Non nước Việt Nam

Yên Mô (Ninh Bình) lưu giữ và phát huy giá trị hát Xẩm

Cập nhật: 20/10/2020 07:54:55
Số lần đọc: 1003
Là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cũng là quê hương của nghệ thuật hát Xẩm, hát Chèo đặc sắc, những năm gần đây, huyện Yên Mô đã quan tâm lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể như hát Chèo, hát Xẩm, đặc biệt là nghệ thuật hát Xẩm.

Một cảnh trong chương trình phim ca nhạc "Chuyện Xẩm".

Cô Lê Thị Chiến, Chủ nhiệm CLB Xẩm chợ Lồng, xã Yên Phong (huyện Yên Mô) là người đã nhiều năm gắn bó với nghệ thuật hát Xẩm, từng đi biểu diễn và giao lưu ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh chia sẻ: CLB Xẩm chợ Lồng thành lập và đi vào hoạt động được hơn 2 năm, với 15 thành viên, gồm những người yêu thích các môn nghệ thuật truyền thống, trong đó chủ yếu là hát Xẩm, hát Chèo. 

Các thành viên tham gia CLB bằng tình yêu dành cho môn nghệ thuật truyền thống và mong muốn truyền tình yêu đó cho mọi người. Các thành viên trong CLB làm nhiều nghề nghiệp khác nhau, nhưng hàng tháng đều cố gắng tập hợp để sinh hoạt, tập luyện. Bằng nguồn kinh phí tự đóng góp, các thành viên mua sắm trang phục, dụng cụ, đi giao lưu, biểu diễn tại nhiều sự kiện, hội thi, liên hoan ở trong và ngoài tỉnh. 

Anh Bùi Công Sơn, Phó Chủ nhiệm CLB Xẩm chợ Lồng là 1 người trẻ, năm nay mới gần 30 tuổi nhưng có tình yêu với hát Xẩm gần chục năm nay. Anh cũng chính là người thường xuyên được mời đi truyền dạy nghệ thuật hát Xẩm trong các lớp tổ chức dạy hát Chèo, hát Xẩm trong và ngoài huyện Yên Mô. Anh Sơn chia sẻ, do có niềm yêu thích với loại hình hát Xẩm, nên anh theo học từ thời niên thiếu. Hiện giờ, có trình độ nhất định, nên anh đi truyền dạy, với mong muốn có thêm nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ yêu thích và học hát Xẩm.

Được biết, tại Liên hoan hát Xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc năm 2019 diễn ra tại Ninh Bình, CLB Xẩm chợ Lồng, xã Yên Phong đã đạt 1 giải nhất tập thể. Cá nhân anh Bùi Công Sơn, Phó Chủ nhiệm CLB Xẩm chợ Lồng đã đạt 1 giải nhì cá nhân. Không chỉ chuyên về hát Xẩm, các thành viên trong CLB Xẩm chợ Lồng còn luôn nêu cao ý thức tự học, tự luyện, tham gia học nâng cao, học chuyên sâu và học thêm các môn nghệ thuật truyền thống khác như hát Chèo, hát Văn..., từ đó có thêm kinh nghiệm, nâng cao trình độ biểu diễn, cách hát, lối hát ngày càng điêu luyện, chuyên nghiệp...

Một buổi truyền dạy nhạc cụ hát Xẩm.

Ông Vũ Xuân Năng, CLB hát Chèo, hát Xẩm xã Yên Phong năm nay đã vào tuổi "thất thập cổ lai hi", nhưng ông là một trong số rất ít nhạc công có thể vừa đánh trống vừa gõ xênh - là các nhạc cụ dùng để đệm khi biểu diễn hát Xẩm. Ông Năng hiện cũng là một trong số rất ít người của huyện Yên Mô và cả nước có trong tay đôi trống mảnh và cặp sênh quý hiếm, đã gắn bó với ông gần 50 năm qua.

Ông Năng cho biết: Là người có nhiều năm gắn bó và cùng Nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu đi biểu diễn, lưu diễn cũng như truyền dạy hát Xẩm, ông nhận thấy, thật sự cần thiết việc truyền dạy cho thế hệ trẻ môn nghệ thuật hát Xẩm, để loại hình nghệ thuật độc đáo này không thể mai một, không bị mất đi. Do đó, ông luôn nhiệt tình và sẵn sàng tham gia các lớp truyền dạy nhạc cụ trong biểu diễn hát Xẩm, để tiếng trống Xẩm rộn ràng cùng nhịp phách lách cách thân thương ấy không bao giờ bị mai một.

Hiện nay, tuy đã tuổi cao, nhưng ông Năng vẫn liên tục được mời đi biểu diễn cùng những người hát Xẩm tại các cuộc thi, hội thi, giao lưu văn hóa nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Và hiện trên địa bàn huyện Yên Mô vẫn chưa có ai có thể thay thế được ông trong việc vừa đánh trống vừa gõ xênh cho người hát Xẩm. 

Niềm vui đến với ông Năng, khi vừa qua ông được Nhà nước công nhận danh hiệu Nghệ nhân nghệ thuật trình diễn dân gian, thuộc loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang nắm giữ.

Ông Nguyễn Xuân Bính, Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Yên Mô cho biết: Huyện Yên Mô được biết đến là quê hương của hát Xẩm độc đáo và hiếm có, do vậy, những năm qua, huyện đã được giao và xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy hiệu quả môn nghệ thuật độc đáo này.

Một trong những hình thức nhằm lưu giữ và phát huy môn nghệ thuật Xẩm là huyện đã phối hợp và tổ chức các lớp truyền dạy cách hát, cách sử dụng dụng cụ trong hát Xẩm. Trong 5 năm qua (2015-2020), đã có hơn 10 lớp truyền dạy Xẩm được tổ chức, gồm cả các lớp học hát và sử dụng nhạc cụ hát Xẩm cho những người dân yêu thích, các giáo viên dạy âm nhạc trong trường Tiểu học, THCS và học sinh trên địa bàn.

Việc tổ chức kịp thời các hoạt động truyền dạy có ý nghĩa bảo tồn, lưu giữ và phát triển loại hình văn hóa đang có nguy cơ bị thất truyền trong dân gian, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Đây cũng là cụ thể hóa, triển khai kịp thời các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể hát Xẩm theo tinh thần Nghị quyết số 15 của BCH Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch số 07 của UBND tỉnh Ninh Bình và Kế hoạch số 384 của UBND huyện Yên Mô về thực hiện Đề án "Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm truyền thống" và phát triển du lịch huyện Yên Mô đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Bài, ảnh: Mỹ Hạnh

Nguồn: Báo Ninh Bình

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT