Tin tức - Sự kiện

Sáng kiến khôi phục du lịch tại châu Á

Cập nhật: 18/02/2021 08:25:10
Số lần đọc: 695
Nhằm đối phó những hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19, các nước trên thế giới nói chung và tại châu Á nói riêng đã triển khai nhiều sáng kiến để kích cầu du lịch, trong đó, yếu tố bảo đảm về y tế được đặt lên hàng đầu. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) khẳng định, đại dịch Covid-19 chính là “bước ngoặt” để các nước hồi sinh, phát triển ngành công nghiệp không khói theo hướng bền vững.

Trong bối cảnh người dân quen dần với trạng thái bình thường mới, các quốc gia châu Á đang nhanh chóng triển khai những mô hình du lịch mới mẻ, độc đáo với hy vọng vực dậy ngành công nghiệp không khói. Một trong những biện pháp thu hút khách du lịch là nỗ lực xây dựng hình ảnh đất nước như một điểm đến an toàn và đáng tin cậy về y tế, luôn đặt việc bảo đảm sức khỏe cho du khách lên hàng đầu. Thái-lan gần đây thông báo đang thúc đẩy việc thu phí du lịch trị giá khoảng 10 USD đối với du khách nước ngoài, nhằm cung cấp quyền lợi bảo hiểm cho các vị khách đến với “đất nước của những nụ cười”. Bộ Du lịch và Thể thao Thái-lan nêu rõ, một trong những mục đích chính của khoản phí nêu trên là để giúp các du khách khi đau ốm hay bị thương sẽ được chăm sóc y tế đầy đủ. Trong khoản phí này, sẽ có một phần được dùng để mua bảo hiểm cho du khách. Điều này tăng thêm sự yên tâm cho khách du lịch khi đến thăm quốc gia châu Á này, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây ra cuộc khủng hoảng y tế trên toàn cầu. Cùng với đó, các quốc gia Đông - Nam Á như Lào, Xin-ga-po, Cam-pu-chia… đồng loạt triển khai những biện pháp yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm túc việc bảo đảm vệ sinh dịch tễ, hạn chế những tác động của dịch bệnh. Đây cũng là yếu tố khiến du khách nước ngoài chọn châu Á là điểm dừng chân.

Một sáng kiến khác mà nhiều quốc gia châu Á tích cực triển khai trong thời kỳ đại dịch là áp dụng công nghệ số để phát triển hình thức du lịch thông minh. Ngành du lịch châu Á thời gian qua chứng kiến sự bùng nổ của hàng loạt chương trình du lịch thực tế ảo. Công nghệ số đã tạo ra những chương trình du lịch thực tế ảo hấp dẫn như khám phá thế giới hoang dã, leo núi… An toàn, không cần đến nơi đông người mà vẫn có được những trải nghiệm độc đáo, mới lạ là những ưu điểm nổi bật của hình thức “du lịch không xê dịch” này. Công ty giải trí First Airlines của Nhật Bản cho biết, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Nhật Bản, lượng khách đặt chỗ cho các chuyến du lịch ảo của công ty tăng khoảng 50% so với giai đoạn trước đại dịch. Tại Xin-ga-po, Tổng cục Du lịch Xin-ga-po thúc đẩy một sáng kiến trên mạng xã hội nhằm khơi dậy cảm hứng du lịch của du khách đối với khu vực Đông - Nam Á tươi đẹp, giàu bản sắc. Theo đó, những người dùng nền tảng xã hội Instagram được khuyến khích chia sẻ lại những kỷ niệm đáng nhớ của mình trên khắp mọi nẻo đường ở khu vực Đông - Nam Á. Sáng kiến này đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo giới trẻ.

Trước tác động của đại dịch, thị hiếu du lịch của các du khách cũng thay đổi đáng kể, theo hướng nâng cao ý thức về “lối sống xanh”, góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương. Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến lượng chất thải y tế tăng đột biến; các sản phẩm nhựa dùng một lần cũng tăng lên do sự bùng nổ của nhu cầu giao nhận đồ ăn trong thời gian hạn chế tiếp xúc. Tại Xin-ga-po, chỉ trong khoảng thời gian kéo dài tám tuần thực hiện giãn cách xã hội vào mùa hè năm 2020, khoảng 5,7 triệu cư dân Xin-ga-po đã tạo ra thêm 1.470 tấn chất thải nhựa từ bao bì bọc thực phẩm. Trước tình hình này, các nước đã tích cực thúc đẩy du lịch theo hướng bền vững, tìm về những giá trị văn hóa đặc sắc và sinh thái nguyên sơ. Bộ Môi trường Cam-pu-chia cho biết, trong chín tháng đầu năm 2020, du lịch sinh thái tại nước này ghi nhận mức doanh thu là 25,21 triệu USD, cao hơn so với các năm trước đó. Giới chức Cam-pu-chia cũng khuyến khích người dân tham quan các khu bảo tồn thiên nhiên, qua đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và động vật hoang dã. Còn tại Ma-lai-xi-a, thời gian tới, một số địa điểm mới sẽ được nước này đưa vào danh sách các khu du lịch sinh thái. Theo Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Ma-lai-xi-a, các hòn đảo và hang động có thể được đầu tư để trở thành các điểm du lịch sinh thái mới, thu hút những người trẻ ưa đi bộ và thám hiểm.

Tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi ngành du lịch châu Á phải chủ động thích ứng để tìm con đường phát triển bền vững trong trạng thái bình thường mới.

Sự chủ động, sáng tạo của các quốc gia sẽ là chìa khóa đưa ngành du lịch khu vực vượt qua giai đoạn khó khăn, từng bước thay đổi diện mạo theo hướng tích cực hơn./.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT