Hoạt động của ngành

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt: Tổng cục Du lịch đã phát huy vai trò cơ quan quản lý nhà nước, dẫn dắt, đồng hành cùng toàn ngành vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động du lịch

Cập nhật: 06/07/2022 16:31:51
Số lần đọc: 706
(TITC) - Sáng 6/7, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt dự và phát biểu chỉ đạo.  

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Hội nghị được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 62 năm thành lập ngành Du lịch (9/7/1960 - 9/7/2022), trân trọng gửi lời cảm ơn và tri ân tới các thế hệ cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức và người lao động của Tổng cục Du lịch đã có những đóng góp hết sức quan trọng cho sự phát triển của ngành du lịch. Tổng cục Du lịch với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, một ngành kinh tế quan trọng của đất nước, đã triển khai hàng loạt các hoạt động liên quan tới việc đề xuất cơ chế, chính sách, chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ VHTTDL đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép mở cửa lại hoàn toàn hoạt động du lịch theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đây là động lực quan trọng để ngành du lịch Việt Nam phục hồi nhanh chóng trong thời gian qua.

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: TITC)

Nỗ lực triển khai các nhiệm vụ giải pháp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mở cửa lại hoạt động du lịch, Tổng cục Du lịch đã làm việc chặt chẽ với các bộ ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp để thống nhất về các quy trình thủ tục kiểm soát y tế, xuất nhập cảnh, thị thực, phương án đón và phục vụ khách du lịch, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Với những nỗ lực, quyết tâm của các ngành, các cấp, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có chính sách mở cửa thông thoáng nhất: Không yêu cầu tiêm phòng vắc-xin; Không yêu cầu cách ly y tế; Không yêu cầu xét nghiệm Covid-19; Không yêu cầu khai báo y tế trước khi nhập cảnh.

Việc mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3/2022 là thành quả của một quá trình do Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL chủ động đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý triển khai một cách thận trọng, khoa học và có lộ trình được bắt đầu từ cuối năm 2021 nhằm thích ứng linh hoạt với dịch bệnh trong bối cảnh mới. Việc mở cửa lại hoạt động du lịch nhận được sự phối hợp, ủng hộ của các Bộ ngành, sự hưởng ứng tích cực của các địa phương và sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong toàn ngành.

Ngay sau khi du lịch nội địa và quốc tế được mở lại hoàn toàn, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đã chủ trì, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp tổ chức một loạt các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao nổi bật để khởi động lại hoạt động. Trong đó đáng chú ý là Hội nghị chính thức phát động mở lại hoạt động du lịch Việt Nam ở Quảng Ninh; Khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022; Hội chợ du lịch quốc tế VITM tại Hà Nội; Diễn đàn phát triển du lịch Kon Tum…

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: TITC)

Đặc biệt, nhân dịp SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam, ngành du lịch đã tận dụng cơ hội để quảng bá mạnh mẽ hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn tới các đoàn thể thao và du khách quốc tế, góp phần mang lại thành công cho Đại hội.

Toàn ngành tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông theo thông điệp “Live Fully in Vietnam” đối với khách quốc tế và “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” đối với thị trường nội địa. Hoạt động chuyển đổi số diễn ra sôi nổi với nhiều giải pháp thông minh hỗ trợ công tác quản lý và kinh doanh du lịch. Nhiều sản phẩm dịch vụ sáng tạo, mới mẻ được ra đời đáp ứng nhu cầu của du khách sau đại dịch.

Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đã tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam để nắm bắt tình hình mở lại hoạt động du lịch, lắng nghe đề xuất kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp để tiếp tục nghiên cứu có giải pháp, chính sách hỗ trợ.

Với sự quyết liệt hành động của cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương định hướng, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp, hoạt động du lịch nội địa và quốc tế đã có sự phục hồi mạnh mẽ.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 413 nghìn lượt; khách du lịch nội địa đạt 60,8 triệu lượt (tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19). Chỉ tiêu về đón khách du lịch nội địa của năm 2022 đã được hoàn thành ngay trong 6 tháng đầu năm. Tổng thu từ khách du lịch đạt 265 nghìn tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, dữ liệu từ Google cho thấy Việt Nam liên tục nằm trong tốp điểm đến dẫn đầu thế giới về mức tăng trưởng lượng tìm kiếm thông tin du lịch, đạt mức tăng từ 50% đến 75%.

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm và định hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 (Ảnh: TITC)

Đặc biệt, theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số năng lực phát triển của du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong số 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất trên thế giới. Việt Nam được đề cử tại 61 hạng mục ở giải thưởng du lịch thế giới World Travel Awards.

Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch đã trình bày các tham luận về các giải pháp tăng cường thu hút khách du lịch, phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá, đẩy mạnh truyền thông, chuyển đổi số trong ngành du lịch, xu hướng mới của du lịch, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho du lịch trong thời kỳ mới…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhận định hoạt động du lịch đã có những khởi sắc sau khi mở cửa lại từ 15/3. Thị trường du lịch nội địa phục hồi rất nhanh chóng, đã đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2022 với việc đón trên 60 triệu lượt khách ngay trong 6 tháng đầu năm; du lịch quốc tế đang từng bước phục hồi với tốc độ khá nhanh.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: TITC)

Thứ trưởng đánh giá cao Tổng cục Du lịch đã phát huy tốt vai trò của cơ quan quản lý du lịch quốc gia, định hướng, dẫn dắt, hỗ trợ, là điểm tựa cho các địa phương, doanh nghiệp du lịch trong suốt thời gian qua với việc đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ khắc phục khó khăn và phục hồi du lịch.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế mà ngành du lịch đang gặp phải về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, nhất là hàng không đang có dấu hiệu quá tải, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực du lịch ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Về phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Du lịch tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặc biệt là làm tốt công tác chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc về du lịch (dự kiến vào đầu năm 2023). Thứ trưởng nhấn mạnh, Hội nghị toàn quốc về du lịch tới đây cần đặt ra những định hướng lâu dài, tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

Tổng cục Du lịch tập trung phối hợp chặt chẽ với Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch để triển khai, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam ra thị trường quốc tế. Bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghiên cứu xây dựng các mô hình mới về phát triển du lịch như mô hình liên kết phát triển vùng, phát triển du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng...

Trân trọng cảm ơn sự quan tâm sâu sát và tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, thay mặt Tổng cục Du lịch, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết trong thời gian tới Tổng cục Du lịch cùng toàn ngành sẽ tập trung nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ giao phó, phấn đấu đạt được các mục tiêu đặt ra cho năm 2022.

Ảnh: TITC

Nhân dịp này, nguyên Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lê Tuấn Anh, nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Đỗ Minh Tuấn đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và hạng Nhì.

Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục