Non nước Việt Nam

Phan Long-Ba Đồn... thị xã ven sông của tỉnh Quảng Bình

Cập nhật: 12/05/2021 08:47:12
Số lần đọc: 871
Phan Long xưa, Ba Đồn nay là vùng đất phù sa cổ nằm về phía bờ Bắc sông Gianh, con sông lớn nhất trong 5 con sông của Quảng Bình, diện tích khoảng 200ha. Vùng đất này từ xưa đã có dấu tích của người nguyên thủy vào thời đại hậu kỳ đá mới cách ngày nay trên dưới 5.000 năm. Dấu tích cư trú và sinh hoạt của họ chìm trong cát, dưới các tầng văn hóa của di chỉ khảo cổ học Ba Đồn 1 và Ba Đồn 2.
Dải đất dọc bờ Bắc sông Gianh từ Phan Long, Ba Đồn, Tượng Sơn, Chính Trực, Pháp Kệ... còn có dấu tích của văn hóa Đông Sơn với việc phát hiện các mũi tên đồng, giáo đồng. Đặc biệt minh chứng cho cư dân của bộ Việt Thường ở vùng này thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang là trống đồng Phù Lưu, trống đồng Trung Thuần.
 
Theo "Đại Nam Nhất thống chí", Quảng Bình xưa là đất của Việt Thường Thị, đời Tần thuộc Tượng quận, đời Hán là cõi Nhật Nam, đời Đường thuộc Lâm Ấp, đời Tống là đất Địa Lý, Bố Chính và Ma Linh của nước Chiêm Thành. Bố Chính là đất của các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hóa và TX. Ba Đồn hiện nay.
 
Năm 1075, Lý Thường Kiệt chinh phạt Chiêm Thành, cai quản luôn châu Bố Chính, chiêu mộ binh lính, dân từ Bắc vào khai khẩn đất đai, lập làng, xã. Từ đây, vùng đất bắc sông Gianh thuộc quốc gia Đại Việt.
 
Qua đời Lý, Trần, tuy có nhiều trận chiến giữa hai quốc gia Đại Việt và Chiêm Thành nhưng vùng đất này vẫn luôn là sự cai quản của Đại Việt nằm trong châu Bố Chính. Đặc biệt, thời hậu Lê, Phan Long thuộc châu Bắc Bố Chính, xứ Nghệ An. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469), định lại bản đồ trong nước, thuộc phủ Tân Bình, sau lại đổi làm phủ Tiên Bình.
 
Đình Phan Long. Ảnh: Tiến Hành
 
Sách "Quảng Bình thắng tích lục" viết: "Về đời Hồng Đức, phía nam Quảng Bình dân cư đã tiệm đông, nhưng ở phía bắc tức châu Bố Chính (Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch) vì ruộng xấu, đất cao, sinh kế khó khăn nên dân cư thưa thớt lắm. Năm 1467, nhân có lời xin của quan Thừa chánh sứ ty tham nghị Hóa châu là ông Đặng Chiêm, vua bèn hạ dụ chiêu tập dân gian vào khai khẩn ở châu Bố Chính; kể từ đó lần lần mới có người vào sinh cơ lập nghiệp ở phía bắc Quảng Bình".
 
Đến đầu niên hiệu Hồng Đức, sau khi hộ giá nhà vua chinh phạt Chiêm Thành (1471) trở về, khá nhiều quan lại, tướng tá theo chiếu kêu gọi của vua Lê Thánh Tông: "Bố Chính đất rộng dân thưa, liền với châu Hoan, vậy quân và dân nên đến đó khẩn hoang làm ăn sẽ có lợi lớn", đã đứng ra mộ dân phiêu tán đến khai khẩn đất đai thành lập làng xã ở khu vực phía bắc.
 
Một loạt làng xã người Việt được ra đời ở khu vực bắc Quảng Bình trong 30 năm cuối thế kỷ thứ 15, những vùng đất hoang hóa, đồi núi, bãi bồi ven sông ở Quảng Bình về cơ bản đã được khai khẩn biến thành làng xã trong đó có làng Phan Long, Ba Đồn sau này và từ thế kỷ thứ 16 về sau, làng xã Quảng Bình dần dần ổn định.
 
Chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613) vào trấn thủ xứ Thuận Hóa đổi thành phủ Quảng Bình (1605). Hy Tông Hiếu Văn hoàng đế lúc mới lấy được đất nam Bố Chính, đặt dinh Bố Chính (tục gọi dinh Ngõa), lấy sông Gianh làm phân giới. Phía bắc sông Gianh là châu Bố Chính ngoại, thuộc triều Lê. Phía Nam sông là Bố Chính nội, thuộc bản triều (cũng gọi là bắc Bố Chính và nam Bố Chính).
 
Năm Bính Ngọ 1786, Tây sơn, Nguyễn Huệ đánh đuổi quân Trịnh về Bắc và hợp lại hai châu nội Bố Chính và ngoại Bố Chính làm châu Thuận Chính, Phan Long-Ba Đồn nằm trong châu Thuận Chính. Năm 1801, vua Gia Long lấy lại đất cũ, bỏ châu Thuận Chính, đặt dinh Quảng Bình; đến năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), lấy 2 huyện Bình Chính, Bố Trạch và đặt thêm huyện Minh Chính (nay một phần đất Quảng Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa) để đặt thêm phủ Quảng Trạch.
 
Dưới triều Minh Mệnh, phủ Quảng Trạch kiêm lý huyện Bình Chính có 3 tổng: tổng Thuận Bài, tổng Thuận Hòa, tổng Lũ Đăng gồm có 48 xã, thôn, phường, làng, giáp. Tổng Thuận Bài gồm 16 đơn vị, trong đó có 6 đơn vị mới là các làng Xuân Kiều, Lương Trình, Tượng Sơn, Chính Trực, Nghĩa Nương và thôn Phan Long. Từ các tư liệu này, chúng ta thấy rằng, thôn Phan Long có từ thời vua Minh Mệnh.
 
Qua nghiên cứu thư tịch và một số gia phả dòng họ ở Phan Long xưa, Ba Đồn nay thì được biết, thủy tổ các dòng họ là những binh lính theo Lê Thánh Tông đi chinh phạt Chiêm Thành hoặc binh lính dưới thời chúa Trịnh. Sau chiến thắng, họ ở lại khai hoang và trở về bản quán đem bà con vào định cư (kể cả dân di cư theo lệnh vua và những tướng sỹ phạm tội bị lưu đày) lập làng, xóm.
 
Tuy nhiên, gia phả của nhiều dòng họ chỉ ghi tên họ, ngày cúng và mộ phần, không ghi rõ gốc tích để khẳng định cái mốc của mỗi dòng họ đến định cư trên đất Phan Long. Riêng họ Nguyễn là họ lớn; người đầu tiên và cũng là thành hoàng có công dẹp Chiêm Thành, khai khẩn vùng đất này là ông Nguyễn Đức Tuân. Ngoài ra, lần lượt tham gia khai phá vùng đất Phan Long là các dòng họ khác...
 
Một góc thị xã Ba Đồn. Ảnh: Tiến Hành
Liên quan đến vùng đất Phan Long, "Đại Nam Nhất thống chí" cũng viết: "Phủ lỵ Quảng Trạch đóng ở xã Phan Long, huyện Bình Chính, dựng năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), bốn phía rào tre...", để thấy được Phan Long lúc đó đã là trung tâm của phủ lỵ. Địa hình Phan Long lúc đó được chọn vì có thế phong thủy tốt theo cách nhìn của thầy địa lý: "Ở phía đông huyện nửa dặm, phía nam chảy vào Linh giang có Phan Long thủy".
 
Phan Long lúc đó có chợ: "Chợ Phan Long, ở thôn Phan Long, huyện Bố Chính, tục danh chợ Đồn, gần phủ lỵ Quảng Trạch, phố xá trù mật, thương mại tấp nập, là một chợ lớn trong tỉnh hạt", có cầu: "Cầu Phan Long ở thôn Phan Long, huyện Bố Chính, dài 11 trượng 5 thước". Chợ Phan Long nay gọi là chợ Ba Đồn, chợ lớn nhất phía bắc Quảng Bình, trung tâm mua bán nhộn nhịp, sầm uất đủ các loại hàng hóa, các sản vật từ miền núi Tuyên Hóa về, Bố Trạch sang, Hà Tĩnh vào... Chợ một tháng có 6 phiên, họp vào các ngày 1, 11, 21 và ngày 6, 16, 26 âm lịch.
 
Phía trước mặt Phan Long-Ba Đồn là sông Gianh-nguồn phù sa vô tận bồi đắp cho vùng đất hai bờ nói chung, Phan Long-Ba Đồn nói riêng, là nguồn cung cấp thủy sản dồi dào cho nhân dân trong phủ, huyện, là con đường giao lưu thủy thuận tiện lên rừng xuống biển, vào các xã vùng Nam hay giao lưu khu vực qua cửa Gianh.
 
Dọc bờ sông Gianh, bến sông chợ Ba Đồn là rừng cây sác nước mặn, xen giữa là lạch sâu vào sát triền đê tạo thành các bến bãi, thuyền bè ra vào tấp nập. Xưa gồm 3 bến chính: bến bãi chợ Bò, bến thuyền chợ Mới, bến đò cửa Phủ. Phía bắc Phan Long-Ba Đồn là vùng đai cát trắng dài gần 3km, lớp trên là cát thạch anh, lớp dưới sâu khoảng 2m là than bùn, dấu tích của rừng bị vùi lấp. Đầu làng Chính Trục, giáp Phan Long là khe Mật.
 
Thời Pháp thuộc, Quảng Trạch là đơn vị hành chính cấp phủ (Quảng Bình có hai phủ: Quảng Trạch, Quảng Ninh và ba huyện: Lệ Thủy, Bố Trạch và Tuyên Hóa. Phủ Quảng Trạch gồm 5 tổng: Thuận Hòa, Thuận Thị, Thuận Bài, Thuận Lệ, Lũ Phong. Thôn Phan Long, tổng Thuận Bài tiếp tục được chọn làm phủ lỵ, có phủ đường, các cơ quan hành chính văn hóa.
 
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, phủ Quảng Trạch đổi thành huyện, gồm 8 xã: Phú Trạch, Hòa Trạch, Thuận Trạch, An Trạch, Phong Trạch, Lệ Trạch, Minh Trạch, Ninh Trạch. Xã Thuận Trạch về sau lại chia làm 2 xã Quảng Xuân và xã Quảng Long. Xã Quảng Xuân gồm Xuân Kiều, Lương Trình, Nghĩa Nương. Xã Quảng Long gồm Phan Long, Tượng Sơn, Chính Trực.
 
Ngày 26-6-1958, Phan Long tách ra khỏi Quảng Long, hình thành một đơn vị hành chính mới, cấp thị trấn, lấy tên chợ là Ba Đồn làm tên chính thức, hình thành thị trấn Ba Đồn cho đến ngày nay.
 
Do đặc điểm là dân tụ cư từ phía bắc vào khai phá lập nghiệp nên về văn hóa, họ mang hành trang và trao truyền qua các thế hệ nét đặc trưng của văn hóa Đàng Ngoài như hát bội, hát tuồng, hát kiều, các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Họ theo tín ngưỡng thờ đa thần, thờ thiên thần và nhân thần. Họ thờ cúng tổ tiên, ông bà, thờ thành hoàng, thần linh, những người có công với dân với làng. Họ cũng thờ Phật, thờ đức Khổng Tử...
 
Đặc biệt linh thiêng nhất là thờ Thành hoàng Nguyễn Đức Tuân, được gọi là Quan tả với tước Tả quận công, một trung thần thời hậu Lê, cai quản vùng đất bắc Bố Chính. Đình làng Phan Long-Ba Đồn bị chiến tranh tàn phá, nay được xây dựng trên nền đình cũ quy mô, hoành tráng, là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội của cộng đồng dân cư vùng bắc sông Gianh. Làng Phan Long-thị xã Ba Đồn nay là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục của thị xã ven sông.
 
  Tạ Đình Hà
Nguồn: Báo Quảng Bình

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT