hệ thống cửa hàng, cửa hiệu dọc theo tuyến đường từ làng Giang Cao đến làng Bát Tràng giới thiệu và bán các sản phẩm gốm sứ đẹp, phong phú, đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khách tham quan, mua sắm; Tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài địa phương.

Tại đây, xuất hiện nhiều kiểu lò nung khác nhau như: Lò ếch, lò đàn, lò bầu, lò hộp, lò ga… Trong đó lò bầu là loại lò có kích thước to nhất, cũng là loại lò có thể đạt tới nhiệt độ nung cao nhất. Sản phẩm làm ra cũng phong phú cả về chủng loại và kiểu dáng. Những năm gần đây, làng nghề Bát Tràng đã không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất, mẫu mã sản phẩm. Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được nhiều quốc gia quan tâm, ưa chuộng và có mặt ở các thị trường lớn trên thế giới như: Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Italia…

Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm đại trà, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi đã phục chế những tác phẩm gốm sứ cổ được sử dụng trong thời kỳ phong kiến như gốm sứ đời Lý, đời Trần, đời Mạc…; Khôi phục và chế tác thành công nhiều công thức men đặc sắc.

Phát triển du lịch cộng đồng là một trong những cách đưa Bát Tràng trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô. Mỗi năm Bát Tràng đón trên 20 vạn lượt khách nội địa và quốc tế, trong đó khách quốc tế chiếm hơn 20%. Hiện Bát Tràng đang triển khai thực hiện Đề án và Quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch tỷ lệ 1/500, theo đó sẽ có các công trình như: Trung tâm thương mại gốm sứ Bát Tràng, khu bảo tàng gốm sứ, khách sạn ven sông Bắc Hưng Hải... Đây là "cái lõi" phát triển du lịch để qua đó thực hiện công tác bảo tồn cũng như nâng tầm giá trị của nghề gốm sứ truyền thống, đưa Bát Tràng trở thành điểm du lịch quốc tế.

Song song với đó, Bát Tràng đã và đang phát triển du lịch thông minh trên nền tảng áp dụng công nghệ 4.0. Du khách có thể tìm hiểu thông tin về làng nghề, hệ thống di tích, điểm mua sắm đạt chuẩn, tour tuyến tham quan... thông qua việc quét mã QR code; Sử dụng ứng dụng thuyết minh tự động bằng nhiều thứ tiếng; Truy cập hệ thống wifi miễn phí...

Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội chia sẻ: Việc triển khai chuyển đổi số đang tạo ra những thay đổi cụ thể cho du lịch làng nghề Bát Tràng. Bên cạnh đó, Bát Tràng cũng được biết đến là một trong những làng nghề đầu tiên trên địa bàn Hà Nội ứng dụng công nghệ số để phát triển "du lịch thông minh". Đến nay, UBND xã Bát Tràng cũng đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên số, bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch, dịch vụ, thương mại Bát Tràng dưới dạng phim 3D, băng âm thanh, hình ảnh, văn bản; Phần mềm du lịch thông minh ứng dụng trên thiết bị thông minh; Lắp đặt wifi miễn phí... Trung bình mỗi ngày, Bát Tràng đón từ 3.000 đến 5.000 lượt khách.

Đưa sản phẩm đến với khách phương xa nhờ công nghệ số

Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được du khách nhiều quốc gia quan tâm, ưa chuộng

Tết đến Xuân về cũng là thời điểm làng gốm Bát Tràng vào vụ. Nhưng đến Bát Tràng bây giờ chủ yếu là khách du lịch, người tham quan, đi chơi thong dong ngắm cảnh chứ khách tới mua hàng, lỉnh kỉnh thùng nọ, hộp kia như mọi năm thì ít lắm. Không còn cảnh nhộn nhịp mua sắm như những năm trước nhưng không có nghĩa là các nhà lò tắt lửa. Nắm bắt công nghệ số, ứng dụng vào việc sản xuất cũng như giới thiệu sản phẩm, Bát Tràng đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ để những sản phẩm làng nghề truyền thống vươn xa tới những khách hàng ở khắp năm châu.

“Ngoài bí quyết làm nghề ra thì việc khách hàng biết đến sản phẩm mình làm ra hay không đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo của người bán hàng mà ở đây chính là việc áp dụng công nghệ số. Mỗi cơ sở sản xuất đều có một mặt hàng chủ đạo, song quyết định thành công hay không lại chính là việc biết sử dụng thành thạo các nền tảng số”, chị Nguyễn Thị Thanh Thương – nghệ nhân làm gốm cho biết.

Theo nghề gia truyền đã hơn 10 năm nay nhưng việc kinh doanh của chị Thương vẫn chủ yếu là dựa trên cơ sở các mối hàng buôn sẵn có của gia đình. Việc mở rộng thị trường bán hàng, theo lời chị Thương cũng có song không nhiều, nhất là thời điểm xảy ra dịch Covid-19 thì tình hình buôn bán càng ế ẩm. Thế nhưng từ khi áp dụng công nghệ số, vận dụng nền tảng số thì việc sản xuất, kinh doanh của gia đình chị Thương có nhiều khởi sắc.

Nghệ nhân Vũ Như Quỳnh chia sẻ: Cơ sở tôi sản xuất hàng gốm tâm linh, hoa văn đắp nổi 3D đòi hỏi kỹ thuật đắp phải tỉ mỉ, khéo léo vừa mang tính thẩm mỹ cao song quan trọng là khi giới thiệu với khách hàng phải biết vận dụng văn hoá và các điển tích vào từng sản phẩm để mỗi sản phẩm mang trên mình một câu chuyện, lôi cuốn, hấp dẫn người xem.

“Từ khi áp dụng nền tảng số vào việc giới thiệu sản phẩm, có những khách ở tận Cà Mau, thậm chí ở nước ngoài cũng biết đến sản phẩm của cửa hàng chúng tôi. Việc mua bán bây giờ chủ yếu qua mạng xã hội, khách hàng không nhất thiết phải được sờ tận tay sản phẩm nhưng mình phải đưa đến cho khách hàng hình ảnh sắc nét và chân thực. Muốn đưa sản phẩm của mình lên trang điện tử rất cần kỹ thuật nhưng phải xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm và mỗi loại mẫu mã lại gắn với một câu chuyện, đó chính là hồn cốt của sản phẩm. Một khi câu chuyện chạm đến trái tim khách hàng thì việc đưa sản phẩm đến tay khách hàng chỉ còn là vấn đề thời gian. Chi phí các khâu trung gian cũng rẻ hơn nhiều”, nghệ nhân Vũ Như Quỳnh tâm sự.

Theo chị Quỳnh, bán hàng áp dụng công nghệ số vừa thuận lợi, chi phí trung gian thấp mà sức lan tỏa lại rộng khắp. Thế nên mặc dù năm nay kinh tế khó khăn nhưng từ khi áp dụng công nghệ số, nền tảng số vào việc sản xuất, bán hàng thì các sản phẩm của gốm Bát Tràng vẫn bán được trên thị trường trong và ngoài nước.

Có được vị thế như hiện nay không chỉ nhờ sự quan tâm của thành phố và chính quyền địa phương mà còn bởi sự vào cuộc của cộng đồng dân cư, những người đã và đang gìn giữ "ngọn lửa" truyền thống của làng nghề. Đó là những yếu tố góp phần làm cho du lịch Bát Tràng ngày càng bay cao, bay xa và trở thành điểm du lịch của thành phố cũng như quốc tế trong tương lai.

Lam Trinh

Nguồn: TCĐT Môi trường và Cuộc sống - moitruong.net.vn - Đăng ngày 15/02/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT