Tin tức - Sự kiện

Du lịch với nghệ thuật truyền thống

Cập nhật: 18/06/2008 15:30:45
Số lần đọc: 1870
Trong thời đại toàn cầu hóa, nhiều quốc gia coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Có nhiều loại hình du lịch: du lịch thể thao, du lịch leo núi, du lịch nhảy dù, du lịch thám hiểm, du lịch mạo hiểm, du lịch hội thảo, du lịch sinh thái, du lịch hội thảo - hội nghị, du lịch văn hóa... Ở nước ta, văn hóa là nội dung chủ yếu của du lịch.

Dù văn hóa là một bông hoa đầy hương sắc quyến rũ, song trong một số trường hợp thì chính sự phát triển của du lịch đóng vai trò quan trọng cho sự tồn tại, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa.

 

Ở đây muốn nói tới việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy các nghệ thuật truyền thống dân tộc- tuồng, chèo, các loại hình nghệ thuật như trống quân, hát xoan, hát ghẹo, hát chèo tàu, hát dô, múa rối nước...

 

Ðể bảo tồn, phát huy ảnh hưởng to lớn của các loại hình nghệ thuật truyền thống là các loại hình này phải sớm hướng tới phục vụ khách du lịch quốc nội, nhất là khách quốc tế.

 

Hiện nay mới chỉ có múa rối nước  đã thành công trong việc hướng tới phục vụ du khách quốc tế. Nhà hát múa rối Thăng Long (Hà Nội) lúc nào cũng nườm nượp du khách quốc tế đến từ khắp các châu lục.

 

Tâm lý du khách bao giờ đến một xứ sở xa lạ đều có nhu cầu thưởng thức các loại hình nghệ thuật của địa phương, thành phố mà mình tới thăm và khám phá các vẻ đẹp của nó, bao gồm cả vẻ đẹp và sự độc đáo trong các loại hình nghệ thuật địa phương.

 

Ðến Bắc Bộ du khách ngoài việc đi thăm các danh thắng ở Thủ đô và vùng phụ cận, thăm Vịnh Hạ Long thì họ có nhu cầu thưởng thức các loại hình nghệ thuật đặc sản của Thủ đô và đất bắc như chèo, quan họ, xoan, ghẹo, hát trống quân, chầu văn...

 

Ðến thăm Huế họ muốn thưởng thức hò Huế, dân ca Thừa Thiên, nhạc cung đình - đặc sản đất thần kinh. Vào Bình Ðịnh họ có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật tuồng cũng như võ thuật truyền thống xứ sở của Tây Sơn tam kiệt (ba anh em họ Nguyễn - Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ).

 

Một vấn đề nan giải đặt ra là nếu biểu diễn nghệ thuật dân tộc theo lối truyền thống như hát quan họ theo lối cổ, lối cũ, lối truyền thống, thì giới trẻ không mấy hứng thú, trong khi đó dân ca quan họ lâu nay vẫn hát theo kiểu nhà đài, kiểu văn công quan họ Bắc Ninh lại thấy thú vị hơn.

 

Có thể quan họ kiểu văn công không là nguyên bản quan họ, không là quan họ "xịn" như nó vốn có từ các thời xa xưa ông bà, cụ kỵ chúng ta vẫn hát, nhưng nó vẫn làm thanh niên, trung niên... thích thú.

 

Ðây là thứ quan họ đã được cải biên ít nhiều. Nó gây được sự hứng thú của đông đảo người dân với quan họ và như thế quan họ vẫn sống. Thứ quan họ xịn, quan họ cổ truyền nên dùng để phục vụ cho du khách quốc tế, những người có nhu cầu muốn tìm hiểu nguyên bản quan họ như thế nào!

 

Kịch Noh của Nhật Bản nổi tiếng thế giới. Nhưng để hiện tồn sân khấu Noh cũng phải tồn tại hai dạng. Một là đã được cải biên để phục vụ thanh niên Nhật, hai là Noh truyền thống để phục vụ các nhà nghiên cứu và du khách quốc tế.

 

Các loại hình nghệ thuật như chèo, tuồng... là sản phẩm của một thời qua, một thời xa. Tuồng là sản phẩm nghệ thuật thời phong kiến, với các ông hoàng, bà chúa, ông tướng, ông quan (quan trung và quan nịnh).

 

Chèo phù hợp khung cảnh nông thôn Bắc Bộ thời phong kiến, lấy nông nghiệp làm chính. Nhịp điệu nhanh, mạnh của xã hội theo hướng công nghiệp hóa, kinh tế tri thức đòi hỏi phải xuất hiện những loại hình nghệ thuật khác phù hợp với xã hội hiện đại trong khung cảnh toàn cầu hóa.

 

Chèo, tuồng, cải lương, dân ca kịch bài chòi... trở nên nghệ thuật truyền thống quý báu cần bảo tồn. Những nghệ thuật đó, hay, đẹp, rất tuyệt vời, tuyệt diệu, nhưng phải biết cách tự quảng cáo vẻ đẹp của mình nếu không muốn cứ bị khuất lấp dưới ngôn từ "vẻ đẹp tiềm ẩn".

 

Ta phải có cách để bảo tồn nó một cách hữu hiệu, mà chính sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ du lịch đã trở nên cơ hội trời cho với việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật dân tộc, một phần của văn hóa Việt Nam.

 

Ngày nay, mọi người thấy rõ việc người Việt chơi nhạc giao hưởng là cần thiết, nó chứng tỏ năng lực tiếp thụ nghệ thuật châu Âu của người Việt. Nhưng không có lẽ du khách bỏ bao nhiêu tiền sang nước ta chỉ để thưởng thức người Việt chơi nhạc giao hưởng? Cái họ cần xem là ca nhạc, múa, kịch  in đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam.

 

Ðiều cần thiết với người Việt Nam là  ngoài việc ta phải học hỏi cái hay, cái đẹp, cái tốt, cái tích cực của thế giới muôn mầu, ta cần phải chứng tỏ, phải thể hiện cái bản sắc văn hóa độc đáo của mình. Ta phải đào sâu, nâng cao vốn văn hóa truyền thống của mình, cách làm ta khác với các dân tộc khác. Ta hiện đại sẽ phải như người phương Tây hiện đại, song đồng thời ta phải độc đáo, sáng tạo như người Việt vốn độc đáo, sáng tạo.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT