Hành trang lữ khách

Vườn địa đàng của Lê Bá Đảng

Cập nhật: 03/06/2024 16:53:34
Số lần đọc: 391
Hàng trăm tác phẩm nghệ thuật tại Không gian tưởng niệm Lê Bá Đảng chỉ là phần nhỏ trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của ông - người được giới am hiểu nghệ thuật gọi bằng danh xưng: Họa sư, Danh họa kết nối hai thế giới Đông - Tây. Không gian ấy cũng đủ làm cho người thưởng lãm chìm đắm vào thế giới nghệ thuật riêng biệt và độc đáo...


Một góc Không gian Tưởng niệm Lê Bá Đảng nhìn từ trên cao. Ảnh: X.H

Không gian nghệ thuật đặc biệt

Không gian Tưởng niệm Lê Bá Đảng (Lebadang Memory Space) nằm giữa ngọn đồi cao thuộc thôn Kim Sơn, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, phía tây TP.Huế. Nơi có suối chảy ngang qua, có đồi thông rợp bóng phía sau và khoảng trống trước mặt là cánh đồng uốn lượn.

Có thể viết ngàn trang sách về danh họa Lê Bá Đảng bởi sáng tạo nghệ thuật của ông đã được các nhà phê bình ghi nhận. Nhưng tôi cứ bị thôi miên bởi hành trạng và cuộc đời lao lực của ông dành cho nghệ thuật.

Lê Bá Đảng quê ở làng Bích La Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sinh năm 1921, năm 18 tuổi, ông đã phải rời làng quê, Tổ quốc, tham gia phong trào lính thợ chống phát xít tận nước Pháp xa xôi.

Tác phẩm nghệ thuật ngoài trời của Lê Bá Đảng. Ảnh: X.H

Sau Chiến tranh thế giới thứ II, ông học ở Học viện Nghệ thuật Toulouse và mới 29 tuổi ông đã có triển lãm đầu tiên ở kinh đô nghệ thuật Paris.

Từ đó cho đến khi ông mất vào năm 94 tuổi (2015), đều đặn từ 1 - 2 năm ông lại tổ chức triển lãm cá nhân một lần. Số lượng tác phẩm của ông lên đến con số hàng ngàn, có mặt trong nhiều bảo tàng nghệ thuật trên thế giới, trong nhiều bộ sưu tập của các nhà am hiểu nghệ thuật.

Tại Không gian tưởng niệm Lê Bá Đảng mà thực chất là một bảo tàng trưng bày các tác phẩm chọn lọc của ông, người xem mục kích được sự sáng tạo bền bỉ qua thời gian, những nỗ lực nhằm đem lại ánh sáng mới nghệ thuật tạo hình và màu sắc.

Từ lối đi xuyên qua khu vườn cỏ hoa có những bức tượng, phù điêu, những bức chạm khắc với đủ các chất liệu như đá, gốm, kim loại đến hai căn phòng, một nằm trên ngọn đồi, một âm qua ngọn đồi, là nơi tập hợp các bức tranh, tượng với nhiều loại chất liệu như sơn dầu, bột màu, mực tàu, bút sắt…

Thật kỳ lạ, rất khó gọi tên nhiều tác phẩm của Lê Bá Đảng, nó là cái gì đó không hẳn hội họa, không hẳn điêu khắc, không hẳn chạm trổ, nó tổng hợp các loại hình trong cùng một tác phẩm.

Một tác phẩm đặc trưng cho Không gian Lê Bá Đảng. Ảnh: X.H

Và chất liệu, có thể là giấy, là kim loại, là gốm, nhiều tác phẩm cũng pha trộn tất cả. Dường như khi sáng tạo, Lê Bá Đảng bắt các nguyên liệu hoặc chỉ cần có nguyên liệu trong tay là ông thổi hồn vào đó, đưa màu sắc, hình khối, nét chạm khắc vào đó, để chúng nói lên ngôn ngữ nghệ thuật của riêng ông.

Một tâm hồn thuần Việt

Tôi dừng rất lâu trước các họa phẩm nhỏ chỉ bằng bàn tay, thời kỳ đầu Lê Bá Đảng đến với hội họa. Chỉ là giấy và mực tàu, những con mèo do ông vẽ ở Phố Con mèo câu cá (Paris) đã nuôi sống ông và gia đình.

Từ những bức tranh mèo mini này mà Lê Bá Đảng đã bước chân vào và trở thành người khổng lồ trong giới nghệ thuật ở kinh đô Ánh sáng. Những bức tranh mèo vẽ theo kiểu tối giản, chỉ một nét chính, nhưng không bức nào giống bức nào, chúng sống động bằng một thứ bút lực ma mị, ám ảnh.

Những bức tranh mèo gần giống với các bức tranh nhỏ ông vẽ bằng bút sắt. Chúng cũng nhỏ chỉ bằng bàn tay, nét vẽ mảnh, ngoằn ngoèo kỷ hà, nhưng thấp thoáng trong đó có bức là những gương mặt người, có bức là các loại côn trùng, sâu bọ, động vật, có bức là những linh vật mờ ảo.

Người ta nói nhiều và giới phê bình nghệ thuật đã định danh tài năng, phong cách của Lê Bá Đảng bằng khái niệm Không gian Lê Bá Đảng. Thực sự tác phẩm của ông đã mở ra những chiều kích mới cho sáng tạo, chúng là tổng hợp của năng lực thị giác và ẩn giấu những suy tư về con người và thế giới.

Có giai đoạn, ông đã trình bày tác phẩm bằng góc nhìn từ trên cao xuống thiên nhiên, khiến tranh ông bàng bạc một ý niệm mới mẻ. Khoảng xanh kia có thể là ruộng lúa hay hồ nước, những đường kỷ hà kia có thể là nếp gấp gãy của những núi cao, vực sâu, những chấm nhỏ kia có thể là ngôi làng, mái nhà yêu dấu...

Tác phẩm Con ngựa/Horse của Lê Bá Đảng. Ảnh: X.H

Rồi những tượng và những ô rỗng cũng được nhìn theo nhiều phía, nhiều hướng. Nét cắt lập thể nhìn ra một ô nón, một chiếc áo tơi, hay khoảng rỗng như là khoảng trời tuổi thơ hay ô cửa sổ soi chiếu của mỗi người.

Chính Lê Bá Đảng cũng đã nói về hành trình khai mở không gian nghệ thuật cho riêng mình. Trong một tự sự về sáng tạo nghệ thuật, ông viết: Từ thuở sơ khai, con người đã biết sống hòa thuận cùng tạo hóa thiên nhiên và đã thấy cần thiết để lại cái gì mang dấu đi qua. Nghệ thuật là con đường ngắn nhất nối liền người này qua người khác, qua cả không gian và thời gian. Đây là ý chính trong “Không gian của tôi”.

Vừa là tượng, vừa là tranh, cũng vừa là chạm nổi, mật thiết, chen chúc cùng nhau tạo nên bầu không khí hài hòa giữa mỹ thuật, con người và tạo hóa trong khung cảnh ở đây để gặp nhau đầy tình cảm.

Một điều đặc biệt trong nghệ thuật của Lê Bá Đảng là tình yêu quê hương. Tác phẩm của ông vì thế, luôn là sự nhào nặn, thấu cảm thiên nhiên, con người Việt Nam. Ông từng tâm sự: Tôi chưa bao giờ rời bỏ quê hương. Dù cho trên thực tế tôi sống xa quê nhưng tâm hồn tôi vẫn luôn gắn bó với quê nhà. Và trong lao động nghệ thuật, tất cả những gì tôi làm chỉ là phản ánh tình yêu vô cùng đa dạng đó...

Phạm Xuân Hùng

Nguồn: Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Đăng ngày 2/6/2024

Cùng chuyên mục