Tin tức - Sự kiện

Nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu với ước mơ khôi phục

Cập nhật: 26/06/2008 10:06:22
Số lần đọc: 1727
Thật may mắn khi tôi được gặp chị ở Hội chợ Triển lãm Tuần lễ xanh vừa tổ chức tại Hà Nội. Đứng sau quầy trưng bày hàng chục mẫu túi xách, mũ, áo thổ cẩm rực rỡ với những hạt cườm lấp lánh, chị thật nhỏ bé nhưng vẫn nổi bật với ánh mắt đầy nghị lực và tham vọng. Chị là Nguyễn Thị Kim Lan (người Cơ Tu) ở thôn Zơ Ra, xã TaBhing (Nam Giang - Quảng Nam), người có công mang thổ cẩm Cơ Tu đi khắp đất nước...

Hai bàn tay thoăn thoắt đẩy lên đẩy xuống chiếc khung cửi gồm 9 thanh tre dài và 2 thanh gỗ, chị Lan “biểu diễn” cho chúng tôi xem nghệ thuật dệt thổ cẩm của người Cơ Tu. Chị cho biết: “Nghề dệt vải thổ cẩm ở Zơ Ra có từ lâu đời. Khi tôi biết cầm cái cuốc, biết lên rừng lấy củi đã thấy phụ nữ trong làng ngồi dệt rồi. Tôi học được kỹ thuật dệt vải truyền thống từ bà và mẹ, hai người dệt khéo nổi tiếng trong làng. Chính vì thế, 15 tuổi tôi đã thành thạo các ngón nghề”.

Cũng như nhiều dân tộc anh em khác sống trên dải Trường Sơn - Tây Nguyên, trang phục của người Cơ Tu thể hiện bản sắc văn hoá riêng, phản ánh mọi khía cạnh trong đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc. Được tạo nên từ những loại cây, củ, quả có sẵn trong rừng, những chiếc khố (cha lon), áo cột tay (a doót), tấm choàng (a duông), váy dài (cơ đơớch) của người Cơ Tu được coi là “công trình” dệt rất tỉ mỉ, công phu, đòi hỏi người phụ nữ phải kiên trì, chịu khó, đồng thời phải có đôi tay khéo léo và óc thẩm mỹ, sáng tạo. Để có màu đỏ, dùng củ nâu giã nát ngâm lâu ngày, màu chàm lấy từ cây tà râm, màu vàng từ củ ma rớt và đính những hạt cườm trắng tạo hoa văn. Chính vì kỳ công như thế nên để dệt một chiếc váy, người Cơ Tu phải mất 15-30 ngày. Chỉ những hoạ tiết xinh xắn trên thân váy, chị Lan cho biết: “Mỗi kiểu hoa văn cũng có ý nghĩa riêng, ví dụ, hoạ tiết “vũ nhân” tượng trưng cho hình ảnh người phụ nữ đang múa, hoạ tiết hình thoi tượng trưng cho trái đất… Ngoài ra, còn có hình hoa ablơm (hoa tình yêu), lá atút hình chiếc chong chóng, là hình người đàn ông Cơ Tu múa tung tung (múa nam), lá trầu, dây buộc nhà gươl, hoa rừng... được trang trí đối xứng trên thân váy.

 

Trang phục của người Cơ Tu không cầu kỳ về màu sắc, màu chủ đạo là đen và đỏ, do bà con quan niệm chàm đen là màu của đất, đỏ là màu của mặt trời. Đất và trời tượng trưng cho hai đấng tối cao thiêng liêng, luôn được người Cơ Tu ngưỡng vọng. “Trước đây, chúng tôi chỉ biết dệt vải cho mình mặc, qua thời gian, nhiều kỹ thuật cầu kỳ bị quên lãng. Thổ cẩm Cơ Tu đẹp, bền nhưng không có thị trường bởi người Cơ Tu sống theo kiểu tự cung tự cấp, hầu như nhà nào cũng có 1 khung dệt. Bên cạnh đó, giá thành mỗi chiếc váy khá cao (200.000-300.000 đồng/chiếc). Chỉ có thể bán cho khách du lịch và đa dạng hoá sản phẩm mới mong khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm, nhưng kinh doanh như thế nào thì một mình tôi không thể làm nổi”, chị Lan tâm sự.


Ước mơ khôi phục và giới thiệu sản phẩm thổ cẩm Cơ Tu của chị Lan đã được thực hiện năm 2000, khi Tổ chức Cứu trợ và Phát triển quốc tế của Nhật Bản (FIDR) tài trợ kinh phí cho Zơ Ra phục hồi nghề dệt. Chị Lan đứng ra vận động chị em phụ nữ trong thôn thành lập nhóm dệt thổ cẩm gồm 33 người do chị làm tổ trưởng. Thông qua 4 đợt tập huấn về thiết kế mẫu mã, nhóm dệt thổ cẩm Zơ Ra đã cho ra đời hàng trăm mẫu sản phẩm phong phú, đa dạng và bắt mắt. Ban ngày các chị lên nương, làm rẫy; tối tối lại tụ tập ở nhà chị Lan dệt vải, thêu váy áo, khăn, ví, túi xách, mũ… Chỉ trong mấy năm, nghề dệt vải ở đây đã trở nên nhộn nhịp và phát triển như một làng nghề.


“Vấn đề khó nhất của chúng tôi là đầu ra bởi phải tự tiếp thị, trong khi trình độ của chị em rất hạn chế. Để tiêu thụ tốt sản phẩm, giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước, chúng tôi phải kêu gọi thêm sự trợ giúp của chính quyền địa phương, tham gia 3 lần hội chợ, triển lãm và giới thiệu sản phẩm trong các tour du lịch. Hiện, thổ cẩm Cơ Tu có 24 mặt hàng, sản phẩm có mặt ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, chị em trong nhóm đã có thêm thu nhập”, chị Lan tâm sự.


Hi vọng với nỗ lực của chị Lan và các thành viên trong nhóm, cộng với sự trợ giúp của chính quyền địa phương, thổ cẩm Cơ Tu sẽ có cơ hội bay xa.

Nguồn: Quảng Nam

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT