Hoạt động của ngành

Quảng Ninh: Gỡ khó cho doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch

Cập nhật: 30/06/2021 10:47:13
Số lần đọc: 815
Mặc dù đã có nhiều tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài khiến các doanh nghiệp này tiếp tục rơi vào tình trạng kiệt quệ, đứng trước nguy cơ phá sản. Để hỗ trợ giúp các đơn vị vượt qua giai đoạn khó khăn, các ngành chức năng đã tổ chức gặp mặt, lắng nghe ý kiến, cũng như đưa ra một số giải pháp kịp thời cho doanh nghiệp.



Du khách tham quan Vịnh Hạ Long khởi hành từ Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.

Doanh nghiệp điêu đứng

Gần chục năm kinh doanh tàu du lịch, chưa bao giờ 5 con tàu của Công ty TNHH Anh Tùng Dương phải nằm bờ lâu như vậy. Từ đầu năm đến nay, tổng thời gian hoạt động của tàu chỉ khoảng 1,5 tháng, còn lại không có doanh thu nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả các khoản nợ ngân hàng, thuế, bảo hiểm, duy tu bảo dưỡng.

Anh Đoàn Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH Anh Tùng Dương, cho biết: Mỗi tháng tôi phải trả chi phí hàng chục triệu đồng để trông coi, duy tu bảo dưỡng, chưa kể khoản lãi ngân hàng phải trả 90 triệu đồng. Để trang trải chúng tôi đã phải bán nhiều tài sản, thậm chí nghĩ đến chuyện bán cả tàu nhưng cũng không dễ dàng vì du lịch bị ảnh hưởng dù giao bán rẻ cũng không ai mua.

Cùng chung cảnh ngộ, các tàu du lịch nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long còn chịu những khoản vay ngân hàng khổng lồ do chi phí đầu tư cao, nguồn khách hạn chế. Ông Đoàn Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Du thuyền Đông Dương, chia sẻ: Công ty có 15 chiếc tàu nghỉ đêm, hơn 1 năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chúng tôi chỉ duy trì hoạt động 2 chiếc tại cảng nhưng cũng không có khách. Vì đặc thù dịch vụ nghỉ đêm trên vịnh được khách nước ngoài chuộng hơn, cộng thêm chi phí cao nên ít khi có khách nội địa. Vậy mà bây giờ, kể cả đã giảm giá sâu tới 70%, lượng khách vẫn không đủ để duy trì hoạt động của tàu.


Mặc dù du lịch nội tỉnh hoạt động trở lại từ 8/6 nhưng các tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long vẫn hoạt động cầm chừng do chưa có khách.

Tương tự như vậy, nhiều doanh nghiệp hoạt động tàu du lịch trên địa bàn tỉnh suốt thời gian qua không chỉ hoạt động cầm chừng mà còn phải cắt giảm tối đa nhân viên. Dù không chạy nhưng các đội tàu vẫn phải duy trì đủ số lượng người để trông coi. Trong đó tiền lương, tiền ăn, tiền đóng bảo hiểm trung bình mỗi nhân viên khoảng 10 triệu đồng, kèm các loại chi phí như đăng kiểm, bến bãi, duy trì bảo dưỡng... Chưa kể mỗi lần bảo dưỡng cũng mất hơn 50 triệu đồng.

Ngoài ra, khoản nợ khiến các chủ tàu đau đầu nhất chính là tiền lãi ngân hàng hàng tháng. Được biết, chi phí đóng mới 1 tàu nghỉ đêm 4 đến 5 sao khoảng 30 đến 40 phòng có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng, phần lớn doanh nghiệp kinh doanh loại hình này đều phải vay vốn ngân hàng. Có đơn vị lãi ngân hàng lên đến 200-300 triệu đồng/tháng.

Cần những cơ chế kịp thời, hiệu quả

Toàn tỉnh hiện có trên 500 tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long. Do dịch bệnh, các tàu một thời gian dài không có khách, phải hoạt động cầm chừng, thậm chí không có doanh thu. Ngay cả thời điểm mở cửa du lịch nội tỉnh từ 8/6 đến nay, Vịnh Hạ Long cũng chỉ đón khoảng 1.200 lượt khách.

Để giải quyết một phần những khó khăn và kiến nghị của doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn đối với các hộ kinh doanh tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long. Dự hội nghị có hơn 90 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch cùng đại diện Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các tổ chức liên quan.

Đại diện doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch tham gia hội nghị đều có ý kiến tập trung vào đề nghị cơ cấu lại khoản vay, kéo dài thời gian hỗ trợ giãn, hoãn các khoản nợ gốc và lãi đối với các dự án vay đóng tàu du lịch; ban hành chính sách hỗ trợ cho vay vốn lưu động để phục hồi hoạt động...


Hội nghị tháo gỡ khó khăn đối với các hộ kinh doanh tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long tổ chức ngày 15/6. Ảnh: Nguyễn Thơm

Ông Nguyễn Văn Phượng, Phó Chi hội tàu du lịch Hạ Long, thành viên Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, cho biết: Hiện nay, chính sách hỗ trợ giãn nợ chỉ áp dụng từ 3-12 tháng khiến doanh nghiệp chưa đủ khoảng thời gian để khôi phục hoạt động cũng như chưa có nguồn thu để trả gốc và lãi vay. Hơn nữa, chính sách hỗ trợ yêu cầu dồn các kì giãn nợ vào một kỳ cuối thì càng gây khó cho doanh nghiệp, vì khi đó chắc chắn doanh nghiệp không đủ nguồn để trả tất cả nợ gốc cùng lãi vay.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh, tính đến ngày 31/5, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã cho 240 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch tham quan, lưu trú trên vịnh Hạ Long vay tổng dư nợ 1.876 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 1.670 tỷ đồng.

Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh đã đối thoại, chia sẻ, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch với những nội dung thuộc thẩm quyền.

Trong đó đã cam kết tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp hoạt động theo các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh; đặc biệt là theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 2/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.


Nhân viên tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long hướng dẫn du khách sát khuẩn, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Văn Đoan, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh, cho biết: Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh sẽ tiếp tục chỉ đạo ngân hàng thương mại trên địa bàn quyết liệt triển khai Thông tư 03 để đảm bảo các doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ đúng theo quy định và ở mức cao nhất. Với những bất cập về mặt chính sách phát sinh trong thực tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh sẽ tiếp thu, tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp để kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền giải quyết sớm nhất.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tất cả các ngành, nghề đều bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có ngành dịch vụ du lịch bị tác động nhiều nhất. Đặc biệt là tàu du lịch chịu ảnh hưởng sâu hơn do những chi phí vẫn phát sinh khi phương tiện nằm tại chỗ. Bởi vậy, bên cạnh những giải pháp đã đưa ra, hy vọng sẽ tiếp tục có thêm những cơ chế hiệu quả hơn nữa để "cứu" doanh nghiệp nói chung, các tàu du lịch Hạ Long nói riêng./.

Hoàng Quỳnh

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Quảng Ninh

Cùng chuyên mục