Non nước Việt Nam

Tạo sức hấp dẫn cho điểm đến Bảo tàng Hà Nội

Cập nhật: 27/04/2023 12:19:41
Số lần đọc: 456
Mở cửa trở lại sau dịch Covid-19, Bảo tàng Hà Nội xác định đẩy mạnh các hoạt động trưng bày, triển lãm chuyên đề, giáo dục di sản… phong phú về nội dung, sáng tạo về phương thức tiếp cận. Nhờ vậy, dù chưa ra mắt trưng bày thường xuyên, Bảo tàng Hà Nội đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đông đảo công chúng và du khách khi ghé thăm Thủ đô. Trung bình mỗi tháng, nơi đây thu hút 12-15 nghìn lượt khách tham quan, tìm hiểu di sản văn hóa, tư liệu, hiện vật về Thăng Long xưa, Hà Nội hôm nay.

Du khách tham quan triển lãm “Những mảnh vụn” tại Bảo tàng Hà Nội.

Chỉ mới ra mắt công chúng hơn một tuần qua, triển lãm “Những mảnh vụn” đã trở thành tâm điểm, thu hút người xem nhờ những sản phẩm thủ công tinh xảo, đẹp mắt và cả câu chuyện ý nghĩa đằng sau đó. Triển lãm là chương trình hợp tác giữa Bảo tàng Hà Nội và Hợp tác xã Vụn Art nhằm giới thiệu rộng rãi tới công chúng sản phẩm nghệ thuật của những người thợ thủ công đặc biệt tại “Vụn Art” - “ngôi nhà” của người yếu thế trong xã hội, một trong những không gian sáng tạo ấn tượng của Thủ đô.

Chủ nhiệm Hợp tác xã Vụn Art Lê Việt Cường chia sẻ: "Vụn là dự án sáng tạo sản phẩm thủ công từ việc tái chế vải vụn sau sản xuất của làng lụa Vạn Phúc. Từ nguyên liệu tưởng chừng bỏ đi ấy, chúng tôi tái hiện tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng…, chân dung danh nhân, người nổi tiếng hay danh lam thắng cảnh đất nước. Cũng từ nguồn nguyên liệu này, các sản phẩm túi xách, gối, ví… đã ra đời, bám sát mục tiêu tôn vinh di sản văn hóa; giảm áp lực cho môi trường và tạo việc làm cho người khuyết tật, giúp họ tự tin, tự lập trong cuộc sống”.

Triển lãm “Những mảnh vụn” không phải là trưng bày duy nhất đang đón khách tham quan ở Bảo tàng Hà Nội. Tại không gian kiến trúc đặc sắc này, còn có 3 triển lãm, trưng bày đang mở cửa, đều tạo được dấu ấn riêng trong lòng công chúng và du khách, nhờ những câu chuyện ấn tượng cùng cách tiếp cận độc đáo. Có thể kể đến trưng bày “Nếp xưa” truyền tải những giá trị văn hóa tốt đẹp thông qua lối sống đặc trưng, nếp ăn mặc, phong cách giao tiếp một thời, qua đó gợi mở suy ngẫm về sự kết nối giữa văn hóa truyền thống và đương đại.

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội 1972 - khát vọng hòa bình” giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật kết hợp với không gian trải nghiệm nhằm tái hiện những dấu ấn lịch sử trong 12 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Hà Nội, bảo vệ đất nước của quân và dân Thủ đô. Trong khi đó, triển lãm nghệ thuật điêu khắc “Ego - người” đặt tại không gian ngoài trời của bảo tàng lại truyền tải thông điệp về đô thị kỷ nguyên mới - đô thị của cái đẹp mà cộng đồng hướng đến…

Theo Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà, trước yêu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng, cán bộ, nhân viên đơn vị luôn trăn trở, tư duy làm sao để nâng cao chất lượng hoạt động, từ xây dựng ý tưởng trưng bày, triển lãm đặc sắc gắn liền với lịch sử, văn hóa của Thủ đô Hà Nội; công tác xã hội hóa, hợp tác trong hoạt động bảo tàng; hoạt động giáo dục di sản… đến hợp tác với đơn vị lữ hành du lịch xây dựng mạng lưới tour tuyến tham quan. Song song với việc phối hợp cùng các tổ chức, cá nhân thực hiện trưng bày, triển lãm, Bảo tàng Hà Nội còn duy trì trưng bày về bảo vật quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt của Hà Nội, đẩy mạnh giáo dục di sản thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề về làng nghề thủ công, áo dài truyền thống, chương trình văn hóa “Chạm Tết xưa, đón Tết nay”… đem đến không khí sôi nổi, hấp dẫn cho điểm đến di sản của Thủ đô. Trung bình mỗi tháng, bảo tàng đón 12-15 nghìn khách tham quan. Cùng với đó, lượng truy cập các mạng xã hội của bảo tàng đến nay đạt 4,9 triệu lượt.

Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Phạm Mai Hùng cho rằng, Bảo tàng Hà Nội đang ngày càng đông khách, chứng minh hướng đi đúng khi mở cửa trở lại sau đại dịch. Để có sức hút dài lâu, Bảo tàng Hà Nội cần tiếp tục phát triển những trưng bày, triển lãm chuyên đề nội dung đặc sắc, có chiều sâu, được tổ chức kỹ lưỡng; xây dựng đội ngũ thuyết minh có năng lực, thông thạo ngoại ngữ để đón tiếp khách tham quan; phát triển các không gian dành riêng cho giới trẻ sáng tạo và các dịch vụ tiện ích đầy đủ để thu hút khách đến với bảo tàng một cách bền vững.

Nguyễn Thanh

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.vn - Ngày đăng 27/04/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT