Non nước Việt Nam

Phong tục cưới hỏi của người Giẻ Triêng (Kon Tum)

Cập nhật: 03/03/2011 10:03:00
Số lần đọc: 2476
Bước sang tuổi 15, các cô gái Giẻ Triêng bắt đầu hành trình đi “kiếm củi hứa hôn” để “bắt chồng”.

Nhiều củi tình yêu càng mặn nồng


Theo một người già nhất trong làng cho biết, con gái người dân tộc Giẻ Triêng ở cực Bắc Tây Nguyên khi bước qua tuổi 15 bắt đầu nghĩ tới việc vào rừng đốn củi để đủ điều kiện “bắt chồng”.


Mỗi lần lên rẫy, các bà mẹ lại chỉ dẫn tỉ mỉ cho các cô con gái bé nhỏ của mình cách nhận biết cây củi “hứa hôn”. Tiêu chí đốn củi nhiều, đẹp, đều đồng nghĩa với việc sau này tình yêu đôi lứa của cô gái này với chàng trai càng trở nên sâu nặng.

 

Theo phong tục người Giẻ Triêng, trước khi tiến hành nghi lễ “bắt chồng” thì người con gái phải đốn đủ 100 bó củi (dài từ 80 — 90 cm), điều này đã đi vào đời sống của mọi người hàng ngàn năm nay và trở thành “luật bất thành văn”.


Củi hứa hôn nhất thiết phải là cây dẻ, một loại cây mọc khá thẳng, vừa chắc phơi khô và cõng về nhà, khi đốt rất đượm than.


Khi đã chuẩn bị củi hứa hôn đồng nghĩa với việc đã biết tỏ tình. Củi hứa hôn là của hồi môn nhà con gái đem dành cho nhà trai.

 

Sau khi đã chuẩn bị đủ số lượng củi, cố tìm đến chàng trai mà mình “ưng cái bụng” để “đánh tiếng”, nếu chàng trai đồng ý thì buổi tối tự nguyện đến tâm sự với cô gái tại nhà Rông.


Theo phong tục ở đây, chỉ cần quan sát củi hứa hôn có thể đoán biết được phẩm chất, tài khéo léo của người thiếu nữ đó, giỏi giang hay vụng về. Cây củi được chặt bằng, bó củi đều nhau có nghĩa cô con dâu khéo tay.


Thiếu nữ phải dùng dao chặt củi thật tỉ mỉ thành 5 cánh nhưng từng thanh củi nhất thiết không được rời ra.


Theo tục trước đây, khi đi đốn củi hứa hôn, người con gái phải tự mình vào rừng tìm cây và đốn củi mang về, nhưng nay, người thiếu nữ có thể nhờ người thân giúp đỡ.

 

Theo tục lệ cũ, con trai khoảng 10 tuổi bắt đầu ngủ đêm tại nhà Rông, sau đó vài ba năm sẽ lấy vợ. Con gái chủ động trong việc hôn nhân của mình và sự lựa chọn của con cái được cha mẹ tôn trọng.

Trước khi lập gia đình, con trai phải biết đan lát, biết tấu chiêng cồng, các cô gái phải thạo đan chiếu, dệt vải (ở những vùng có nghề dệt). Cô gái phải chuẩn bị đủ 100 bó củi đẹp để nộp cho nhà trai trong lễ cưới.


Đêm tân hôn không được ăn trái cấm


Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ được phép ngủ chung với nhau môt sạp nhưng tuyệt đối không được làm “chuyện đó" trong đêm tân hôn mà phải sau ngày cưới một năm, đôi vợ chồng trẻ mới được ăn trái cấm.

 

Từ xưa nay ai cũng vậy, ai chưa đủ một năm đã sinh con thì bị làng phạt vạ, nhẹ nhất là một con heo, còn nặng thì một con bò.


Các chàng trai người Giẻ Triêng sau khi tiến hành hôn lễ, phải cắp quần áo sang nhà gái làm phận nô tỳ, thường chàng trai phải ở rể 3 năm trở lên, coi đây là nghĩa cử báo đáp công nuôi dưỡng sinh thành của gia đình nhạc phụ.

 

Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ phải sống và luân phiên chuyển nhà từ nhà cha mẹ vợ sang nhà cha mẹ chồng, và ngược lại cứ ba đến bốn năm một lần, cho đến khi cha mẹ một bên qua đời mới định cư một chỗ.

Nguồn: TITC - sưu tầm

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT