Non nước Việt Nam

Nghi lễ cắt tóc và đặt tên con của người Chăm Islam

Cập nhật: 23/11/2022 09:12:16
Số lần đọc: 523
Nghi lễ cắt tóc và đặt tên cho con của cộng đồng người Chăm Islam là một trong những nghi lễ quan trọng trong cuộc đời mỗi đứa trẻ, được đồng bào lưu truyền và gìn giữ qua nhiều năm. Nghi lễ này đánh dấu bước chuyển tiếp của đứa trẻ và xác nhận sự gia nhập tôn giáo đối với một thành viên mới trong cộng đồng.

Nghi lễ cắt tóc và đặt tên cho trẻ của người Chăm Islam.

Trong khuôn khổ Tuần Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam, nghi lễ này đã được các nghệ nhân, đồng bào Chăm Islam tỉnh An Giang tái hiện, nhằm mang đến cho người xem, khách tham quan những trải nghiệm thú vị về văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Các vị khách chúc phúc cho đứa trẻ.

Cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi ở Việt Nam thường được gọi là đồng bào dân tộc Chăm Islam, sinh sống tập trung chủ yếu ở các tỉnh như An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh… Qua nhiều biến thiên của lịch sử, cộng đồng người Chăm Islam vẫn gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ những bản sắc văn hóa, tôn giáo cũng như những nguyên tắc giáo lý của tôn giáo mình. Trong đó có nghi lễ cắt tóc và đặt tên cho con, một trong những nghi lễ đặc trưng nhất của đồng bào.

Theo một nghệ nhân tham gia chương trình, mỗi đứa trẻ sinh ra đều phải thực hiện nghi lễ này. Người Chăm Islam lấy tên của 25 vị thánh để đặt tên và tên thánh này sẽ theo đứa trẻ đến suốt đời, không được thay đổi, nếu thay đổi phải sửa soạn lễ vật tương đương như lúc đặt tên ban đầu.

Mọi người cầu nguyện cho đứa trẻ.

Trước khi đặt tên cho con, người Chăm Islam lựa chọn tên, theo giới tính của trẻ, hoàn cảnh gia đình, cũng như dòng họ và ước vọng của cha mẹ. Bởi vì nghi lễ đặt tên cho một đứa trẻ vừa chào đời, không chỉ là một nghi thức đánh dấu bước chuyển tiếp của đứa trẻ đó, mà còn là sự gia nhập tôn giáo của một thành viên mới trong cộng đồng người Chăm Islam, với tên mới được đặt theo tiếng Arab và được xác nhận như một tín đồ Hồi giáo.

Thông thường, khi đứa trẻ được sinh ra trong khoảng từ 7 đến 40 ngày, gia đình người Chăm Islam sẽ làm Lễ cắt tóc và đặt tên cho con. Tùy vào hoàn cảnh gia đình mà nghi lễ này được tiến hành sớm hay muộn, nhưng không quá 3 tuổi. Lễ vật có thể là gà, bò, dê, cừu. Theo quan niệm của đồng bào Chăm Islam, thường lễ là 1 con gà, bò, nếu chủ gia chọn lễ vật là dê, cừu thì phải 2 con đối với bé trai, 1 con đối với bé gái. Lý giải về điều này, là do 1 con bò sẽ có 7 phần, còn dê, cừu chỉ có 3 phần.

Một số loại bánh đặc trưng của người Chăm Islam.

Khi đứa trẻ được sinh ra, cha mẹ sẽ chọn ngày để tiến hành nghi lễ cắt tóc và đặt tên cho con mình. Thời gian thường từ 9 giờ hoặc 13 giờ trưa tùy theo chủ nhà lựa chọn. Gia chủ sẽ mời những vị Giáo cả (Hakim), chức sắc, chức việc trong làng và dòng họ, xóm làng đến tham dự và chứng kiến lễ cắt tóc và đặt tên cho con của mình. Các vị khách mời khi đến sẽ tặng cho đứa trẻ những món quà nhỏ như áo quần, tiền lì xì, xà phòng,…

Đứa trẻ được thay quần áo mới. Người bà trong gia đình chuẩn bị khăn, dầu thơm và cây kéo để trên một chiếc mâm nhỏ để thực hiện nghi lễ. Khi khâu chuẩn bị xong xuôi, các vị Giáo cả, chức sắc và những người đàn ông, chỉnh tề trang phục và ngồi ngay ngắn để chuẩn bị làm lễ. Gia chủ bế đứa trẻ và cùng một thanh niên khác bưng chiếc mâm gồm cây kéo và chai dầu thơm, bưng ra đặt trước mặt các vị giáo cả, chức sắc.

Vị Giáo cả sẽ thì thầm đọc kinh cầu nguyện, hỏi tên và công bố tên đứa trẻ cho tất cả mọi người có mặt tại buổi lễ, rồi nhúng lông gà vào lọ nước thánh quệt lên trán đứa trẻ. Sau đó, vị Giáo cả dùng kéo cắt một đoạn tóc tượng trưng và xức dầu thơm lên đứa trẻ.

Sau đó, những người đàn ông đến dự lễ lần lượt lấy tay chạm vào đầu đứa trẻ với ý nghĩa tượng trưng. Mọi người cùng nhau cầu nguyện phúc lành, bình an và nhiều điều may mắn cho đứa trẻ. Cái tên được đặt sẽ gắn với đứa trẻ cả đời, không thay đổi.

Buổi lễ kết thúc, gia chủ mời khách một số món ăn.

Kết thúc buổi lễ, gia đình mời khách ăn một số món ăn đặc biệt của người Chăm Islam như như cà ri, súp…, các loại bánh như Ha paykarah (bánh 3 lỗ), Hachok (bánh gế), Hapùm (bánh bông lan), Hati (bánh ga ti), Cram (bánh kẹo đường)…

Các nghệ nhân tham gia thực hiện buổi lễ chụp ảnh lưu niệm.

Đối với đồng bào Chăm Islam, nghi lễ cắt tóc không chỉ có ý nghĩa về mặt tôn giáo, mà còn tượng trưng cho sự gắn kết tình cảm của cộng đồng, là cách mà cộng đồng “kết nạp” một thành viên mới, bảo vệ, che chở và song hành với đứa trẻ cho tới khi trưởng thành.

Tuyết Loan

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 22/11/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT