Non nước Việt Nam

Nghi lễ truyền thống của người Kơ Ho ở Cao nguyên Di Linh

Cập nhật: 19/04/2019 08:42:10
Số lần đọc: 1258
Khác so với một số tộc người trong nhóm như Kơ Ho - Nộp, Kơ Ho - Kơ Yòn và các dân tộc Mạ, M’Nông... ở dãy Trường Sơn Tây Nguyên chọn phương thức canh tác lúa rẫy, thì người Kơ Ho Sre ở Cao nguyên Di Linh lại có truyền thống sản xuất lúa nước là chính.


Tái hiện nghi thức Lễ Mừng lúa mới được tổ chức ngày 28/3/2019 tại xã Đinh Lạc (Di Linh). Ảnh: N.Brừm

Với quan niệm tín ngưỡng đa thần, người Kơ Ho xem vạn vật đều hữu linh. Xem các sông, nước, lửa, rừng núi... đều có thần và đặc biệt là thần lúa (Yàng kòi hay Ndu yàng kòi). “Người Kơ Ho tương truyền rằng, xưa kia với phép lạ của mình, ma quỷ lần lượt thắng tất cả các vị thần linh khác, nhưng chỉ chịu khuất phục trước thần lúa. Bởi ma quỷ không vào được tận bên trong hạt gạo như thần lúa”, ông K’Sép ở xã Bảo Thuận kể lại. 

Theo ông K’Brel - Nghệ nhân cồng chiêng bòn Kròt Dờng, xã Bảo Thuận, cho biết: “Trong một chu kỳ sản xuất nông nghiệp (lúa nước), người Kơ Ho Sre thường tổ chức các nghi lễ mang tính chất nông nghiệp theo vòng đời sinh trưởng của cây lúa. Theo đó, vào tháng tư hoặc tháng năm, họ tổ chức lễ cầu mưa để có đủ nguồn nước cho cây cối được sinh sôi nảy nở (mìu dum plai ai dà), việc cày cấy được thuận lợi. Đến khi gieo sạ, họ tổ chức nghi lễ gieo sạ, cầu cho hạt lúa nảy mầm đều, khỏe, tránh với các sinh vật gây hại. Đến khoảng tháng chín, mười, khi cây lúa đang trong giai đoạn chuẩn bị trổ đòng, người Kơ Ho lại tề tựu nơi đầu làng gần cánh đồng để tổ chức lễ hội Nhô Wèr (cúng dưỡng lúa) và cho đến tháng ba khi lúa đã được thu hoạch xong, họ tiếp tục tổ chức lễ hội Nhô brê rơhe (mang lúa về kho) và sau đó tổ chức Nhô lir bong (mừng lúa mới) để kết thúc một chu kỳ sản xuất”.

Mỗi nghi lễ có tính chất và tầm quan trọng khác nhau, mà gia chủ, bòn làng tổ chức theo quy mô lớn nhỏ. Khi công việc cày bừa đã hoàn tất, đến ngày gieo sạ, gia chủ chất đống lúa giống đã nảy mầm; đồng thời cắm cây lễ hội (cây nêu) nhỏ tại cánh đồng. Sau đó, lấy huyết gà, rượu cần rãi đều trên đống lúa, phết lên cây nêu… để thực hiện nghi thức, khấn cầu thần lúa và các vị thần cho hạt giống được khỏe mạnh, sinh sôi và bội thu. Cúng xong, công việc gieo sạ được bắt đầu, gia chủ hoặc ông cậu là người sạ trước tại đám ruộng có cắm cây nêu (ló làn) rồi tất cả mọi người đồng loạt gieo sạ.

Cây lúa được chăm sóc, sinh trưởng và phát triển khoảng tháng chín đến tháng mười, các bô lão có vai vế trong bòn tụ tập, bàn bạc việc tổ chức nghi lễ Nhô wèr. Đến khi lúa chín, lúa đã được thu hoạch xong và mang về kho, người Kơ Ho lại tổ chức nghi lễ Nhô brê rơhe và Nhô lir bong. 

Nếu nghi lễ gieo sạ, rửa chân trâu được tổ chức trong phạm vi gia đình thì các nghi lễ Nhô wèr, Nhô brê rơhe, Nhô lir bong có qui mô rộng lớn hơn. Vì vậy, cây nêu của mỗi nghi lễ cũng được làm lớn nhỏ khác nhau. Những người có kinh nghiệm, tinh ý, họ chỉ cần nhìn cây nêu là có thể đoán ra được gia đình, dòng tộc hay bòn làng Kơ Ho tổ chức nghi lễ gì. Nếu cây nêu dùng cho nghi lễ gieo sạ được làm khá đơn giản bao nhiêu thì cây nêu phục vụ cho các nghi lễ Nhô wèr, Nhô dơng (con trâu là vật hiến tế)... càng phức tạp, công phu và tỉ mẩn bấy nhiêu. 

Khác so với các nghi lễ cầu mưa được tổ chức tại rừng thiêng; lễ gieo sạ, Nhô wèr, Nhô brê rơhe được tiến hành tại cánh đồng xong rồi mới về nhà thực hiện nghi thức và cùng chung vui; thì lễ Nhô lir bong, Nhô dơng được thực hiện tại nhà và kho thóc; thời gian tổ chức và phạm vi khách mời cũng quy mô hơn. Đây thực sự là những ngày hội đông vui ở các bòn làng người Kơ Ho, bởi lễ hội không chỉ là nơi hội tụ giao lưu, duy trì sinh hoạt văn hóa, mà còn là cơ hội tốt để lưu truyền và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người Kơ Ho như: tập đánh cồng chiêng, nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng cho đến hội họa, dân ca, dân vũ và ẩm thực...

Như vậy, nghi lễ truyền thống của người Kơ Ho được thực hiện theo vòng đời sinh trưởng của cây lúa mang bản sắc văn hóa đặc sắc và đậm tính tâm linh. Với người Kơ Ho, hạt lúa rất quý và quan trọng trong việc nuôi sống cộng đồng, nên họ không tiếc hy sinh những con vật nuôi như: gà, vịt, lợn, dê, đặc biệt là con trâu để hiến tế thần lúa, mong các vị thần linh bảo vệ, phù hộ cho cộng đồng luôn được mạnh khỏe, no đủ và bình an./.

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT