Tin tức - Sự kiện

Khai thác giá trị di sản trong chiến lược phát triển du lịch

Cập nhật: 19/06/2008 09:06:21
Số lần đọc: 2054
Vị trí địa lý và lịch sử văn hoá đã đem lại cho Việt Nam nhiều di sản rất có giá trị trải dọc theo chiều dài đất nước. Những giá trị đó là nguồn tài nguyên quan trọng có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

Tài nguyên du lịch của nước ta rất đa dạng. Bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, chúng ta còn có những tài nguyên văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Hiện nay, cả nước có hơn 100 vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, các khu danh thắng nổi tiếng như: Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và khoảng 40.000 di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, trong đó trên 2.800 di tích được xếp hạng quốc gia. Các di sản văn hóa thế giới như: Cố đô Huế, Di tích Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, Nhã Nhạc Cung Đình Huế, Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên là niềm tự hào đồng thời cũng là những báu vật vô giá của dân tộc ta. Nếu tổ chức khai thác tốt, các di sản này sẽ thúc đẩy ngành du lịch nước ta phát triển xứng với tiềm năng của đất nước.

 

Theo ông Lê Trọng Bình, TS.KTS. Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển (NCPT) Du lịch "Hệ thống di sản là cơ sở hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hoá góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực châu Á, thu hút lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, đem lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế quốc dân".


Khách quốc tế tới Việt Nam ngày càng đông (năm 2006 khoảng 3,6 triệu lượt, năm 2007 ước tính sẽ đón từ 4 – 4,4 triệu lượt) và mức chi trả cho hoạt động du lịch của họ tại Việt Nam ngày càng tăng đã phản ánh được rằng Việt Nam có du lịch hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu của du khách. Phần lớn khách quốc tế tới nước ta đều cho rằng họ đi du lịch là để khám phá, khám phá những nét độc đáo của bản sắc dân tộc Việt Nam, khám phá những điều kỳ diệu của các danh thắng mà chỉ ở Việt Nam mới có để từ đó họ hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam. Tất cả điều đó có lẽ du khách sẽ tìm thấy được khi họ có những chuyến tham quan thực tế tại các di sản, đặc biệt là các di sản thế giới của chúng ta. Điều đó đã khẳng định vai trò của các di sản đối với sự phát triển của du lịch nước ta.


Các di sản thế giới đã được công nhận của Việt Nam luôn được đánh giá cao và được định hướng khai thác để phát triển trở thành các khu, điểm du lịch có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, làm động lực cho sự phát triển du lịch của cả nước. Chẳng hạn như: Di sản Vịnh Hạ Long được xác định là không gian du lịch chủ yếu của Trung tâm du lịch Hải Phòng - Quảng Ninh hay 2 Di sản ở Huế, phố cổ Hội An, Mỹ Sơn là không gian du lịch chính ở Trung tâm Huế - Đà Nẵng đồng thời của vùng du lịch Bắc Trung Bộ và đặc biệt còn gắn với phát triển du lịch hành lang Đông – Tây.

 

Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010 và định hướng tới năm 2020, toàn bộ các khu di sản đều nằm trong khu du lịch quốc gia. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của các di sản trong khai thác giá trị du lịch ở Việt Nam hiện nay.

 

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, các di sản mặc dù đã được chú trọng phát huy giá trị trên phương diện du lịch tuy nhiên so với tiềm năng của nó thì việc khai thác còn chưa hiệu quả. Ngay cả các di sản đã được công nhận là di sản thế giới, vấn đề này cũng đang cần phải xem xét một cách tổng thể. Chúng ta thiếu những khu du lịch, sản phẩm du lịch đặc sắc có tầm cỡ trong khu vực cũng như trên thế giới. Mặt khác, các di sản của Việt Nam hiện nay đang có nguy cơ suy giảm giá trị do bị xâm phạm, xuống cấp...

 

Trước thực trạng và tính cấp bách của vấn đề này, trung tuần tháng 10 vừa qua, một hội thảo với chủ đề Quản lý, bảo tồn và phát triển du lịch tại các di sản thế giới ở Việt Nam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp tổ chức. Hội thảo đã được nghe các bài tham luận của các chuyên gia Việt Nam và Tây Ban Nha về quản lý, bảo tồn di sản thế giới trong xu hướng phát triển mạnh mẽ các loại hình du lịch ở Việt Nam, các vấn đề như quy hoạch và định hướng phát triển du lịch tại các khu vực có di sản thế giới ở Việt Nam; Vấn đề du lịch và di sản; Bảo tồn di sản văn hóa thế giới và phát triển du lịch tại các di sản văn hóa thế giới hiện nay ở Việt Nam; một số vấn đề cụ thể của các di sản thế giới ở Việt Nam.

 

Cũng tại cuộc Hội thảo này, các chuyên gia trên lĩnh vực bảo tồn di sản đểu tỏ ra lo ngại đối với một số di sản thế giới ở Việt Nam chưa được quản lý, bảo tồn theo hướng bền vững, một số di sản bị xâm hại làm ảnh hưởng đến giá trị của di sản thế giới. Việc tôn tạo, bảo tồn các giá trị của di sản là cần thiết tuy nhiên, việc lạm dụng quá sẽ đem đến những kết quả ngược lại.

 

Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch "Hiện nay, một trong những hạn chế cơ bản của du lịch Việt Nam là thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Trong trường hợp này, bản thân các di sản thế giới đã là những tài nguyên du lịch như vậy, chính vì thế việc khai thác có hiệu quả những giá trị này cần được phát huy, góp phần khắc phục những hạn chế của du lịch Việt Nam trong quá trình hội nhập".

 

Để khai thác hiệu quả giá trị du lịch từ các di sản thế giới, có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết và cần sự phối hợp liên ngành, liên vùng. Bên cạnh công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị của các di sản, hoạt động xúc tiến quảng bá được đánh giá là hết sức quan trọng, đặc biệt là các chương trình quảng bá, xúc tiến tại nước ngoài. Di sản thế giới tại Việt Nam được xem là tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao và chúng ta tin tưởng đó chính là những lợi thế để du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Nguồn: Website Đảng CSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT