Non nước Việt Nam

Quảng Nam: Trống Lâm Yên thêm nét mới

Cập nhật: 26/01/2022 11:32:46
Số lần đọc: 780
Tìm về làng trống Lâm Yên (xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) những ngày trung tuần tháng Chạp, tiếng đục đẽo, nhịp gõ tô điểm thêm phần rộn ràng không khí Tết. Làng trống Lâm Yên hôm nay có những sản phẩm đổi mới từ sự sáng tạo dựa trên giá trị truyền thống của các nghệ nhân, góp phần lưu giữ và đưa tiếng trống vang xa.

Da trống tạo nên “linh hồn” cho sản phẩm.
 
Lưu giữ nghề cha ông
 
Tranh thủ cơn nắng sớm những ngày cuối năm, ông Nguyễn Xuân An (69 tuổi) đặt ba chiếc trống đang sơn vỏ ra phơi để kịp giao cho khách. Dọc con đường dẫn vào làng trống Lâm Yên ở thôn Ấp Nam, tiếng cạo da trâu, nhịp gõ kéo căng bề mặt trống như đang chạy đua với thời gian. 
 
Đã gắn bó với nghề làm trống hơn 30 năm, đôi tay ông An thoăn thoắt đóng từng chiếc đinh niềng trống. Ông cho biết, thời điểm những năm 1990 là nhộn nhịp nhất, làng nghề có hàng chục hộ cùng làm trống. Gia đình ông nhận làm trống ở khắp các huyện lân cận, thậm chí ở các tỉnh như Ninh Thuận, Đồng Nai… ông đều đã từng đến giao trống cho khách. Tuy nhiên, hiện nay, số nghệ nhân còn gắn bó với nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bản thân ông cũng đã chuyển sang làm trống tại nhà. Ông An nói: “Thời điểm tháng Chạp hiện tại là mùa làm trống tất bật nhất trong năm của chúng tôi. Nhiều tộc họ chuẩn bị những ngày cúng kính nên có nhiều đơn đặt hàng làm trống mới, đôi khi là sửa lại, thay bề mặt da cho trống cũ. Tôi trông cho trời nắng ấm để phơi lớp sơn mới quét mau khô, vừa giúp cho chiếc trống có mầu đẹp với giao đúng hẹn cho khách”.
 
Những sản phẩm của làng trống Lâm Yên đa dạng từ kích cỡ đến công dụng của từng sản phẩm. Có những loại với đường kính 1,2 m đến loại to hơn là 1,6 m. Dựa theo tên gọi sẽ có nhiều loại như trống chầu, trống lịch, trống lân, trống chiêng, trống chùa... Đa số trống ở Lâm Yên sản xuất là loại trống dăm ghép, số lượng từ 18 đến 22 miếng dăm gỗ mít sẽ cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Ngồi căng lại lớp da cho chiếc trống hơn 10 năm tuổi ở huyện Duy Xuyên gửi sang, ông An cho hay, công đoạn làm bề mặt da là yếu tố quyết định cho giá trị một sản phẩm. Bằng đôi tai của người nghệ nhân, chất âm khi đánh thử trong quá trình căng da phát ra cho biết “độ chín” của tiếng trống. “Hiện nay, dù đã có nhiều công cụ hỗ trợ cho việc căng da trâu nhưng anh em làng nghề vẫn giữ cách làm truyền thống tức là căng da trống bằng dây với những bộ nêm bằng gỗ. Mặc dù làm sẽ lâu hơn nhưng bộ da được kéo dãn chậm rãi, vừa phải mới cho chất âm chuẩn, phù hợp cho từng sản phẩm cụ thể. Để làm một chiếc trống bền chắc buộc phải dùng loại da trâu trên 10 năm tuổi mới đạt chất lượng”, ông An giãi bày. Mỗi tháng, cơ sở làm trống của ông Nguyễn Xuân An nhận làm từ hai đến ba chiếc trống đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.
 
Tạo ra nét mới
 
Dân gian xứ Quảng có câu ca “Nhất trống Lâm Yên, nhì chiêng Phước Kiều” như thể hiện rõ tên tuổi của trống Lâm Yên. Trước đây, nghệ nhân làng trống Lâm Yên kết hợp cùng làng Phước Kiều (thị xã Điện Bàn) trong việc phân phối sản phẩm, bởi trống và chiêng luôn đi cùng một cặp. Dù cho danh tiếng của làng nghề trống Lâm Yên đã có từ lâu nhưng thế hệ nối nghiệp như anh Phan Văn Hiệp (48 tuổi) lại nghĩ khác. Anh Hiệp là thế hệ thứ sáu gắn bó với nghề làm trống của gia tộc. Nhận thấy ngày càng có nhiều sản phẩm trống ở các nơi với mẫu mã khác biệt, tăng sự cạnh tranh cho sản phẩm trống làng Lâm Yên, anh Hiệp đã thay đổi cho sản phẩm dựa trên những giá trị truyền thống vốn có. Nghĩ là làm, anh Hiệp đã mạnh dạn đầu tư mua nguyên liệu là những thân gỗ có kích thước lớn để tạo nên mẫu trống đại cung cấp cho nhà chùa. Điểm độc đáo của loại trống này là thân trống được đục nguyên khối, không có sự gắn kết nhiều dăm rời như loại trống truyền thống. 
 
“Làm loại trống đại này sẽ tốn thời gian rất lâu, từ hai đến ba năm chúng tôi mới làm hoàn chỉnh được một cái trống. Chiều dài trống là 3 m. Thân cây gỗ phải được phơi kỹ càng hàng tháng trời, tránh mối mọt cũng như không bị nứt vỡ. Chỉ có một vết nứt là cả chiếc trống sẽ bị bỏ đi. Biết là khó nhưng tôi muốn phát triển cái nghề cha ông để lại này, vừa tạo sự khác biệt, mới lạ cho sản phẩm đồng thời giữ vững uy tín cho trống Lâm Yên”, anh Hiệp cho biết.
 
Từ sự độc đáo của loại trống đại nguyên khối này mà nhiều khách hàng tìm đến cơ sở sản xuất của gia đình anh Hiệp. Với sản phẩm trống đại, mẫu mã tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng nên sẽ không theo một kiểu dáng, kích cỡ nhất định như trống dăm rời truyền thống. Giá một sản phẩm trống đại dao động từ vài chục triệu đồng, có loại hơn một trăm triệu đồng. Ngoài ra, hiện nay anh Hiệp còn chế tác thêm sản phẩm mõ tụng kinh từ gỗ nguyên khối cho các nhà chùa. Đây là sản phẩm cao cấp mới lạ, tinh xảo. Mặc dù là dòng sản phẩm còn mới nhưng theo anh Hiệp, để giữ được tên tuổi làng nghề thì ngoài những giá trị truyền thống cần có thêm tính sáng tạo, đa dạng hóa sản phẩm. Đặc biệt sản phẩm mõ tụng kinh có sự tương đồng với sản phẩm trống đại gia đình anh đang chế tác khi chúng đều được tạc từ gỗ nguyên khối.  
 
Hiện tại, Hợp tác xã Làng nghề Trống Lâm Yên do anh Hiệp làm chủ nhiệm kết nối sáu hộ còn theo nghiệp làm trống tại địa phương. Làng nghề trống Lâm Yên tồn tại đến nay đã hơn 200 năm, có nguồn gốc từ sự di dân của dòng họ Phan ở tỉnh Hải Dương vào Lâm Yên. Tiếng trống đã gắn bó lâu đời với nền văn hóa Việt Nam, mặc dù đời sống kinh tế - xã hội đổi thay thì thanh âm từng nhịp trống sẽ vẫn tồn tại về sau.

Bài và ảnh: Trường An
Nguồn: Báo Nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT