Non nước Việt Nam

Người Mường đánh thức ma Khú cầu mưa

Cập nhật: 19/04/2019 16:10:32
Số lần đọc: 1389
Cầu mưa là một nghi lễ nông nghiệp quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa của đồng bào dân tộc Mường ở Hòa Bình. Lễ được tổ chức sau khi gieo hạt, trồng lúa và các loại hoa màu, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu mong sự che chở của thần linh và ước muốn về cuộc sống no đủ hạnh phúc.

Người Mường và tín ngưỡng thờ ma Nước

Với người Mường cư trú ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tín ngưỡng giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần cũng như sinh hoạt, lao động của họ. Đối diện cuộc sống nơi núi cao hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, họ càng cần nhiều hơn niềm tin tâm linh, làm chỗ dựa để vượt qua những khó khăn. Trong số đó, phải kể đến các tín ngưỡng thờ mó nước của dân tộc Mường. Tín ngưỡng thờ mó nước (vó rác) Xuất phát từ nền văn hóa lúa nước và sống ở miền núi, nên các nguồn nước, mạch nước có vị trí đặc biệt quan trọng đối với đời sống của người Mường.

Tín ngưỡng dân gian đã tác động vào mọi mặt đời sống của người Mường, hình thành một hệ thống nghi lễ, phong tục tập quán bền vững trong sản xuất, đời sống xã hội và tâm thức, tình cảm, nếp nghĩ của mỗi người dân Mường. Tín ngưỡng đã đóng vai trò thiết yếu trong cuộc sống của con người và cộng đồng dân tộc. Lễ hội dân gian truyền thống giúp đời sống văn hóa tinh thần trở nên phong phú, góp phần quan trọng xây dựng kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc của người Mường.

Dâng gà trắng cầu mưa

Theo quan niệm của người Mường, tháng tư âm lịch sau khi gieo trồng các loại hoa màu xong chính là “mùa sấm mọc”, dân làng đợi nước làm ruộng nhưng trời vẫn không cho mưa, khi đó, lễ cầu mưa sẽ được tiến hành.

Theo truyền thống, mâm lễ không thể thiếu thịt gà trắng. Người Mường quan niệm, gà trắng thường hay ở đầu nguồn con nước, ở đâu có gà trắng, ở đó là nơi có mó nước chảy từ núi ra. Cùng với tín ngưỡng thờ ma Núi, đồng bào quan niệm, ma ngủ quên không nghe thấy tiếng sấm nên không dậy lấy nước cho dân chúng làm mùa. Vì thế, cần đánh thức ma Khú bằng lễ cầu mưa.

Từ sáng sớm, bà con đã chuẩn bị lễ vật cúng theo truyền thống như xô nước, tượng trưng cho nguồn nước, mó nước chảy từ trong núi ra; Gáo múc nước (dùng để múc nước té lên trời cầu mưa); Gậy tre (Lấy gậy chọc lên trời để đánh thức ma nước dậy). Ba mâm lễ vật không thể thiếu cũng được chuẩn bị (mâm bản mệnh của thầy mo; mâm chủ lễ của đồng bào Mường và mâm đất trời để dâng lên đất trời, thần linh). Trong mỗi mâm cúng gồm: Gà trống 1 con được luộc chín; Các món ăn chế biến từ thịt lợn (thịt hấp, chả bưởi, thịt xiên nướng, lòng dồi...); Ép xôi; Một chai rượu; Oản hương; Hoa quả; Tiền vàng; Trầu cau; Vòng bạc; Vải thổ cẩm…

 

Đánh thức ma Khú đợi nước về Mường

Đầu tiên thầy cúng gọi thần đất (thổ công) dậy và gọi thần gió, thần mưa... về để kêu than cho dân chúng bản: “Hỡi trời đất, con người dưới gầm trời này đã chịu đói, chịu khát đã mấy tháng nay ruộng đồng khô hạn nứt nẻ vạn vật chạy ngược không nước, chạy xuôi hạn hán cạn khô, cây cối đang chết dần chết mòn...

Khấn mong đất trời phù hộ độ trì cho mưa thuận gió hòa cho nước đầy đồng, cho sông đầy nước cho dân chúng được uống được ăn, cho trâu bò đẻ đầy nhà cho gà lợn đẻ đầy chuồng, cho thóc lúa đầy kho. cho trâu bò no đủ... Hỡi trời hỡi đất, Mo Mường cất tiếng van xin!”.

Sau khi cầu khấn, tế lễ xong và được sự đồng ý của thần linh, thầy Mo múc nước té lên trời. Tiếp theo, đồng bào hô hoán nhau lấy gậy chọc lên trời để đánh thức ma nước dậy, cùng nhau đánh trống chiêng vang dội và cùng nhau hô to:“Trời đã cho nước rồi, cho mưa rồi, bà con gọi nhau dậy đi ra đồng ra nương để làm đất, cày cấy làm mùa màng...”.

Trước đây, người Mường còn bày binh diễn trận, trong đó một bên đóng vai bên giặc và hai bên đánh trận giả với nhau. Khi đó chủ tế cầu khấn vua nước gây ra mưa để tiêu diệt quân của đối phương.

Các lễ thức của phần nghi lễ kết thúc, phần hội diễn ra trong niềm vui phấn khởi, ước vọng về một vụ mùa mới đầy khởi sắc và những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Những chàng trai, cô gái trong bản ngoài làng nô nức về chơi hội để được dịp thể hiện tài năng qua các lời ca, tiếng hát, điệu múa, trò chơi dân gian truyền thống đậm đà sắc thái bản địa.

Thông qua lễ hội cầu mưa của người Mường đã phần nào cho thấy sự nỗ lực của các ngành các cấp trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc mình. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Mường chưa được gìn giữ và phát huy đúng mức, việc phát triển những giá trị mới còn nhiều hạn chế, thiếu bền vững./.

Nguồn: LangvietOnline

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT