Hoạt động của ngành

Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa

Cập nhật: 22/07/2020 16:17:29
Số lần đọc: 850
Di sản văn hóa là những giá trị cốt lõi, được các thế hệ người dân tạo dựng, lưu giữ và truyền từ đời này qua đời khác, có sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương. Xác định được tầm quan trọng đó, những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh phúc đặc biệt chú trọng triển khai thực hiện, đạt những kết quả tích cực với nhiều dấu ấn nổi bật.

Đền Liệt sĩ huyện Vĩnh Tường không chỉ là nơi phụng thờ các Anh hùng liệt sĩ mà còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng vẻ vang của quê hương cho thế hệ trẻ.

Nhận thức rõ vai trò của di sản văn hóa, huyện Vĩnh Tường đặc biệt quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa thông qua việc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên quan và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện công tác tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu để đánh giá giá trị của từng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể...

Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp bảo tồn, khai thác giá trị phù hợp và đạt hiệu quả thiết thực, phục vụ công tác giáo dục truyền thống, quảng bá phát triển du lịch, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa quê hương, đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, đưa di sản văn hóa là tài nguyên phong phú, trở thành sản phẩm du lịch của huyện.

Trong 5 năm qua, trên địa bàn huyện có 40 di tích lịch sử văn hóa được tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di tích lịch sử văn hóa với tổng số kinh phí hơn 244 tỷ đồng. Đến nay, hầu hết các công trình đã hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng cao của nhân dân và du khách thập phương.

Các công trình tiêu biểu như đền Liệt sĩ huyện, đền Ngự Dội (xã Vĩnh Ninh); đền Ngòi (xã Lũng Hòa). Kinh phí tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di tích nêu trên chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. Trong đó, tiêu biểu nhất là Công ty cổ phần tập đoàn Phúc Sơn đã phát tâm công đức hơn 100 tỷ đồng xây dựng, tu bổ, tôn tạo các công trình đền Liệt sĩ huyện, đền Ngự Dội, đền Ngòi...

Trong quá trình tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử văn hóa, huyện Vĩnh Tường chỉ đạo triển khai rất chặt chẽ dưới sự giám sát thường xuyên, nghiêm ngặt của cộng đồng cư dân nơi có di tích. Từng chi tiết kết cấu công trình, trên từng hoa văn, họa tiết trang trí mĩ thuật; trong mỗi câu từ của các bức đại tự, hoành phi, câu đối; trong từng nghi lễ tâm linh qua các khâu, các bước tiến hành công việc của các công trình đều được chú trọng ở mức cao nhất, góp phần vừa giữ gìn, lưu truyền những yếu tố cũ, yếu tố nguyên gốc cùng với những giá trị lịch sử, văn hóa đã qua thời gian nhiều năm tháng, vừa phải bổ sung, cải thiện các điều kiện cần thiết để tiếp tục sử dụng, phát huy tốt nhất trong đời sống, truyền tải được thông điệp về các giá trị lịch sử, văn hóa, cốt cách của mảnh đất, con người Vĩnh Tường, từ “truyền thống vẻ vang” tiến vào “tương lai rộng mở”.

Cùng với việc tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di tích lịch sử văn hóa, huyện Vĩnh Tườngphối hợp chặt chẽ với Sở VH-TT&DL, Ban Quản lý di tích tỉnh tiến hành lập 28 hồ sơ khoa học đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh xếp hạng 28/28 di tích. Trong đó, đình Thổ Tang được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, đình Phương Viên, miếu Trúc Lâm thuộc thị trấn Thổ Tang được xếp hạng di tích quốc gia; Lễ hội đền Ngự Dội được xếp hạng Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; 23 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.

Hầu hết các lễ hội truyền thống tiêu biểu, đặc sắc trên địa bàn huyện như Lễ hội đền Ngự Dội, Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng, Lễ hội đền Đuông xã Bồ Sao, Lễ rước nước của các xã ven sông Hồng…; các trò chơi, trò diễn dân gian như tục “cướp con”, trò diễn “trâu rơm, bò rạ” trong lễ hội truyền thống xã Đại Đồng, trò chơi Hú đáo trong hội làng Lũng Ngoại, xã Lũng Hòa, trò “bắt trạch trong chum” trong Lễ hội Rưng, thị trấn Tứ Trưng, hát Xoan trong Lễ hội làng Hoàng Thượng, xã Kim Xá…; các phong tục, tập quán thuần hậu của người dân Vĩnh Tường được tích cực nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và bảo vệ.

Một số công trình, đề tài khoa học đã nghiên cứu và đề ra những giải pháp có tính thực tiễn như Đề tài “Điều tra, khôi phục sưu tầm và bảo tồn” hát Xoan của Phường Xoan Sậu, xã Kim Xá, lễ hội truyền thống xã Đại Đồng, lễ rước nước của các xã ven sông Hồng... Kết quả nghiên cứu của các đề tài đã tạo thuận lợi cho công tác phục dựng và phát huy giá trị nhiều lễ hội tiêu biểu trên địa bàn huyện, góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền.

Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác trên cả nước, huyện Vĩnh Tường đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể với thực trạng nguy cơ thất truyền, mai một của nhiều loại hình; việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, huyện Vĩnh Tường đang chỉ đạo triển khai đưa những di sản văn hóa này trở lại với cộng đồng sinh hoạt văn hóa, khơi dậy tình yêu, lòng tự hào đối với truyền thống văn hóa, văn hiến của quê hương thấm sâu trong mỗi người dân tới toàn cộng đồng.

Bài, ảnh: Thúy Hường

 

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Cùng chuyên mục