Non nước Việt Nam

Đắk Mil (Đắk Nông) sở hữu nhiều điểm di sản, thắng cảnh để phát triển du lịch

Cập nhật: 11/05/2021 08:10:04
Số lần đọc: 833
Đắk Mil là một trong 6 huyện, thành phố nằm trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông và sở hữu nhiều điểm di sản nổi bật, thắng cảnh đẹp có giá trị để phát triển du lịch, thu hút khách tham quan, trải nghiệm.

Hiện nay, huyện Đắk Mil có 8 điểm di sản nằm trong tuyến du lịch “Bản giao hưởng của sự đổi thay” (Wind of change concerto) gồm Vườn xoài Đắk Mil (điểm số 19); Điểm tiếp xúc dung nham và cát kết (điểm số 20); Rừng cao su (điểm 21); Điểm dừng chân quan sát bề mặt (điểm số 22); Đồi 722-Đắk Sắk (điểm số 23); Hoa viên Hồ Tây (điểm số 24); Ngục Đắk Mil (điểm số 25) và Núi lửa Thuận An (điểm số 26).

Vườn xoài Đắk Mil-1 trong 8 điểm di sản của huyện Đắk Mil

Trên Trang thông tin điện tử của huyện, những thông tin liên quan về hoạt động du lịch cũng như tầm quan trọng ý nghĩa của việc xây dựng du lịch cộng đồng đều được đăng tải thường xuyên. Hệ thống truyền thanh cơ sở tại các thôn, bon được khai thác để đẩy mạnh tuyên truyền về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.Theo UBND huyện Đắk Mil, ngay sau khi được chọn làm các điểm di sản nằm trong 3 tuyến du lịch của tỉnh và trên tinh thần thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân trên địa bàn huyện về giá trị của các di sản địa chất, văn hóa, đa dạng sinh học trong phát triển kinh tế - xã hội.

Các cơ quan chuyên môn của huyện nghiên cứu, lên phương án khảo sát các điểm thích hợp có cảnh quan thiên nhiên đẹp, vùng kinh tế nổi bật để có cơ sở quy hoạch xây dựng, đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch… Huyện cũng đang xúc tiến kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng tại các điểm du lịch, khu di tích và các vùng có tiềm năng khai thác du lịch…Đến nay, tại các điểm di sản nói trên, bãi đỗ xe, đường đi quan sát địa chất, cảnh quan, nhà chòi đều được đầu tư xây dựng kiên cố, tạo thuân lợi cho du khách đến tham quan trải nghiệm.

Là địa phương có nhiều dân tộc anh em sinh sống nên việc bảo tồn văn hóa truyền thống luôn được địa phương chú trọng thực hiện dưới nhiều hình thức. Các đội cồng chiêng truyền thống ở các bon đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì, phát huy.

Trên cơ sở đó, hiện nay huyện Đắk Mil đã xây dựng thí điểm một mô hình du lịch cộng đồng tại 2 bon Sar Pa, Bu Đắk (xã Thuận An) gắn với làng nghề truyền thống, cảnh quan tiêu biểu, giá trị văn hóa đặc sắc và đa dạng các dịch vụ liên quan đến du lịch như núi lửa Thuận An, lễ hội, dệt thổ cẩm, rượu cần, đan lát… Các mô hình du lịch gắn với nông nghiệp nông thôn tại các xã trên địa bàn huyện cũng đang được xây dựng như xoài Đắk Gằn, sầu riêng Đức Mạnh, bơ Thuận An.

Di tích Đồi 722-Đắk Sắk là một trong những điểm di sản ở Đắk Mil


Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục xúc tiến triển khai có hiệu quả các mô hình du lịch cộng đồng, các điểm dừng chân đã được xây dựng để vận hành có hiệu quả các điểm di sản.Theo ông Phạm Bá Tịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, việc quản lý và xây dựng cơ sở vật chất tại các điểm di sản trên địa bàn huyện hiện đã được tích cực địa phương tích cực thực hiện. Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư hạ tầng tại các điểm khai thác du lịch trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông và mô hình du lịch cộng đồng còn thấp, các sản phẩm du lịch còn quá nhỏ lẻ nên việc kêu gọi đầu tư chưa đạt hiệu quả cao.

Bài, ảnh: Mỹ Hằng

Nguồn: Báo Đắk Nông

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT