Hành trang lữ khách

Nét đẹp nhà cổ Bình Dương

Cập nhật: 30/09/2020 08:59:18
Số lần đọc: 739
Cách TP Hồ Chí Minh không xa, TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) từ lâu nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Trong đó, cụm nhà cổ họ Trần tại phường Phú Cường đã tạo ấn tượng khó quên đối với du khách khi được đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử hình thành cũng như nghệ thuật kiến trúc.


Du khách tham quan nhà cổ ông Trần Văn Hổ, phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một.

Nằm ngay bờ sông Sài Gòn là nhà cổ ông Trần Văn Hổ (số 18 đường Bạch Đằng, phường Phú Cường) được xây dựng trong giai đoạn năm 1890-1893. Đây là ngôi nhà có kiến trúc nghệ thuật trang trí vừa cổ kính, trang nghiêm, vừa ấm cúng, thanh tao. Là người phụ trách trông coi ngôi nhà, ông Mai Văn Tới tâm đắc: “Điều đặc biệt của ngôi nhà là không gian bên trong luôn tạo ấn tượng với mọi người từ cách bài trí vật dụng đến trang trí hoa văn, bức liễn, câu đối. Qua đó, phản ánh được một phần về nếp sống sinh hoạt của người Bình Dương trước đây”. Còn ngôi nhà cổ ông Trần Công Vàng (số 21 đường Ngô Tùng Châu, phường Phú Cường) cũng hơn 130 năm tuổi. Giới thiệu với chúng tôi về ngôi nhà, bà Trần Thị Ánh Tuyết (con gái của ông Trần Công Vàng) cho biết, bà là đời thứ năm tiếp quản, giữ gìn ngôi nhà do tổ tiên để lại. Nét độc đáo của ngôi nhà chính là khung cột gỗ, xà, kèo... được lắp ráp, kết dính bằng hệ thống mộng gỗ. Điều này đã minh chứng rõ nét về trình độ kỹ thuật cao của các nghệ nhân của vùng đất Bình Dương xưa.

Ngoài vẻ đẹp của mái ngói, lối kiến trúc tổng thể độc đáo, điều hấp dẫn, thu hút du khách còn là những đường nét nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ, nét văn hóa bài trí, vật dụng bên trong các ngôi nhà được lưu giữ gần như nguyên trạng dù đã trải qua hơn một thế kỷ. Theo các nhà nghiên cứu, giá trị của ngôi nhà cổ ở Bình Dương đã thể hiện qua các tác phẩm điêu khắc, chạm trổ trên gỗ mộc, sơn son thếp vàng, cẩn ốc, khảm trai, sơn mài... đặc trưng của vùng đất Nam bộ, nhất là ở gian chánh điện (gian thờ). Qua đó, tạo cho ngôi nhà một sự cổ kính, yên tĩnh tách biệt hẳn với không gian sôi động bên ngoài.

Bình Dương hiện có 4 ngôi nhà cổ được xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật. Trong đó, năm 1993, Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia nhà cổ ông Trần Công Vàng và nhà cổ ông Trần Văn Hổ. Hai di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh là nhà cổ ông Nguyễn Tri Quan (TP Thủ Dầu Một) và nhà cổ Đỗ Cao Thứa (thị xã Tân Uyên). 

Để phát huy giá trị di tích các nhà cổ, trong thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương thường xuyên thực hiện công tác trùng tu, sửa chữa và bảo vệ di tích. Hằng năm, di tích nhà cổ đón nhiều đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về kiến trúc gỗ, đặc biệt là sinh viên ngành kiến trúc, xây dựng ở các trường đại học, cao đẳng. Tỉnh cũng thực hiện nhiều đề án, quy hoạch theo hướng chú trọng kết hợp giữa phát triển du lịch gắn với khai thác hiệu quả các di tích lịch sử, di sản văn hóa, kiến trúc... Với vị trí gần tuyến du lịch đường sông, cụm nhà cổ ở Bình Dương hứa hẹn trở thành điểm đến khám phá, tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm độc đáo. Vừa qua, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương đưa vào khai thác tuyến du lịch đường sông đi lại giữa hai địa phương. Trong đó, di tích nhà cổ tại TP Thủ Dầu Một kết nối với các địa điểm khác như: Chợ Thủ Dầu Một, chùa Bà Thiên Hậu, chùa Hội Khánh... tạo thành cụm điểm đến thú vị, ấn tượng cho du khách trong hành trình của tour dọc theo sông Sài Gòn.

Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân

Cùng chuyên mục