Non nước Việt Nam

Văn hóa nhà sàn người Khơ Mú ở Yên Bái

Cập nhật: 03/03/2011 08:16:03
Số lần đọc: 2169
Bản làng người Khơ Mú ở Văn Chấn (Yên Bái) không qui mô, không rộng lớn như của người Thái, người Tày. Thường họ lập làng bản trên sườn đồi, nơi gần nguồn nước theo hệ thống mật tập (nghĩa là hình thái sắp xếp không theo một thứ tự nhất định nào, không có đường ngõ, không rào giậu, chỉ có những lối mòn tự nhiên nối nhà nọ qua nhà kia). Qua những nếp nhà đó, dễ cho ta ấn tượng phong cách núi rừng.

Càng tìm hiểu, càng dần phát hiện lối kiến trúc độc đáo mang đậm đặc trưng văn hóa nhà sàn. Thật vậy, xung quanh việc làm nhà và ở nhà sàn truyền thống là những câu chuyện văn hóa mang tính luật tục lại vừa mang tính tâm linh và đẫm chất nhân văn. Nhà sàn Khơ Mú kiểu cổ truyền phải là hình dáng: nhà hai mái cao (nếu theo kiểu nhà người Thái trắng) hoặc nhà hai mái, đầu hồi ghép phụ, hay bốn mái (theo kiểu của người Thái đen). “Khau cút” đầu hồi mái nhà hình con ốc Cauris moneta (chưn đrưng klọ), tượng trưng cho lòng mong muốn được giàu có của gia đình (khác với “khau cút” hình trăng khuyết của người Thái).

 

Từ xa xưa, trong tiềm thức của người Khơ Mú là phải làm một kiểu nhà an toàn, chịu đựng được điều kiện nơi núi cao rừng sâu. Vì thế, những ngôi nhà truyền thống ra đời, gắn với đồng bào hàng ngàn năm, giúp họ tồn tại, phát triển và tránh được biết bao hiểm nguy bởi thú dữ, bởi thiên tai khắc nghiệt. Để có ngôi nhà vừa ý, người Khơ Mú chọn những loại gỗ tốt làm khung, mái lợp gianh, nhờ khói bếp lâu ngày bám vào mà tạo được độ bền. Để thoáng mát và có màu đen, nâu bóng, người ta làm sàn nhà cao hơn mặt đất chừng 2m.

 

Những cây bương to, thẳng, già, qua quá trình xử lý mới được sử dụng làm giát. Ngôi nhà không chỉ để đủ cho nhiều thế hệ cùng chung sống mà còn là nơi gặp gỡ anh em họ tộc, bà con làng bản mỗi khi gia đình có việc. Vì thế, diện tích nhà thường rộng từ 60 đến 80m². Nhà sàn Khơ Mú cấu trúc 3 gian. Bếp nấu được làm ngay ở góc gần cầu thang phía trước. Một bếp nữa ở gian thứ hai đặt lễ thờ cúng tổ tiên, ma nhà… Bếp thứ ba ở gian trong cùng, chỉ để xôi cơm, nấu rượu (biểu thị sự giàu có, sung túc). Khách không nên đến gần hai bếp này vì đồng bào quan niệm dễ đem điều rủi ro tới cho chủ nhà.

 

Tùy theo qui mô lớn, nhỏ của nhà mà số lượng cửa sổ nhiều hay ít, to hay nhỏ, cao hay thấp. Xuất phát từ tính tập thể rất cao nên khi làm nhà, các hộ trong bản thường tập trung đến làm cùng. Chủ nhà mổ lợn, giết gà làm cơm cho cả bản cùng ăn. Nhà dựng xong, gia đình tổ chức tối vui văn nghệ tại nhà. Dịp này, nam thanh nữ tú, thậm chí nhiều người cao tuổi đến chúc phúc gia chủ. Họ diễn xướng nhiều nhạc cụ như: cồng chiêng, pí tót, âm đinh, tính tờ la, cùng nhau nhảy những điệu “tăng bu, tăng bảnh”. Đặc biệt, không thể thiếu “Tẹ cạ grang” (múa cá lượn) để bày tỏ tình yêu và khát vọng về cuộc sống nơi ở mới càng ngày càng hạnh phúc, đủ đầy.

 

Trường hợp sửa chữa nhà cửa thì chủ nhà phải sửa lễ, gọi là Soi gang. Lễ cúng ma nhà được tiến hành ở gian giữa, nơi đặt bàn thờ tổ tiên và lễ vật phải có rượu cần. Sau khi khấn xin tổ tiên, cha mẹ (kể cả ma nhà) về chứng kiến, phù hộ cho con cháu, gia chủ tiếp tục lễ gọi “hồn” cồng chiêng (gồm chiêng đực, chiêng cái và chiêng con). Có vậy, chiêng mới được phép đánh lên cho mọi người vui với gia đình sau đó. Tóm lại, nhà sàn truyền thống của người Khơ Mú biểu hiện đặc trưng, tình cảm, lối sống của một tộc người. May mắn ở xã Nghĩa Sơn (nơi định cư duy nhất của bà con Khơ Mú), số lượng nhà sàn truyền thống còn khá nhiều.

 

Nhà sàn Khơ Mú là ngôi nhà thân thương đã hun đúc nên tinh thần một tộc người có ý thức cộng đồng cao với sự kết cấu, hòa hợp lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ. Nhà sàn là cầu nối giữa con người với vũ trụ; là nơi gửi gắm niềm tin giữa con người với các thần linh, là nơi lưu giữ những giá trị tinh thần. Đó cũng là biểu tượng văn hóa mang đậm bản sắc khi nền kinh tế nương rẫy đóng vai trò quan trọng trong đời sống của họ. Nhà sàn Khơ Mú được xem như một bảo tàng nghệ thuật sống, không chỉ với những kiến trúc mà còn phản ánh về vai trò và chức năng vốn có của nhà sàn. Nơi đây luôn tạo cho người Khơ Mú một hình ảnh thân quen, gần gũi, ấm áp, càng ngày càng gắn bó giữa các thế hệ hôm nay và mai sau. Nghĩ đến văn hóa nhà sàn người Khơ Mú cùng những chủ nhân của nó đang ngày đêm vượt khó, vươn lên làm chủ, xây dựng quê hương đổi mới, khiến ai đó đã một lần đến nơi này, hẳn càng thêm tin yêu. 

 

Nguồn: website báo Nội Thất

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT